|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đây là cách ông lớn bán lẻ Mỹ Costco gây sốt với người Trung Quốc

21:59 | 28/08/2019
Chia sẻ
Cửa hàng tại Thượng Hải của Costco đã phải đóng cửa sớm vào ngày khai trương vì không thể kiểm soát được đám đông.

Giá rẻ, mạng xã hội và mô hình thành viên tạo ra cơn sốt

bl1

Khung cảnh hỗn loạn ở Costco Trung Quốc vào ngày khai trương. (Ảnh: SCMP)

Ông lớn ngành bán lẻ Costco đã có một sự kiện khai trương đáng nhớ tại Trung Quốc vào tuần này khi cửa hàng mới mở tại Thượng Hải phải đóng cửa sớm vì lý do an toàn.

Nhờ hoạt động tích cực trên các mạng xã hội nhằm nhắc nhở người dùng về sự kiện khai trương và những chương trình giảm giá hấp dẫn và đa dạng, từ túi xách hàng thiết kế cho tới đồ uống có cồn và giày dép, Costco thực sự tạo cơn sốt, trái ngược với sự ảm đạm của các đối thủ như Carrefour hay Walmart ở quốc gia tỉ dân.

Theo SCMP, một loại rượu được bán với giá 1.498 Nhân dân tệ (209 USD), rẻ hơn khoảng 400 nhân dân tệ so với bất kì chuỗi bán lẻ nào khác; trong khi đó nhiều túi xách thương hiệu Hàn Quốc MCM có giá bán rẻ hơn trên dưới 1.000 nhân dân tệ so với trang thương mại điện tử Tmall.

Jacky Chen, một công dân Thượng Hải ghé thăm cửa hàng vào ngày khai trương, chia sẻ rằng cảnh sát địa phương đã yêu cầu cửa hàng đóng cửa vì khó có thể kiềm chế được đám đông. 

Vào trưa ngày khai trương, nhân viên Costco khiến đám đông đang xếp hàng nản lòng khi thông báo cần thêm ba giờ nữa để có chỗ trống trong bãi để xe và cần thêm hai giờ để cửa hàng hoàn thành thanh toán cho khách hàng hiện tại.

bl2

Khách hàng cố gắng mua gà rán tại Costco Thượng Hải. (Ảnh: AFP)

Cửa hàng của Costco ở Thượng Hải nằm trong một toàn nhà bốn tầng. Khách hàng phải trả 299 Nhân dân tệ để mua thẻ thành viên giúp họ có nhiều đặc quyền mua sắm. Tầng trệt của toà nhà là nơi Costco bố trí cửa hàng trong khi đó ba tầng còn lại là nơi đỗ xe với sức chứa 1.000 xe hơi.

"Tôi đang làm việc thì nhận được rất nhiều hình ảnh từ bạn bè nói rằng họ đang tìm mọi cách để lọt vào cửa hàng", Youce Shi, một nhân viên xuất bản địa phương nói.

"Đây là một ví dụ cho thấy các công ty Mỹ khó bỏ qua được thị trường Trung Quốc", Xiao Lei, cây viết tài chính hiện đang sống tại Bắc Kinh nói. Thị trường Trung Quốc vốn vẫn được đánh giá là có sức mua lớn, đặc biệt là đối với phân khúc cao cấp. "Tổng thống Donald Trump có lẽ sẽ phải cân nhắc lại lời kêu gọi công ty Mỹ quay lại với quê hương mình", Xiao Lei nói thêm.

Sự thay đổi của các ông lớn bán lẻ nước ngoài tại Trung Quốc

bl3

Costco Thượng Hải đóng cửa vào 1 giờ 40 phút chiều vào hôm khai trương. (Ảnh: Handout)

Các siêu thị và đại siêu thị nước ngoài bắt đầu phát triển ở Trung Quốc từ những năm 90 của thế kỉ trước.

Dù vậy, sự phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử đã khiến thói quen tiêu dùng thay đổi với người trẻ thành thị ngày càng dùng điện thoại di động nhiều hơn để mua sắm, từ nhu yếu phẩm hàng ngày đến đồ gia dụng, vé xem phim và đồ ăn.

Số liệu từ Cơ quan Thống kê Trung Quốc cũng cho thấy xu hướng này. Mặc dù doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng ở Trung Quốc tăng 8,4% trong nửa đầu năm 2019 lên mức 19,5 nghìn tỉ nhân dân tệ, doanh số bán hàng trực tuyến tăng với tốc độ cao hơn (17,8%) và chiếm tỉ trọng gần 25%.

Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel trong khi đó cho thấy những ông lớn bán lẻ như Carrefour và Walmart tiếp tục thất thế trong lĩnh vực hàng hoá tiêu dùng nhanh ở quốc gia tỉ dân.

210 đại siêu thị của hãng bán lẻ Pháp Carrefour chứng kiến thị phần giảm 0,3% xuống mức 2,8% trong quý I năm nay so với cùng kì năm 2018. Cùng thời điểm, ông lớn bán lẻ Walmart cũng giảm thị phần xuống 5,1% từ 5,4% một năm trước đó,

Dù vậy, Walmart đang tăng trưởng qua kênh thương mại điện tử thông qua hợp tác cùng JD.com, JD Doaji và WeChat, theo người phát ngôn của hãng này.

"Walmart China là một trong những nhà bán lẻ lớn đầu tiên dùng WeChat Scan và chương tình Go mini quy mô lớn", người này nói thêm. "Chúng tôi khuyến khích khách hàng ghép thăm cả cửa hàng điện tử và cửa hàng vật lý".

Vào tháng 6, Carrefour công bố kế hoạch bán 80% cổ phần mảng vận hành tại Trung Quốc cho Suning, từ bỏ kiểm soát thị trường mà hãng này đã thâm nhập từ năm 1995. Metro (Đức) cũng có thể sẽ bán phần lớn cổ phần tại Trung Quốc.

Các nhà bán lẻ truyền thống cũng đang tận dụng mạng xã hội để thúc đẩy marketing.

Bên cạnh việc tận dụng sự hiện diện trên các nền tảng thương mại điện tử trên Taobao, các thương hiệu đều đang chi đậm cho tài khoản mình trên các mạng xã hội như WeChat và Douyin, hoặc hợp tác với các KOL.

Mới đây, Sina nói Samsung đã dùng mạng xã hội này để triển khai marketing với rất nhiều thành công. Ông lớn Hàn Quốc này mời 22 KOL với lượng người hâm mộ trên 10 triệu và nhận được 3,7 tỉ lượt xem cho sự kiện này.

Thái Sơn