Đề xuất phát triển công nghiệp ô tô của Bộ Công Thương: Hồi sinh giấc mơ ô tô Việt
Thị trường xe ô tô trong năm 2018 dự báo sẽ càng cạnh tranh gay gắt hơn. Ảnh: Tuấn Nguyễn. |
Xe bán chạy nhất sẽ bị điều chỉnh thuế, phí?
Cùng với việc Bộ Công Thương đưa ra 3 nhóm giải pháp chính nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 942 sửa đổi, bổ sung Danh mục Bảng giá tính lệ phí trước bạ ô tô, xe máy, áp dụng từ 24/5/2017. Đây được xem là một trong những động thái nhằm đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Cùng đó, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ và Quốc hội áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế nhập khẩu đối với xe bán tải (Pick-up) có khối lượng chuyên chở nhỏ hơn 1.500kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống như xe con dưới 9 chỗ, đồng thời tăng lệ phí trước bạ cho các dòng xe bán tải.
Thực tế, liên tiếp trong 5 tháng đầu năm 2017, xe từ Thái Lan và Indonesia luôn dẫn đầu số lượng nhập về Việt Nam. Trong đó, đa phần là xe bán tải và xe con có dung tích xi lanh nhỏ. Nếu đề xuất này được thông qua, chắc chắn giá xe bán tải sẽ tăng mạnh, và các hãng bị ảnh hưởng nhiều nhất là Ford và Chevrolet (Mỹ), UAZ (Nga), Mazda và Mitsubishi, Toyota (Nhật). Ford là hãng xe chiếm thị phần xe bán tải nhiều nhất tại Việt Nam hiện nay với mẫu xe chủ lực Ford Ranger, 5.647 chiếc được bán trong năm tháng đầu năm 2017.
Về 3 nhóm giải pháp chính nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, trao đổi với PV, đại diện các doanh nghiệp (DN) nội địa rất hoan nghênh việc Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) với linh kiện, phụ tùng ô tô; điều chỉnh các chính sách thuế TTĐB; thay đổi giá tính thuế đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước áp dụng đến 31/12/2022 theo hướng: không tính thuế TTĐB đối với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước (linh kiện, phụ tùng) nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước, khuyến khích các hãng xe nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng được sản xuất trong nước... Theo hướng này, DN nào càng sử dụng nhiều linh kiện trong nước, đầu tư máy móc hiện đại càng có lợi. Chẳng hạn, một DN chỉ nhập 50% giá trị bộ linh kiện là 4.000 USD thì thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ có 1.600 USD.
Trước đó, chúng ta từng có giấc mơ về chiếc xe “Made in Viet Nam” khi ông Bùi Ngọc Huyên xây dựng nhà máy sản xuất ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki). Từ năm 2013, ông Huyên đã đề xuất nếu Vinaxuki nội địa hóa được 50% chiếc xe thì Nhà nước giảm 50% thuế TTĐB nhưng không được chấp nhận.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Huyên cho rằng, cần phải thẳng thắn thừa nhận việc DN Việt Nam đến thời điểm này chưa nội địa hóa mạnh. Với chính sách hiện nay thì sản xuất phụ tùng đối với DN không có lợi. Nếu muốn khuyến khích trong nước phát triển, phải đánh thuế nhập khẩu phụ tùng như cách Trung Quốc đang làm 30 đến 40%, cao gấp đôi mức Việt Nam đang áp dụng.
“Sản xuất xe con để có tỉ lệ nội địa hóa cao là rất tốn tiền. Anh lắp ráp không được coi là cơ khí trọng điểm. Sản xuất phụ tùng cả của xe con và xe tải phải được đưa vào cơ khí trọng điểm. Với dân số lớn thứ 15 trên thế giới, Việt Nam nên có công nghiệp ô tô. Nếu không có nghĩa bỏ cho nước khác nhảy vào khai thác”, ông Huyên nói và cho rằng việc Nhà nước đánh thuế TTĐB dựa trên giá bán thời gian qua đã không khuyến khích các DN đầu tư đẩy mạnh sản xuất linh kiện trong nước. Bởi lẽ, các DN sẽ ưu tiên lắp ráp để bán xe, thuế TTĐB cao thì họ càng thu được nhiều.
Bắt tay với nhà sản xuất nước ngoài?
Nắm bắt được chủ trương thúc đẩy công nghiệp ô tô, cuối tháng 3 vừa qua, Tập đoàn Thành Công đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Hyundai Motor Hàn Quốc liên doanh, mở rộng sản xuất lắp ráp xe du lịch tại Việt Nam. Cơ cấu sản phẩm xe Hyundai tại Việt Nam sẽ chuyển dịch tỷ trọng từ 20% xe lắp ráp CKD (xe lắp ráp trong nước với 100% linh kiện được nhập khẩu) hiện tại (2 mẫu xe du lịch lắp ráp là Hyundai Santafe và Elantra) lên khoảng 70-80% CKD trong năm 2017 và tăng lên 90% trong năm 2018. Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Hyundai Thành Công (HTC) khẳng định công ty sẽ có cách đi khác Vinaxuki. Cách đi mà HTC cũng như Cty CP ô tô Trường Hải (THACO) chọn là bắt tay với các nhà sản xuất nước ngoài.
“Trong phát triển ô tô trên thế giới, xu thế đều bắt đầu bằng sản xuất lắp ráp và bảo vệ thị trường một cách hợp lý. Thông qua đó, nhận chuyển giao công nghệ, rồi gia tăng tỷ lệ nội địa hóa bằng giải pháp phát triển sản xuất linh kiện phụ tùng, tiến dần đến cùng hợp tác, cùng cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trong bối cảnh hội nhập. Đây là luật chơi mới trong kinh doanh”, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch THACO từng cho biết về hướng đi để hiện thực hóa khát vọng không chỉ đáp ứng sản phẩm ô tô cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ngược ra các nước ASEAN.
Theo ông Lê Ngọc Đức, cái khó nhất là tạo dựng được thị trường, niềm tin và sự ủy quyền của đối tác. “Chúng tôi đã có một quá trình dài để chuẩn bị, đàm phán, mời chào họ đặt nhà máy tại Việt Nam, dần dần chuyển giao công nghệ. Trong thời điểm này, nếu chúng tôi không sản xuất, nội địa hóa thành công thì sẽ mất đi cơ hội tại Việt Nam. Mục tiêu của HTC sau khi mở rộng sản xuất sẽ nâng công suất lên 170 nghìn xe/năm và sẽ đạt mục tiêu nội địa hóa nội khối ít nhất 40% vào năm 2019” - Tổng giám đốc HTC chia sẻ.
Lãnh đạo HTC cũng không ngại ngần tiết lộ hiện công ty và THACO đã có trao đổi, thống nhất liên kết cùng phát triển. Theo đó, những thiết bị, linh kiện nào THACO đã đầu tư sản xuất, Hyundai Thành Công không làm và ngược lại. Cùng với việc giảm giá linh kiện, phụ tùng ô tô, theo lãnh đạo HTC và THACO, người Việt sẽ có nhiều lựa chọn để mua xe với giá rẻ hơn bây giờ.
Theo đại diện Bộ Công Thương, “quan điểm giảm thuế cho các loại xe có tỷ lệ nội địa hóa cao về cơ bản nhận được sự ủng hộ của nhiều bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương. Việc áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt theo kiểu “đánh đồng” từ 45% - 60%, đối với ôtô 6 - 9 chỗ ngồi tùy theo dung tích xi lanh như trước đây đúng là không có khuyến khích với những doanh nghiệp ô tô sản xuất, sử dụng nhiều linh kiện trong nước. |