|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

ĐBQH Phạm Văn Hòa: Ngân hàng chỉ bán vàng không mua thì lấy đâu nguồn cung để bình ổn thị trường lâu dài?

16:45 | 03/06/2024
Chia sẻ
Dù đánh giá rất cao tính cầu thị của Chỉnh phủ và Ngân hàng Nhà nước đã cho phép 4 ngân hàng lớn của Việt Nam thực hiện bán vàn miếng ra thị trường phục vụ nhu cầu của người dân, song đại biểu Phạm Văn Hòa, ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng nếu ngân hàng chỉ bán mà không mua, như vậy làm sao có đủ để cung cấp thường xuyên cho thị trường, cho người dân.

Chiều 3/6, bốn ngân hàng (Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank) và Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đã thực hiện hoạt động bán vàng tại 11 tỉnh, thành phố nguồn cung từ Ngân hàng Nhà nước.

Phương thức bán vàng bình ổn được cơ quan quản lý đưa ra sau các phiên đấu thầu nhằm tăng cung không hiệu quả, chênh lệch giá trong nước và thế giới chưa được thu hẹp như kỳ vọng.

Sau khi công bố hoạt động bán vàng bình ổn qua các ngân hàng thương mại, giá vàng đã giảm tới 10 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với mức giá hôm 29/5.

Bên hành lang Quốc hội sáng 3/6, đại biểu Phạm Văn Hòa, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Tháp đánh giá rất cao tính cầu thị của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã cho phép 4 ngân hàng lớn của Việt Nam thực hiện bán vàng miếng ra thị trường phục vụ nhu cầu của người dân.

“Theo tôi biết, giá vàng đang sáng giá này, chiều giá khác. Thậm chí sau vài tiếng đồng hồ thì giá vàng đã khác nhau rồi. Tôi rất hy vọng sau động thái này giá vàng trong nước sẽ được bình ổn và nó sẽ gần tiệm cận với giá vàng trên thế giới”, ông Hòa cho biết.

Song, đại biểu Hòa băn khoăn việc 4 ngân hàng của Nhà nước sẽ bán vàng bình ổn bao lâu, liệu có duy trì thường xuyên, liên tục hay chỉ bán trong một giai đoạn nhất định rồi nghỉ. Nếu vậy, cần làm rõ đến giai đoạn nào ngân hàng không còn bán vàng nữa vì nếu ngân hàng không bán nữa thì lại tác động thị trường.

"Khi người dân vẫn có nhu cầu mua, mà ngân hàng không bán nữa, người ta lại phải tìm ở những nguồn khác ngoài thị trường, kích thích giá ngoài thị trường lên cao", đại biểu Hòa nêu rõ. 

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. (Nguồn: Quốc hội).

Bên cạnh đó, đại biểu Hòa đặt câu hỏi tại sao ngân hàng chỉ bán mà không mua, như vậy làm sao có đủ để cung cấp thường xuyên cho thị trường, cho người dân. Vì vậy, đại biểu kiến nghị ngân hàng Nhà nước cần quan tâm vấn đề có bán là phải có mua. Người dân có nhu cầu mua thì mình bán, người dân có nhu cầu bán thì ngân hàng cũng phải mua lại để mình có nhu cầu tái tạo, để lưu chuyển nguồn hàng.

Nêu ví dụ khi ngân hàng có 1.000 lượng vàng, sau khi đã bán ra hết rồi mà không mua vào, liệu có để mà bán nữa hay không, ông đề nghị đây là điểm mà Ngân hàng Nhà nước cần phải xem xét, tính toán cho hợp lý.

 “Việc chỉ bán vàng mà không mua vàng vào, tôi và người dân chưa hiểu. Nhưng theo tôi thì nên có mua, có bán, việc mua bán qua lại 2 chiều như vậy thì hợp lý hơn. Nó đảm bảo được hoạt động thường xuyên, liên tục, giống như tại các cửa hàng vàng đang thực hiện ngoài thị trường hiện nay", đại biểu nhấn mạnh. 

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, khi thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội, đại biểu Hà Sỹ Đồng, ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho rằng, sự "nhảy múa" của giá vàng cho thấy sự bất ổn gần đây của thị trường vàng từ quốc tế tới trong nước. Việc này thực sự đã gây tác động tiêu cực và ngoài dự tính tới thị trường ngoại tệ và tỷ giá USD/VND.

Theo đại biểu, trong khoảng hai năm trở lại đây, giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng quốc tế quy đổi từ 15-20 triệu đồng/lượng. Điều này khiến thị trường vàng trong nước trở nên nhạy cảm hơn, kích thích hoạt động đầu cơ và nhập lậu, gây ảnh hưởng mạnh lên tỷ giá tự do và gián tiếp gây áp lực lên tỷ giá chính thức.

"Điều mà nhiều người băn khoăn là thực chất nhu cầu nắm giữ vàng trong nước tăng đột biến đến từ ai và do đâu?", đại biểu đặt câu hỏi. 

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, ĐBQH tỉnh Quảng Trị. (Nguồn: Quốc hội). 

Giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, giá vàng tăng cao và biến động là biến động chung của các nước trên thế giới, không chỉ riêng ở Việt Nam. Trong nước, giá vàng diễn biến phức tạp và diễn biến cùng chiều với giá vàng thế giới. Tuy nhiên, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế nới rộng, đặc biệt là giá vàng SJC.

Trước bối cảnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm và có nhiều chỉ đạo quyết liệt từ NHNN đến các bộ, ngành phải thực hiện chức năng theo quy định tại Nghị định 24 để có thể thu hẹp về chênh lệch giá vàng.

Tuy nhiên, việc thu hẹp chênh lệch giá vàng là một nhiệm vụ thách thức trong điều kiện giá vàng quốc tế vẫn liên tục tăng cao và phức tạp. Trước tình hình đó, NHNN đã thực hiện tăng cung vàng ra thị trường, bằng giải pháp đấu thầu vàng miếng qua 9 phiên đấu thầu song chênh lệch giá giảm không được như kỳ vọng.

"NHNN đã dừng đấu thầu để đánh giá tình hình và tìm ra các nguyên nhân cũng như xây dựng phương án mới để triển khai trong tuần tới nhằm giảm được chênh lệch giá vàng, nhưng cũng đi đôi với giải pháp minh bạch hóa các giao dịch của thị trường vàng",  Thống đốc NHNN chia sẻ. 

Thống đốc cho hay, Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt ở các bộ, ngành phải phối hợp từ tất cả các khâu để tăng cường minh bạch các giao dịch thị trường vàng và NHNN cũng đã quyết định lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra toàn diện về mọi mặt, từ hóa đơn, chứng từ, các giao dịch về phòng, chống rửa tiền liên quan đến các giao dịch về vàng, để thấy rằng thời gian qua, những biến động trên thị trường vàng không loại trừ những hành vi vi phạm pháp luật để đầu cơ, găm giữ, đẩy giá.

"NHNN cũng đã thông tin cho biết sẽ thực hiện bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước theo mức giá do NHNN xác định căn cứ theo giá thế giới, để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp tới người dân vào ngày 3/6", Thống đốc nêu rõ. 

Ngọc Bảo