|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

ĐBSCL: Nghịch lí giá lúa tăng, giá gạo 'nằm một chỗ'

20:16 | 17/04/2020
Chia sẻ
Đầu ra của hạt gạo vùng ĐBSCL hiện chưa có chuyển biến nhiều. Lúa tăng giá, trong khi giá gạo “nằm một chỗ”. Người kinh doanh lúa gạo đang gặp khó khăn.

Khu vực An Cư-Bà Đắc thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang là trung tâm mua bán lúa gạo lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với gần 30 nhà máy xay xát lúa, lau bóng gạo, kho gạo lớn nhỏ. Ở thời điểm này, các chủ kho, thương lái rất nhàn rỗi, ngồi chờ đợi khách hàng đến mua gạo trong tình cảnh ế ẩm.

Bà Nguyễn Thị Bé Bảy- một thương lái lúa gạo ở xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, có mặt nơi đây để chờ bán hàng cho biết, mấy ngày gần đây, dù giá gạo không tăng nhưng việc tiêu thụ gạo rất chậm. 

Giá gạo IR50404 (hạt tròn) thương lái bán ra giá từ 11.000 đồng đến 11.500 đồng/kg, gạo thơm ST 25 giá 20.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg so với tháng trước. Trong khi đó, thời điểm này, lúa vụ Đông Xuân, nông dân vùng ĐBSCL thu hoạch gần xong nên rất khan hàng, giá tăng từ 500 đồng- 700 đồng/kg, so với tháng trước.

ĐBSCL: Nghịch lí giá lúa tăng, giá gạo 'nằm một chỗ' - Ảnh 1.

Các kho lúa gạo tại tỉnh Tiền Giang tràn đầy, do đầu ra khó khăn

“Giá gạo hiện nay giảm, lúa thì đang tăng. Người đi mua lúa ở trên đồng giá cao về đây xay gạo bán giá thấp, nhiều người thua lỗ bị nợ luôn. Bây giờ đề nghị nhà nước cho xuất khẩu đi, nếu không xuất thì dân mình khổ lắm. Nghe bên Thái Lan xuất mà mình không xuất thì làm sao làm ăn được”, bà Nguyễn Thị Bé Bảy nói.

Hiện nay, hầu hết các kho lúa gạo tại tỉnh Tiền Giang đều dự trữ tràn đầy. Mỗi kho, có ít nhất vài nghìn tấn. Cá biệt, tại Công ty TNHH Phước Đạt, xã Bình Đức, huyện Châu Thành có hơn 7.000 tấn; Doanh nghiệp tư nhân Tấn Vinh (xã An Cư, huyện Cái Bè) có 13.000 tấn; Công ty TNHH Việt Hưng (xã Hậu Thành, huyện Cái Bè) có hơn 20.000 tấn.

Lượng lúa gạo này do các thương lái thu mua từ khắp các địa phương vùng ĐBSCL về cung ứng cho các doanh nghiệp. Hay tin Chính phủ cho xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4, các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo vùng ĐBSCL rất phấn khởi. Tuy nhiên, do “trục trặc” tại khâu làm thủ tục hải quan nên niềm vui đó chưa trọn vẹn.

ĐBSCL: Nghịch lí giá lúa tăng, giá gạo 'nằm một chỗ' - Ảnh 2.

Gạo thành phẩm chờ tiêu thụ tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang

“Mấy ngày nay gạo bán rất chậm, giá sụt giảm, gạo thì nhiều. Mấy thương lái lúa mua lúa xay ra gạo bán bị lỗ, lúa giá cao mà gạo bán rẻ. Việt Nam mình mà ngưng làm lúa 2 năm sau cũng chưa đói. Bây giờ đề nghị cho xuất khẩu, không xuất khẩu thì nghèo như năm 2008. ĐBSCL mà không cho xuất khẩu gạo là dân nghèo”, bà Bùi Thị Nữ, chủ doanh nghiệp xay xát lúa gạo tại xã An Cư, huyện Cái Bè cho hay.

ĐBSCL: Nghịch lí giá lúa tăng, giá gạo 'nằm một chỗ' - Ảnh 3.

Nhiều thương lái tại chợ lúa gạo An Cư- Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang trông chờ khách hàng

Theo các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo và người nông dân, chỉ có xuất khẩu gạo, trước mắt là tháng 4 và tháng 5 thì mới giải quyết được bài toán đầu ra hạt gạo vùng ĐBSCL. Bởi lượng gạo hiện đang tồn kho rất nhiều; trong khi đó, vụ lúa Hè thu vài tháng sau sẽ cho thu hoạch.

Bà Nguyễn Thị Bé Mười, nông dân ở huyện Tân Hưng, tỉnh Long An vừa thu hoạch 3 hecta lúa cho biết: “Ở Tân Hưng lúa cắt hết rồi,  đang sạ lại. Lúa nhiều lắm, dễ bán. Lúa giá hơn 5.400 đồng/kg (bán tại ruộng), mùa này có lãi. Lúa gạo bây giờ nhiều quá, không xuất khẩu bị nghẹt quá. Đề nghị xuất khẩu cho dân nhờ”.

ĐBSCL: Nghịch lí giá lúa tăng, giá gạo 'nằm một chỗ' - Ảnh 4.

Một kho dự trữ hàng nghìn tấn gạo tại Tiền Giang

Đầu ra của hạt gạo đang gặp khó, hàng tồn kho còn quá nhiều, dẫn đến mất cân bằng giữa “cung và cầu”, giá chênh lệch giữa lúa và gạo, doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ sẽ ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ lúa của nông dân vụ mùa sau. Đây là vấn đề cần được các Bộ, ngành Trung ương quan tâm, giải quyết, nhất là tháo gỡ những bất cập, tồn động trong khâu lập hồ sơ thông quan của cơ quan Hải quan đang xôn xao trong dư luận.

Nhật Trường

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.