Kinh tế TP HCM có chuyển biến tích cực trong tháng 4
Việc tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ và biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thời gian qua đã phát huy tác dụng, giúp kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng Tư có chuyển biến tích cực hơn so với 3 tháng đầu năm.
Đây là nội dung được các sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh thông tin tại Phiên họp tình hình kinh tế-xã hội tháng Tư, 4 tháng đầu năm, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm tháng 5/2023 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra chiều 28/4.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, thông tin trong tháng 4/2023, các ngành công nghiệp, thương mại của Thành phố Hồ Chí Minh có sự khởi sắc, đặc biệt là du lịch, vận tải hành khách tăng cao. Cụ thể, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 4/2023 ước đạt khoảng 95.853 tỷ đồng, tăng 12,2% so tháng trước và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 359.581 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng doanh thu du lịch trong tháng Tư ước đạt 15.035 tỷ đồng, tăng 71,6% so với cùng kỳ năm 2022. Khách du lịch nội địa ước đạt là 2.996.600 lượt, tăng 51,7% so với cùng kỳ; khách quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 338.760 lượt, tăng 195,2%.
Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng doanh thu ước đạt 51.147 tỷ đồng, tăng 75,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Về đầu tư công, trong tháng Tư, Thành phố Hồ Chí Minh đã giao và phân bổ chi tiết 43.440 tỷ đồng.
Đến 21/4, thành phố đã giải ngân 2.020 tỷ đồng, đạt 4,9% tổng số vốn giao. Trong số đó, vốn ngân sách thành phố giải ngân 1.792 tỷ đồng, đạt 6,8% tổng số vốn giao; ngân sách trung ương giải ngân 227 tỷ đồng, đạt 1,5% tổng số vốn giao. Tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm ước đạt 170.000 tỷ đồng, đạt 36% dự toán năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, kinh tế thành phố vẫn còn không ít khó khăn, thể hiện qua số doanh nghiệp thành lập mới giảm cả về lượng và vốn.
Trong tháng Tư, thành phố ghi nhận có 14.752 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký gần 145.000 tỷ đồng, giảm 9,6% về số lượng và giảm gần 25% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Thêm vào đó, số vốn doanh nghiệp đăng ký đầu tư bổ sung cũng giảm 59% so với cùng kỳ, đạt 96.000 tỷ đồng. Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung trong tháng 4/2023 là hơn 240.000 tỷ đồng, giảm 43,33 % so với cùng kỳ năm 2022.
Cũng trong tháng Tư, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận số lượng doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng gần 24% so với cùng kỳ, với gần 15.000 doanh nghiệp và chỉ có hơn 5.500 doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 26% so với cùng kỳ; 1.207 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Đầu tư nước ngoài vốn là một trong những điểm sáng của Thành phố Hồ Chí Minh trước đây, hiện đang có chiều hướng giảm.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, thành phố thu hút được gần 980 triệu USD, giảm 23,45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phân tích nguyên nhân, đại diện các sở, ngành đều cho rằng, hiện kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, chưa có chiều hướng cải thiện đáng kể; chính sách tài chính, tiền tệ thắt chặt của nhiều quốc gia tiếp tục duy trì.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản, tái chính chưa được khơi thông, giải ngân đầu tư công chưa được cải thiện nên chưa tạo được sức lan toả đà phục hồi sang nhiều lĩnh vực.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có những điểm sáng, chuyển động tích cực hơn so với 3 tháng đầu năm nhưng vẫn chưa hết khó khăn. Trong tháng Năm và những tháng tiếp theo, các, sở, ngành cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ giải ngân đầu tư công, phấn đấu đến hết quý 2 giải ngân đầu tư công đạt 35% kế hoạch cả năm.
Thành phố tập trung giải ngân toàn bộ số vốn đã đăng ký và được giao cho các dự án; đề xuất điều chuyển vốn giữa các dự án đang triển khai hoặc bố trí mới cho các dự án chưa có trong kế hoạch vốn trước ngày 30/6. Tập trung theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình đã khởi công. Hoàn thành đầu thầu, lựa chọn nhà thầu thực hiện quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Để tháo gỡ khó khăn về thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu, ông Phan Văn Mãi giao Sở Công Thương xây dựng các nhóm giải pháp, chương trình xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, khai thác hiệu quả các thị trường truyền thống cho ngành dệt may, da giày, đồ gỗ… và tổ chức tốt hội chợ xuất khẩu vào cuối tháng 5/2023.
Đối với hoạt động sản xuất, ông Phan Văn Mãi yêu cầu Ban quản lý Khu công nghệ cao, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất kịp thời nắm bắt các khó khăn của doanh nghiệp để giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất thành phố tháo gỡ theo đúng thẩm quyền. Tích cực rà soát các dự án đã cấp phép nhưng chưa xây dựng, các dự án chỉ “đặt gạch” rồi để trống trong các khu công nghiệp để có phương án thu gom, phát triển quỹ đất công nghiệp, tạo không gian để doanh nghiệp phát triển và thu hút thêm các dự án đầu tư nước ngoài một cách hiệu quả.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/