|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Xôn xao nhà, đất trung tâm phố cổ Hà Nội được ‘định đoạt’ giá bèo

21:53 | 17/04/2019
Chia sẻ
Thay vì ra quyết định bán nhà, đất chuyên dùng thuộc sở hữu Nhà nước thì cơ quan chức năng Hà Nội lại cho doanh nghiệp nộp tiền trước rồi mới đề nghị bán. Trong khi giá bán các cơ sở nhà, đất ở mặt phố vị trí đắc địa trung tâm phố cổ lại được định đoạt với giá bèo, thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường.

Từ quy trình ngược: Cho nộp tiền trước, đề nghị bán sau

Khu nhà đất mặt phố số 56 Hàng Gai thuộc phường Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm), nằm ở trung tâm phố cổ ngay sát cạnh khu bờ hồ Gươm là cơ sở đất, nhà chuyên dùng thuộc sở hữu Nhà nước (gọi tắt sở hữu nhà nước-PV) lâu nay được quản lý của đơn vị quản lý nhà.

Đùng một cái vào đầu năm 2015, Cty CP Dịch vụ và Thương mại Đông Á có trụ sở tại số 2 phố Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng), làm văn bản đề nghị TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất tại số 56 Hàng Gai cùng với 2 cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước khác gồm: 46 Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm) và số 7 Đội Cấn (quận Ba Đình).

Lý do mà doanh nghiệp này đưa ra đề nghị trên vì trước đấy không lâu, các cơ quan Hà Nội đã tiến hành ký hợp đồng cho thuê nhà; xác định giá bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đặc biệt là cho doanh nghiệp này đã nộp tiền trước vào ngân sách về giá trị chuyển nhượng công trình nhà, đất tại 3 cơ sở trên.

Xôn xao nhà, đất trung tâm phố cổ Hà Nội được ‘định đoạt’ giá bèo - Ảnh 1.

Nhà mặt phố số 56 Hàng Gai được xác định giá bán khoảng 88 triệu đồng/m2, thấp hơn nhiều so giá thị trường cùng thời điểm, cũng như giá khởi điểm đấu giá đất tại khu vực này.

 Theo tìm hiểu của PV, ngày 05/6/2014, Cty CP dịch vụ và thương mại Đông Á cùng lúc được ký hai hợp đồng cho thuê nhà, đất mặt phố số 56 Hàng Gai và số 46 Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm). Riêng hợp đồng cho thuê nhà số 7 Đội Cấn (quận Ba Đình) được ký sau đấy gần một tháng.

Tiếp đến liên ngành Hà Nội đã có tờ trình và được chấp thuận về giá bán tài sản trên đất, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với 3 cơ sở nhà, đất trên. Đặc biệt, Sở Tài chính đã có văn bản số 37 (ngày 20/01/2015), hướng dẫn để doanh nghiệp này tức tốc nộp tiền vào ngân sách thành phố khi chưa có Quyết định của UBND TP Hà Nội về bán nhà chuyên dùng và chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc sở hữu Nhà nước.

“Thông thường theo quy trình Thành phố phải ra Quyết định bán nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước cho các đối tượng tổ chức, cá nhân được mua rồi mới xác định giá bán cũng như việc các đối tượng bên mua mới tiến hành nộp tiền. Đằng này, 3 cơ sở nhà đất trên lại làm ngược lại”, một vị cán bộ giấu tên chia sẽ.

Đến định đoạt nhà, đất phố cổ với 'giá bèo'

Điều đáng nói, số tiền chuyển nhượng mà doanh nghiệp này phải nộp vào ngân sách cho các cơ sở nhà, đất nằm ở vị trí đắc địa của mặt phố trung tâm phố cổ Hà Nội lại ở mức giá rẻ như bèo; thấp hơn nhiều lần so với giá thực giao dịch trên thị trường cùng thời điểm, cũng như giá khởi điểm đấu giá nhà đất so cùng vị trí.

Theo tìm hiểu, tổng giá trị quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất tại số 56 Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) là hơn 1,6 tỷ đồng cho 18,03m2 nhà, đất mặt phố (có nghĩa mỗi m2 nhà mặt phố ở đây có giá khoảng 88 triệu đồng); Tại số 46 Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm), doanh nghiệp này đã nộp là hơn 1,7 tỷ đồng cho 20,28m2 nhà, đất mặt phố ở tầng 1 (có nghĩa mỗi m2 mặt phố ở đây có giá khoảng hơn 83 triệu đồng-PV)…

Xôn xao nhà, đất trung tâm phố cổ Hà Nội được ‘định đoạt’ giá bèo - Ảnh 2.

Nhà, đất số 46 Hàng Trống cùng hai cơ sở nhà, đất là 56 Hàng Gai, số 7 Đội Cấn đang được dư luận đặt câu hỏi về quy trình bán và chuyển nhượng nhà, đất sở hữu Nhà nước cũng như xác định giá bán sát với thị trường.

Lạ lùng hơn, cùng thời điểm trên, khi phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các cơ sở nhà, đất cùng khu vực, cùng tuyến phố lại cao hơn gấp rất nhiều lần. Cụ thể, đơn cử ngày 29/09/2015, tại Quyết định số 4880 do Phó Chủ tich UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu ký đã phê duyệt giá khởi điểm bán đấu giá tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng 5 cơ sở nhà và đất trên địa bàn quận Hoàn Kiếm thì chỉ riêng cơ sở nhà đất tại số 4 Hàng Gai có diện tích đất và nhà chỉ 10,5m2 (cùng dãy với số 56 Hàng Gai-PV) được phê duyệt giá khởi điểm là trên 2 tỷ đồng (có nghĩa mỗi m2 đất ở phố Hàng Gai vào thời điểm năm 2015, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá là khoảng 200 triệu đồng/m2-PV).

Còn nếu theo giá thực giao dịch trên thị trường cùng thời điểm thì giá nhà, đất tại các tuyến phố như Hàng Gai cao gấp nhiều lần: “Theo khung giá đất mà Hà Nội ban hành (Quyết định 96 khung giá giai đoạn 2015-2019-PV) thì phố Hàng Gai nằm trong hơn 50 tuyến phố của quận này có giá đất vượt mức 100 triệu đồng/m2. Nhưng thực tế đắt gấp chục lần so giá đất trên giấy theo quyết định, riêng nhà mặt số ở đây lâu nay nó rơi vào khoảng từ 400 triệu cả tỷ đồng/m2. Cạnh 56 Hàng Gai diện tích 68m2 đã bán trên 30 tỷ đồng rồi”, nhân viên văn phòng nhà đất cho hay.

Thống kê cho thấy, Hà Nội có khoảng 1.166 địa điểm nhà chuyên dùng. Trong số này, nhiều địa điểm nhà đất sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, cho thuê với giá rẻ mạt hay việc chuyển nhượng sai quy định. Tại Quyết định số 140/2008 của Thủ tướng chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước quy định rõ: “Giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất do Sở Tài chính xác định sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường tại thời điểm chuyển nhượng”.


ĐÌNH PHONG-DUY PHẠM

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.