Đề án giãn dân phố cổ Hà Nội (KỲ V): Đừng để dân sống mòn trên di sản
KTS Phạm Thanh Tùng
Bảo tồn phố cổ Hà Nội không phải chỉ là bảo tồn những ngôi nhà, mà bảo tồn không gian và lối sống.
Đó là không gian phố cổ, là những con đường theo hình ô bàn cờ, là những sạp hàng tạo nên lối sống buôn bán của dân “kẻ chợ”. Nhưng cần có sự bảo tồn chọn lọc, có những ngôi nhà cần phải đập đi, chỉ giữ lại những căn nhà có giá trị kiến trúc.
Bảo tồn có chọn lọc
Thực tế có hàng nghìn số nhà với tuổi thọ trên 100 năm, nhưng những căn nhà được xây dựng thô sơ sẽ không thể trụ lại lâu, nếu để tiếp tục như vậy sẽ còn nhiều căn sập xuống như vụ việc xảy ra tại Hàng Bông mới đây.
Để không xảy ra những trường hợp tương tự chúng ta cần khảo sát lại, đừng tham vọng bảo tồn hết toàn bộ khu phố cổ mà chỉ giữ lại những công trình có giá trị đặc biệt và giữ lại không gian văn hóa phố cổ. Thậm chí ở trong một dãy phố, người ta chỉ bảo tồn một số ngôi nhà còn phải phá đi và cải tạo.
Đây là một vấn đề lớn, mang tính chiến lược và cần nguồn lực lớn. Tuy nhiên, Hà Nội đang có nhiều công trình bị trì trệ, thiếu vốn.
Thực tế có những căn nhà đã cải tạo trên phố Mã Mây, Tạ Hiện, Hàng Đào… nhưng còn rất nhiều căn nhà với hàng chục vạn người đang chen chúc.
Có những căn nhà sắp sập rồi nên dù cải tạo đi chăng nữa cũng chỉ phí tiền và có nhiều căn chắc chắn phải đập bỏ đi và xây lại vì thế cần phải có quy hoạch cụ thể từng căn nhà.
Bên cạnh đó, điểm đặc biệt chính là những tuyến phố được quy hoạch theo ô bàn cờ, chỉ cách nhau tầm 300m, mỗi dãy phố kinh doanh một mặt hàng làm nên đặc trưng phố cổ Hà Nội, đó là những thứ cần giữ lại.
Thực tế Hà Nội khác với Hội An. Hội An là một khu đô thị, còn Hà Nội là phố cổ nằm trong một đô thị đang phát triển. Hội An có những dãy phố hiện nay vẫn còn đang buôn bán và không có sự tác động nhiều vào kiến trúc cổ.
Còn Hà Nội trái ngược hoàn toàn khi đang tồn tại trong sự đô thị hóa nhanh chóng của phố thị hiện đại. Cho nên, nếu để cải tạo, bảo tồn phố cổ Hà Nội cần phải gắn liền nó với quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế, xã hội nhanh chóng của Hà Nội.
Lấy dân làm chủ thể
Nhìn thẳng vào thực tiễn, dự án di dân sang Việt Hưng, đây không phải là điều mới mẻ, bởi từ năm 1998, Hà Nội đã thực hiện vấn đề di dân và đã làm xong giai đoạn 1.
Những đối tượng cần di dời là những hộ dân do hoàn cảnh lịch sử, chiến tranh để lại, họ sống trong khuôn viên những di tích, những công trình văn hóa như chùa chiền, miếu mạo, trường học thì bây giờ phải di dân đi. Nhưng khi đưa họ sang khu Việt Hưng không phải là người ta đã đi hết, thậm chí có những người đi rồi lại quay về.
Tôi cho rằng Hà Nội sẽ tiếp tục di dân nhưng rất chậm, cần phải làm rõ được làm thế nào để người dân đồng thuận, bởi vì phố cổ khác với Việt Hưng. Người Việt Nam quan niệm ăn nhiều chứ ở bao nhiêu.
Trong khi ở phố cổ, chỉ cần 1m2, dựng lên một sạp hàng là có thể cho con đi du học nước ngoài. Hay chỉ một con phố vỏn vẹn 50,1m như phố Hồ Hoàn Kiếm nhưng cũng đủ tạo nên cái tên phố nộm, chỉ cần nghe tiếng kéo lách cách là người ta nhận ra tên phố. Còn Việt Hưng lại là một nơi khác hoàn toàn.
Điều cốt lõi là phải giải được bài toán bảo tồn di sản và cuộc sống của người dân, đây là trách nhiệm của chính quyền đô thị.
Nhìn chung, việc giãn dân phố cổ đang gặp mâu thuẫn giữa việc bảo tồn phố cổ và lợi ích của người dân.
Và điều quan trọng nữa cần phải xem xét sau khi di dân rồi thì nhà sẽ để lại cho ai? Căn nhà sau khi họ dời đi sẽ được cải tạo như thế nào? sau khi cải tạo họ có thể được quay về tái định cư hay không?
Và thứ người ta cần nhất là lợi ích của họ, khi di dân sang ở một nơi khác họ có thể sống được không. Người ta sẽ đặt câu hỏi nếu ở phố cổ, một mình tôi chỉ cần một mét vuông có thể nuôi cả nhà thì sang Việt Hưng 10 mét vuông có thể nuôi được cả nhà tôi hay không?
Bài toán của Hà Nội giống hệt với Đường Lâm. Khi chính quyền Đường Lâm rất muốn biến nó thành khu du lịch nhưng người dân chỉ muốn trả lại danh hiệu di sản quốc gia, bởi nếu làm gì sản thì họ không thể phát triển được. Một gia đình họ muốn phá nhà đi, xây lên chia cho con cái nhưng do nhà đó nằm trong di sản nên bị Luật di sản bảo vệ.
Đừng để dân sống mòn trên di sản bằng cách Luật di sản cũng cần phải đi kèm với quyền lợi của người dân, của chủ sở hữu. Họ không có tiền thì nhà nước đầu tư, cải tạo, tôn tạo cho họ.
Sau đó bàn giao lại cho người chủ nhà quản lý để phát triển du lịch và chia sẻ lợi nhuận giữa người dân và chính quyền.
Đây là một bài toán kinh tế du lịch, kinh tế di sản, chỉ có đảm bảo lợi ích công bằng, minh bạch mới có thể thỏa mãn được lòng dân.