|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

07:22 | 20/04/2017
Chia sẻ
Tại Chỉ thị số 14/CT-TTg về việc tập trung chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2017, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
day manh tai co cau co phan hoa doanh nghiep nha nuoc
Ảnh minh họa

Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, tính đến hết quý I/2017, cả nước đã cổ phần hóa 8 doanh nghiệp nhà nước (6 doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, 1 doanh nghiệp thuộc Hưng Yên và Thừa Thiên Huế) và một đơn vị sự nghiệp (Bắc Giang).

Bên cạnh đó, đã công bố giá trị doanh nghiệp nhưng chưa phê duyệt phương án cổ phần hóa 41 doanh nghiệp, đang tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp 108 doanh nghiệp, 01 doanh nghiệp được xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa (Công ty cổ phần Cấp thoát nước tỉnh Lâm Đồng) và giải thể 01 doanh nghiệp nhà nước (thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam).

Về thoái vốn tại doanh nghiệp, đến hết ngày 25/3/2017, cả nước đã thực hiện bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại 10 doanh nghiệp với tổng giá trị theo sổ sách là 71,8 tỷ đồng (bằng 12,5% so với cùng kỳ năm 2016) và thu về 72,8 tỷ đồng (bằng 3,3% so với cùng kỳ năm 2016). Trong số 10 doanh nghiệp này, có 6 doanh nghiệp phải thoái vốn dưới mệnh giá.

Về việc thoái vốn tại 12 doanh nghiệp quy mô lớn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay đã có 11/12 doanh nghiệp đã niêm yết, chỉ còn 01 doanh nghiệp là Công ty cổ phần hạ tầng bất động sản Việt Nam vẫn chưa niêm yết.

Đánh giá về nguyên nhân của những hạn chế, theo Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, nhiều bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước chưa tập trung cho việc đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, chưa chủ động, quyết liệt thực hiện kế hoạch sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Bên cạnh đó, trong số doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa có nhiều doanh nghiệp tình hình tài chính, công nợ phức tạp, phải xử lý trước khi cổ phần hóa. Một số doanh nghiệp có quy mô vốn chủ sở hữu trên 5 nghìn tỷ đồng khi cổ phần hóa phải thực hiện kiểm toán giá trị doanh nghiệp bởi Kiểm toán Nhà nước để nâng cao tính chặt chẽ nên cần có thêm thời gian để thực hiện kiểm toán. Nhiều đơn vị lúng túng trong việc thực hiện xác định giá trị lợi thế vị trí địa lý vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa do chưa có hướng dẫn cụ thể...

Do đó, tại Chỉ thị số 14/CT-TTg về việc tập trung chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2017 vừa được ban hành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo lộ trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tăng cường quản lý tài chính doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Tập trung triển khai phương án sắp xếp doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.

Xây dựng lộ trình và tổ chức bán phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần và công ty TNHH hai thành viên trở lên để đảm bảo phù hợp với tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo không sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước thua lỗ theo đúng Nghị quyết của Quốc hội.

Thực hiện chuyển giao vốn cổ phần hóa về trung ương theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017.

PV