Tiếp tục trình Quốc hội hai phương án rút bảo hiểm một lần
Ngày 27/5, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục trình hai phương án.
Phương án một là phân loại hai nhóm lao động để giải quyết rút BHXH một lần. Người tham gia trước khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025) sau 12 tháng nghỉ việc và có nhu cầu thì được rút. Người bắt đầu đi làm và tham gia hệ thống từ sau 1/7/2025 không được rút BHXH một lần, trừ trường hợp theo quy định.
Phương án hai là lao động được giải quyết 50% tổng thời gian đóng vào Quỹ hưu trí tử tuất, phần còn lại được bảo lưu trong hệ thống để sau này hưởng chế độ. Chính sách áp dụng với lao động đóng bảo hiểm dưới 20 năm mà sau 12 tháng không thuộc diện tham gia khu vực bắt buộc lẫn tự nguyện, muốn rút một lần.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng "hai phương án Chính phủ trình đều chưa phải là tối ưu", chưa giải quyết triệt để tình trạng hưởng BHXH một lần và tạo được sự đồng thuận cao. Tuy nhiên qua rà soát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêng về phương án một vì cơ bản bảo đảm kế thừa quy định hiện hành, không gây sự xáo trộn đến gần 18 triệu người đang tham gia BHXH.
Phương án này phù hợp thông lệ quốc tế về BHXH, hạn chế được tình trạng một người có nhiều lần rút BHXH một lần thời gian qua. Về lâu dài, người tham gia mới sẽ không còn được hưởng BHXH một lần nên góp phần gia tăng số người ở lại hệ thống để được thụ hưởng các chế độ từ quá trình tích lũy và giảm gánh nặng cho cả xã hội, ngân sách.
"Phương án này hướng dần tới nguyên tắc khi có việc làm và thu nhập, người lao động phải tham gia BHXH để tích lũy cho tương lai trong bối cảnh già hóa ngày càng gia tăng", báo cáo nêu.
Điểm hạn chế của phương án một là vẫn có sự mất bình đẳng giữa người lao động tham gia trước và sau khi Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi) có hiệu lực. Nhiều người hoàn cảnh khó khăn cần rút một lần để giải quyết trước mắt. Thời gian chờ hưởng lương hưu dài (20-40 năm), trong khi nhiều lao động phổ thông bị các doanh nghiệp sa thải, khó tham gia thị trường lao động chính thức.
Với phương án hai, ưu điểm là không tạo sự khác biệt lớn giữa các đối tượng tham gia trước và sau khi Luật này có hiệu lực và có thể giữ chân được người lao động tiếp tục tham gia BHXH. Tuy nhiên, với việc quy định người lao động chỉ được giải quyết một phần thời gian đóng (50%) sẽ tạo cho người lao động có tâm lý bị giảm, hạn chế quyền lợi.
Đồng thời, phương án này cũng không giải quyết triệt để được việc hưởng BHXH một lần, cũng không giới hạn số lần hưởng BHXH một lần của cả người đã và sẽ tham gia BHXH, do đó không giải quyết được thực trạng một người có nhiều lần hưởng BHXH một lần thời gian qua.
Thường vụ Quốc hội cảnh báo hai phương án Chính phủ trình có thể dẫn đến tình trạng gia tăng đột biến số người rút BHXH một lần trước khi Luật này có hiệu lực. Bộ phận lớn lao động lo ngại quyền lợi không được bảo đảm so với Luật BHXH năm 2014 và có thể dẫn đến phản ứng tập thể. Do đó, Chính phủ cần phòng ngừa triệt để phản ứng tập thể của người lao động, theo dõi tình hình chặt chẽ trong quá trình tổ chức thực hiện Luật.
Hai phương án về về rút BHXH một lần được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất lần đầu tiên hồi tháng 3/2023 khi lấy ý kiến dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Sau hơn một năm, cơ quan chủ trì soạn thảo và thẩm tra vẫn chưa thể thống nhất loại bỏ một phương án, do còn quá nhiều ý kiến khác nhau và "cả hai phương án đều chưa tối ưu".
Thống kê giai đoạn 2016-2022 gần 4,85 triệu người rời bỏ hệ thống an sinh. Trong số này, 1,3 triệu người quay trở lại, tiếp tục đi làm và đóng BHXH; gần 3,55 triệu người chưa quay trở lại; 907.000 lao động từng rút hai lượt; hơn 61.000 người rút ba lượt. Khoảng 99% lao động rút một lần sau một năm ngừng đóng và phần lớn làm việc trong doanh nghiệp.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 10/2023, dự kiến thông qua vào ngày 25/6 và có hiệu lực từ 1/7/2025.