|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đế chế đứng sau hệ sinh thái truyền thông, tài chính, sở hữu BeatVN, Gapo, Tima, Gpay,… tại Việt Nam

16:15 | 28/12/2022
Chia sẻ
Sở hữu 30 hệ sinh thái với hơn 30 triệu người dùng và 11 công ty thành viên, G-Group là tập đoàn đứng sau loạt thương hiệu truyền thông, tài chính lớn ở Việt Nam.

Ảnh chụp lễ cất nóc trụ sở G-Group có sự xuất hiện của nhiều lãnh đạo F88. (Ảnh: Facebook Phùng Anh Tuấn).

Trung tuần tháng 12, tại Hà Nội, Tập đoàn G-Group đã tổ chức lễ cất nóc trụ sở mới. Đây cũng là tập đoàn vừa được tôn vinh tại giải thưởng Make In Vietnam 2022 với sản phẩm phần mềm GapoWork.

Trên trang Facebook cá nhân của ông Phùng Anh Tuấn - Founder kiêm CEO CTCP Kinh doanh F88, đã chia sẻ những hình ảnh về lễ cất nóc này. Dưới bức hình, các bình luận chúc mừng G-Group và cá nhân ông chủ F88, đều được ông Tuấn đáp lại. Nhiều người đặt ra câu hỏi, vậy mối quan hệ giữa G-Group với F88 là gì? Và G-Group là doanh nghiệp như thế nào?

Theo tìm hiểu, tiền thân của G-Group là CTCP Tập đoàn Gplay, thành lập ngày 8/1/2016. Trụ sở nằm tại P 207-01, tầng M, toà nhà N01A-Golden Land, 275 Nguyễn Trãi - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà Nội.

Vốn điều lệ ban đầu 30 tỷ đồng, trong đó ông Phùng Anh Tuấn đóng góp 87% vốn. Đến ngày 23/8/2018, doanh nhân này thoái hết vốn khỏi G-Group. Đây cũng là thời điểm G-Group bất ngờ tăng vốn gấp đôi lên 60 tỷ đồng.

Hệ sinh thái G-Group

Theo giới thiệu, G-Group là tập đoàn công nghệ, tập trung hoạt động và đầu tư trong ba lĩnh vực: Tài chính công nghệ, truyền thông công nghệ và an ninh công nghệ. Tập đoàn sở hữu 11 công ty thành viên, trong đó có VSEC, Ginnovations, Tima, GTV, BeatVN, Gpay, Quỹ đầu tư G-Capital,…

 Hệ sinh thái của G-Group. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình).

BeatVN là công ty trong lĩnh vực truyền thông xã hội và giải trí, cung cấp nội dung số: tin tức xã hội, nghệ thuật, thể thao và đời sống của giới trẻ. Công ty sở hữu kênh Facebook hơn 1,6 triệu like, kênh Youtube với gần 300.000 người đăng ký cùng mạng lưới social media với hơn 30 triệu followers trong hệ thống.

Ngoài hệ sinh thái Multi Network bao gồm các kênh đa dạng trên một số nền tảng mạng xã hội (20 triệu người theo dõi), Beat còn sở hữu B Creative, đơn vị cung cấp dịch vụ truyền thông marketing cho các doanh nghiệp.

CTCP Công nghệ Gapo được thành lập với mục tiêu xây dựng mạng xã hội nội địa. Tháng 7/2019, công ty chính thức ra mắt mạng xã hội Gapo. Cuối năm 2020, Gapo có 6 triệu tài khoản hoạt động, tuy nhiên đến nay, công ty không còn cập nhật số người dùng.

Trong khi đó, GTV được thành lập năm 2010 với tên gọi ban đầu là GameTV, kinh doanh dựa trên tựa game Age of Empires (AoE/Đế Chế). Công ty này hoạt động trong lĩnh vực eSports (thể thao điện tử), livestream, đào tạo và phát triển Idols, streamers và phát hành game. Đây cũng là đơn vị game thủ Chim Sẻ Đi Nắng từng đầu quân.

Bên cạnh truyền thông và game, G-Group cũng hoạt động khá mạnh trong lĩnh vực tài chính. Tima bắt đầu tham gia thị trường công nghệ tài chính từ năm 2015 với vai trò là sàn kết nối tài chính đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam, theo thông tin tự công bố. 

Tính đến nay, Tima đã nhận được đầu tư vòng thứ nhất (Series A) từ các quỹ Dunearn Singapore Fund, G-Capital vào năm 2016 và vòng đầu tư thứ hai (Series B) từ quỹ ngoại Belt Road Capital vào tháng 10/2018 với mức định giá gần 500 tỷ đồng.

Trong khi đó, G-Capital là quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ và tài chính, tham gia đầu tư vào các công ty thành viên của G-Group. Ví điện tử Gpay cũng thuộc G-Group cho biết họ sẽ đạt 5 triệu người dùng thường xuyên vào năm sau. Tháng 1/2021, Gpay nhận khoản đầu tư Series A từ Tập đoàn Tài chính KB Hàn Quốc với định giá 425 tỷ đồng.

Ngoài các mảng mạng xã hội, ví điện tử, game, cho vay ngang hàng... G-Group hiện phát triển thêm mảng trí thông minh nhân tạo (G-Innovations); dịch vụ giám sát thông tin (VSEC) và xuất nhập khẩu các sản phẩm công nghệ và tiêu dùng cao cấp (G-Luxury).

Mối quan hệ giữa G-Group và F88

Về mối quan hệ giữa F88 và G-Group, dù không trực tiếp xác nhận mối quan hệ, song hai pháp nhân này có những gắn bó với nhau trong cả quá khứ lẫn hiện tại. Ông Phùng Anh Tuấn có một thời gian vừa là Chủ tịch Hội đồng quản trị G-Group, vừa là CEO F88. Trong khi ông Phùng Anh Tú nắm giữ vị trí Tổng giám đốc G-Group.

Hiện tại, trao đổi với người viết, đại diện truyền thông F88 cho biết, ông Tuấn đã không còn là Chủ tịch G-Group, để tập trung vào F88. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, cách đây hơn một tuần, tại lễ cất nóc trụ sở G-Group, ông Phùng Anh Tuấn vẫn được giới thiệu là Chủ tịch HĐQT G-Group. Xuất hiện cùng ông Tuấn là ông Ngô Quang Hưng, Phó Tổng giám đốc F88.

 Ông Phùng Anh Tuấn trong ngày sinh nhật được G-Group tổ chức. (Ảnh: Facebook Phùng Anh Tuấn).

Cả F88 và Tima - công ty con của G-Group đều hoạt động trong lĩnh vực cho vay. Trong đó, F88 được thành lập từ năm 2013, có hoạt động kinh doanh chủ yếu là cho vay cầm cố. Hai năm sau, Tima ra đời, hoạt động trong lĩnh vực fintech với giới thiệu là nhà cung cấp nền tảng công nghệ cho vay ngang hàng (P2P) tại Việt Nam.

Các sản phẩm của Tima gồm cho vay tiền nhanh, vay tiền mặt, vay theo đăng ký xe, vay tiêu dùng, vay tín chấp,… Ở F88, khách hàng cũng được cung cấp dịch vụ cho vay tiền mặt theo đăng ký xe, bảo hiểm, thanh toán hoá đơn,… 

Ngoài ra, G-Group còn có một công ty tài chính KB Fina, liên doanh với tập đoàn Tài chính KB Hàn Quốc. KB Fina cho biết họ áp dụng công nghệ để giải quyết các nhu cầu về dịch vụ tài chính cho mọi cá nhân, bao gồm cả các phân khúc người chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa được tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Khách hàng dưới chuẩn ngân hàng cũng là đối tượng được F88 hướng đến.

Đáng chú ý, trước đấy, F88 được G-Group giới thiệu nằm trong hệ sinh thái các công ty con của mình. Song đến tháng 7/2019, cái tên F88 đã không còn xuất hiện trên website của G-Group. Những điều trên khiến giới công nghệ, đầu tư không khỏi đặt vấn đề về mối quan hệ giữa hai pháp nhân này và vai trò của ông chủ Phùng Anh Tuấn.

F88 biến mất trong hệ sinh thái của G-Group. (Nguồn ảnh: Tạp chí điện tử Nhà đầu tư).

Thiên Trường