Giá vàng SJC sẽ còn nhiều đợt giảm tiếp?
Đã có những tác động ban đầu lên thị trường
Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố mức giá bán vàng miếng cho nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (nhóm Big 4) và SJC là 78,98 triệu đồng/lượng.
Chiều cùng ngày, các ngân hàng và doanh nghiệp này đã bán vàng miếng với giá 79,98 triệu đồng/lượng, tức cao hơn so với giá mua vào 1 triệu đồng/lượng.
Bình luận về mức giá mà NHNN đưa ra, trao đổi với chúng tôi, chuyên gia tài chính ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đây là mức giá giảm khá sâu so với tuần trước là khoảng 82 triệu đồng/lượng và cả mức kỷ lục thiết lập trước đó là 92 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, ông cho rằng NHNN có thể sẽ giảm giá bán theo từng đợt thay vì mạnh tay giảm “sốc” luôn một lúc để đánh giá phản ứng thị trường.
“Tôi cho rằng thị trường có thể phản ứng theo hai xu hướng. Xu hướng đầu tiên, một bộ phận người dân có thể vẫn chưa phản ứng mạnh mẽ. Họ sẽ đợi NHNN xem có giảm giá thêm nữa không. Phản ứng thứ hai có thể xảy ra là người dân sẽ mua luôn vì họ thấy giá vàng giảm khá sâu rồi và họ kỳ vọng giá sẽ tăng trong tương lai”, ông nhận định.
Khác với biện pháp bình ổn trước đó là đấu thầu, biện pháp lần này của NHNN được đánh giá là hiệu quả hơn trong việc bình ổn thị trường.
Giá vàng trong nước đã giảm ngay khi NHNN thông báo sẽ bán vàng cho nhóm Big 4 (hôm 29/5). Thời điểm đó, giá vàng vẫn còn giao dịch trên mức 90 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, những ngày sau đó, dù biện pháp này chưa chính thức được thực hiện nhưng phản ánh của thị trường khá mạnh. Các nhà buôn vàng liên tiếp giảm giá bán.
Tính đến chiều 3/6, giá vàng SJC mua vào - bán ra là 77,98 - 79,98 triệu đồng/lượng, giảm 10 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với mức giá hôm 29/5. Còn giá vàng thế giới 2.325 USD/ounce (tương đương 71,4 triệu đồng/lượng).
Như vậy khoảng chênh lệch giá vàng miếng của hai thị trường hiện còn khoảng 9 triệu đồng/lượng, bằng một nửa so với lúc cao điểm hồi tháng 5 lên tới 20 triệu đồng/lượng.
“Biện pháp này hiệu quả hơn đấu thầu ở chỗ NHNN đã hạ giá rất mạnh, trong khi giá đấu thầu sát với thị trường”, ông Hiếu cho biết.
Trong lần bán vàng ra thị trường lần này của NHNN chỉ có sự tham gia của ngân hàng và doanh nghiệp của nhà nước mà không có sự tham gia của khối tư nhân như các lần đấu thầu diễn ra trước đó.
"Khi chưa chắc chắn về yếu tố minh bạch của thị trường thì cứ thêm bất kỳ khâu trung gian nào đều khiến cơ quan quản lý phải lo lắng thêm. Hiện nay, NHNN thực hiện bán qua các ngân hàng và SJC đưa đến tay người dân sẽ đảm bảo bất kỳ nhu cầu nào của người dân đều được đáp ứng, thậm chí bằng giá rất tốt", ông Nguyễn Đức Hùng Linh chia sẻ trên VTV24.
Trong thông cáo hôm 29/5 về việc bán vàng cho nhóm Big 4, ông Phạm Quang Dũng - Phó Thống đốc NHNN cho rằng mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới vẫn ở mức cao, khoảng trên 20%. Điều này cho thấy, bên cạnh các yếu tố mang tính thị trường như quan hệ cung cầu, không loại trừ khả năng có các hành vi phạm pháp, thao túng, làm giá, gây mất ổn định thị trường vàng.
NHNN cũng đang phối hợp với Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ và bộ ngành liên quan thanh tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng đối với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và sẽ kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật.
Liệu giá vàng sẽ giảm được bao lâu?
Việc giá vàng giảm được đánh giá là tín hiệu tích cực cho biện pháp mới của NHNN. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra liệu việc này sẽ duy trì được bao lâu?
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, có hai yếu tố quyết định liệu rằng biện pháp này hiện tại có thành công về lâu dài hay không. Đầu tiên là lượng vàng mà NHNN đang có liệu có đáp ứng đủ nhu cầu không. Nếu muốn duy trì mức hiện tại sẽ đòi hỏi lượng vàng rất lớn. Yếu tố thứ hai là giá bán phải phù hợp.
“Theo tôi mức chênh lệch với giá vàng thế giới 3 - 5 triệu đồng/lượng là phù hợp. Mức chênh lệch 3 triệu đồng/lượng có thể được xem là mức hỗ trợ, khi đó, giá có thể tăng bật trở lại”, ông Hiếu nói.
Trao đổi với người viết, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), đồng thời là cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới cho rằng nhận định nếu bán thấp hơn giá thị trường 5 - 10 triệu đồng/lượng thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ đổ xô mua. Nếu không cung ứng đủ, thì giá cũng sẽ không giảm hơn so với hiện tại là bao.
“Tôi cho rằng giá vàng miếng SJC khó lòng giảm xuống đột ngột vì để làm được điều này cần lượng vàng rất lớn. Để bão hoà được thị trường, lượng vàng bán ra phải gấp 2 - 3 lần số vàng NHNN đã bán trong các phiên đấu thầu. Đồng thời mức giá mà NHNN bán cho nhóm Big 4 cũng cần phải thấp thì mới tạo được hiệu ứng lan toả với những người có vàng. Theo đó, những người đang nắm giữ vàng cũng sẽ bán ra vì họ sợ giá trong thời gian tới còn giảm thêm nữa”, ông Khánh nói.
Ngoài ra, việc các ngân hàng quay trở lại nghiệp vụ bán vàng, vốn đã bị “lãng quên” cách đây 10 năm, cũng đang là một thách thức lớn.
Chia sẻ với chúng tôi, chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh vàng cho biết 10 năm qua, các ngân hàng đã không tham gia việc bán vàng. Do đó, việc chuẩn bị hậu cần, nhân sự cho việc này trong vòng chưa đầy một tuần là điều vô cùng khó bởi vì kinh doanh vàng rất đặc thù và đòi hỏi các kỹ năng riêng biệt.
“Khi tổ chức mạng lưới phân phối, bán lẻ vàng tới tay người tiêu dùng sẽ mất rất nhiều thời gian. Giả sử giá vàng mà các ngân hàng bán ra rẻ hơn nhiều so với mức hiện tại, lượng người dân đổ xô đi mua sẽ lớn.
Lúc đó, bài toán lớn sẽ đặt ra cho các ngân hàng về nhân lực có đủ kinh nghiệm trong điều phối bán hàng, điều chỉnh giá bán theo biến động của thế giới. Như trong đợt sốt vàng vừa rồi, bản thân các doanh nghiệp kinh doanh vàng có kinh nghiệm nhiều lúc cũng bối rối, người dân phải chờ cả tiếng đồng hồ”, vị này nói.
Do đó, việc sửa đổi Nghị định 24 đang được xem là biện pháp cần thiết để bình ổn thị trường vàng một cách bền vững hơn. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng cần bỏ độc quyền vàng miếng SJC và tăng cường nhập khẩu vàng để tăng nguồn cung cho thị trường.