|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Để TP HCM là trung tâm kết nối giao thông vùng – Bài 3: Hoàn thiện cơ chế

17:33 | 30/04/2023
Chia sẻ
Bộ Chính trị xác định quan điểm sẽ tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy TP HCM phát triển nhanh, bền vững.

Đây là cơ hội cũng là áp lực thúc đẩy thành phố vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội, làm đầu tàu kéo theo sự phát triển chung của vùng.

Liên kết cùng phát triển

Đông Nam bộ giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng và phát triển kinh tế của cả nước. Vùng chỉ chiếm 9,2% diện tích và 20% dân số, nhưng đóng góp khoảng 45% tổng thu ngân sách và xấp xỉ 32% GDP cả nước. Đây là khu vực thu hút gần một nửa FDI của cả nước, nhưng gần đây sức hút FDI của vùng có dấu hiệu suy giảm khi quy mô trung bình/dự án FDI chỉ khoảng 10 triệu USD, thấp hơn mức bình quân cả nước 12,42 triệu USD.

Hiện nay, các dự án hạ tầng giao thông lớn đang được triển khai gấp rút nhằm kết nối vùng. Đó là Vành đai 3, cao tốc TP HCM – Mộc Bài, mở rộng các tuyến cao tốc, hoàn thành thủ tục tái khởi động dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành… Theo các chuyên gia, cần mở rộng không gian phát triển và liên kết vùng bằng cách hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối vùng, hình thành khu siêu kinh tế.

Ông Nguyễn Trọng Hoài, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh châu Á (Jabes) đánh giá, Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM thời gian qua giúp thành phố là địa phương dẫn đầu vùng về nhiều mặt. Dù vậy, hạn chế do hai năm đại dịch và khi triển khai còn nhiều điều bất cập về chính sách nên tính hiệu quả chưa cao và chưa giải quyết cơ bản các điểm nghẽn của TP HCM. 

Theo kế hoạch được Trung ương xác định, thời gian tới, TP HCM sẽ được đầu tư và hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ và hệ thống đường kết nối nội vùng, liên vùng; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia, nhất là tuyến Vành đai 3, Vành đai 4, đường cao tốc; xúc tiến đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; mạng lưới đường sắt kết nối vùng TP HCM. 

Cùng với đó, thành phố tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống giao thông công cộng có sức chở lớn, phát triển, khai thác hiệu quả mạng đường sắt đô thị, luồng tàu đường biển, đường sông, bảo đảm kết nối liên hoàn với các tỉnh Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung bộ và Tây Nguyên. 

Để thực hiện mục tiêu này, ông Nguyễn Trọng Hoài cho rằng, cần kiến nghị trung ương để lại ngân sách tái thiết sau đại dịch cho vùng Đông Nam bộ và đặc biệt là TP HCM theo một cơ chế đặc thù, ưu tiên các dự án giao thông kết nối vùng trọng điểm, hiện các dự án này chậm và chưa đồng bộ nên chi phí doanh nghiệp cao về chi phí thực và thời gian.

Trong dự thảo sửa đổi Nghị quyết 54/2027/QH14 đang được trình Quốc hội, TP HCM cũng kiến nghị các cơ chế, chính sách cho thành phố chủ động sử dụng ngân sách thành phố để thực hiện dự án, công trình quan trọng có tính chất vùng, liên vùng; hỗ trợ các địa phương khác trong nước, hỗ trợ một số địa phương tại một số nước khác trong các trường hợp cần thiết.

Đề xuất chính sách phát triển logistics vùng Đông Nam bộ, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu – Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam cho rằng, cần ban hành cơ chế huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, đất đai... để có ngân sách phát triển hạ tầng; có các chính sách thúc đẩy việc liên kết vùng, một cơ chế đặc biệt và sự phối hợp giữa các tỉnh. Các chính sách này phải tính đến lợi ích chung của cả vùng hơn là lợi ích của địa phương.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, để phát triển vùng cần ưu tiên phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đường vành đai TP HCM; có chính sách ưu đãi thu hút các doanh nghiệp logistics lớn đầu tư vào vùng Đông Nam bộ, qua đó thu hút các doanh nghiệp chủ hàng đến vùng. 

“Thành lập tổ chức quản lý vùng Đông Nam bộ về logistics có đủ thẩm quyền, và cơ chế làm việc hiệu quả nhằm thúc đẩy hợp tác liên vùng giữa các tỉnh thành hướng đến mục tiêu phát triển logistics toàn vùng”, ông Nguyễn Thanh Tuấn đề xuất.

Kiện toàn Hội đồng vùng

Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, ngày 25/6/2015, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 941/QĐ-UBND về thành lập các Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm. Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn được của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã ban hành Nghị quyết số 5026/NQ-HĐV về nhiệm vụ trọng tâm Hội đồng vùng, trong đó có Tổ điều phối chuyên đề kết nối giao thông.

Trên cơ sở đó, thời gian qua, các địa phương đã và đang phối hợp triển khai thực hiện các dự án Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP HCM - Mộc Bài, Quốc lộ 22, đường Trần Đại Nghĩa, Quốc lộ 1A, trục động lực (đường song song Quốc lộ 50), đường Lê Văn Lương, cầu Cát Lái... Ngoài ra, các địa phương có chung địa giới hành chính thường xuyên, chủ động phối hợp với nhau nhằm đảm bảo việc kết nối giao thông được thông suốt, đồng bộ quy mô, tiến độ đầu tư. 

Tuy nhiên, theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, bộ máy của Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa phải là một cấp hành chính theo quy định. Các quyết định, nghị quyết của Hội đồng vùng cũng chỉ mang tính chất khuyến nghị, khuyến khích thực hiện. Vùng chưa có những công cụ, bộ máy đủ chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền để điều hành. Một số đơn vị được thành lập bởi Hội đồng vùng chưa thể vận hành được vì cơ chế phối hợp giữa các địa phương và phân định trách nhiệm chưa rõ ràng.

Trên cơ sở đó, Sở Giao thông Vận tải tham mưu UBND TP HCM kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn nhân sự của Hội đồng vùng để góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, quy hoạch vùng một cách bền vững. Trong số đó, phân công một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng, lãnh đạo của tỉnh, thành phố là thành viên và mỗi tỉnh phân công 1 thành viên chuyên trách. UBND TP HCM chủ trì, phối hợp với các tỉnh thành tham mưu dự thảo chức năng, nhiệm vụ, nhân sự, quy chế hoạt động của Hội đồng vùng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định làm cơ sở thực hiện.

Về quan điểm quản trị vùng về kết nối giao thông, ông Nguyễn Trọng Hoài cho rằng, nguồn vốn đầu tư công cho các dự án vành đai TP HCM và vùng phải được vùng giám sát, quản lý và đề xuất ưu tiên giải quyết theo quy hoạch vùng. Do đó, cần hoàn thiện Hội đồng vùng và hoàn thành quy hoạch vùng Đông Nam bộ trong thời gian sớm nhất để xác định các dự án trọng tâm và trọng điểm liên kết nội vùng và ngoại vùng.  

“Hội đồng vùng không thể theo tiếp cận cơ chế đặc thù mà Hội đồng vùng phải có một cơ chế vượt trội để thu hút và sử dụng các nguồn lực đầu tư công giải quyết vấn đề không chỉ cho TP HCM mà các vấn đề liên quan đến cả vùng”, ông Nguyễn Trọng Hoài.

Ông Nguyễn Trọng Hoài phân tích, vùng cần mở rộng không gian phát triển và liên kết bằng cách hòan thiện hệ thống giao thông kết nối, hình thành khu siêu kinh tế. Đó là từng bước hình thành khu siêu kinh tế, siêu cảng mở hướng Nam mà hạt nhân là khu công nghiệp Hiệp Phước, Tân Thuận và các không gian Quận 7, huyện Cần Giờ. Qua đó, TP HCM có điều kiện kết nối các vùng nguyên liệu thuộc Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Đông Nam bộ.

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM giữa tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, TP HCM là đầu tàu kinh tế, là trung tâm văn hóa, xã hội của khu vực phía Nam và cả nước. Thành phố phát triển hay khó khăn có ảnh hưởng đến tình hình phát triển chung của cả nước, vì thế, Chính phủ thường xuyên có các cuộc làm việc với Thành phố để cùng trao đổi về các giải pháp để thúc đẩy TP HCM phát triển nhanh, bền vững.

Những cơ chế, chính sách đặc thù để TP HCM phát triển đang được trình Quốc hội. Nhiều nội dung nếu được thông qua, sẽ giúp thành phố khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhất là vượt qua giai đoạn khó khăn sau đại dịch. Theo đó, các chính sách giúp thúc đẩy đầu tư nhanh các dự án giao thông kết nối vùng với TP HCM là hạt nhân, sẽ tạo động lực phát triển cho cả khu vực và cả nước.