Đầu tư công: Nhà nghèo thì đừng lãng phí!
1.600 dự án chậm tiến độ và 840 dự án đầu tư công gây thất thoát, lãng phí |
Ngày 20-9, ngày cuối cùng của phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Có dự án tiền bố trí rồi mà có làm được đâu
Sau khi Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày về dự luật này, trong đó ông nêu ba khó khăn chính khiến việc sửa đổi một số quy định của Luật Đầu tư công 2014 là cấp thiết, các ủy viên UBTVQH đã có ý kiến.
Chủ nhiệm UB Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu băn khoăn: “Trong những năm gần đây, do tác động của đầu tư, trong đó đầu tư công đã đưa tốc độ phát triển kinh tế Việt Nam ổn định ở mức cao, góp phần cân đối ngân sách. Vậy thì có lý gì để giải thích trước QH là phải sửa luật?”.
Ông Giàu đặt thêm vấn đề: Kinh tế vĩ mô đang tăng trưởng tốt, sửa luật liệu có tăng trưởng thêm hay không. “Tôi e rằng chúng ta không có tiền đâu để tăng tổng mức đầu tư và chúng ta cũng không tăng trưởng được bao nhiêu nữa vì mức đầu tư đã phân bổ hết rồi” - ông Giàu nói và đề nghị Chính phủ, Bộ KH&ĐT xem lại cách phối hợp để các dự án được triển khai tốt hơn.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng những phân tích của ông Giàu là rất hay, rất đúng và đồng ý rằng: Đầu tư công có lúng túng là do “chuyển đổi từ cơ chế cũ sang cơ chế mới chứ không phải do luật”.
“Luật Đầu tư công có khó khăn nhưng bất cập trong luật chỉ là một phần, còn phần nhiều hơn do tổ chức thực hiện Luật Đầu tư công chưa nghiêm” - chủ tịch QH nói.
Điểm qua một số dự án như sân bay Long Thành, đường cao tốc mới mở thầu cách đây không lâu, chủ tịch QH cho rằng: “Vốn ít, không có tiền cân đối thì đâu phải do luật”.
Nhắc tới ý kiến cho rằng do có điều chỉnh tiêu chí dự án quan trọng quốc gia có tổng mức đầu tư từ 10.000 tỉ đồng trở lên, chủ tịch QH khẳng định: “Còn điều chỉnh từ 10.000 tỉ lên 35.000 tỉ cũng không ảnh hưởng tới khó khăn đầu tư công đâu. 10.000 tỉ vừa rồi quy định chúng ta còn không làm được. Quy định 10.000 tỉ có dự án có tiền rồi, đường cao tốc 55.000 tỉ mà có làm được đồng nào đâu. Sân bay Long Thành, kể cả bổ sung vốn cho sân bay Long Thành để giải phóng mặt bằng nhanh có làm được đâu”.
Khẳng định mình không phủ nhận những bất cập của Luật Đầu tư công 2014 nhưng chủ tịch QH nói: “Nếu đổ thừa hết do luật thì không đúng!”.
Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải nói cử tri cho rằng “nhà nghèo nhưng chi tiêu lãng phí”. Ảnh: TTXVN |
“Bộ KH&ĐT rất oan!”
Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình nhận định: Hình như từ khi có Luật Đầu tư công việc triển khai các dự án có chậm lại. Ông Bình cho rằng nhiều dự án đã chuẩn bị không đúng theo tinh thần Luật Đầu tư công.
Trưởng ban Dân nguyện của QH Nguyễn Thanh Hải nhắc lại câu “nhà nghèo nhưng chi tiêu lãng phí” của người dân và cho biết: “Khi tiếp xúc cử tri, người ta chỉ ra công trình này, công trình khác dàn trải, kém hiệu quả. Chúng tôi kỳ vọng Luật Đầu tư công lần này khắc phục tối đa mong muốn cử tri nêu về đầu tư dàn trải và kém hiệu quả, nâng cao hiệu quả công tác quản lý trong đầu tư công”.
Đến đây, chủ tịch QH tiếp tục có ý kiến. “Thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng các quy định của Luật Đầu tư công gây phiền hà, phức tạp, ảnh hưởng việc giải ngân vốn đầu tư công hằng năm nhưng khi nghiên cứu kỹ, như tôi đã nói, chúng ta trong triển khai thì bộ, ngành, địa phương chưa chấp hành đúng kỷ cương, kỷ luật của Luật Đầu tư công, thực hiện luật chưa nghiêm túc” - chủ tịch QH khẳng định.
Bà Ngân dẫn ra các thủ tục, trình tự về phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư công đều chậm, công tác chuẩn bị còn hình thức, hồ sơ còn sơ sài… và nói: “Cái này nói Bộ KH&ĐT thì rất oan vì đây là cơ quan tổng hợp, cơ quan tham mưu, từng bộ, ngành, địa phương chậm thì sẽ ảnh hưởng. Bộ KH&ĐT chỉ có một phần trách nhiệm trong này” - chủ tịch QH nói.
Kết lại, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng: “Thực tế vướng mắc vừa qua có một phần do sự chưa phù hợp của luật với các nghị định, thông tư và sự phối hợp giữa trung ương và địa phương chưa tốt, nhưng cái đó không nhiều”.
Từ đó, theo Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển, UBTV QH đề nghị chỉ sửa những gì thực sự vướng mắc, đã được đánh giá tác động chứ không sửa toàn diện. Bởi luật mới ban hành được ba năm, nếu sửa có thể sẽ vỡ toàn bộ kế hoạch đầu tư công trung hạn mà chúng ta đã đề ra.
“Nguyên tắc ngân sách phải được quản lý, giám sát chặt chẽ. Đây là đồng tiền bát gạo của dân nên không thể buông lỏng. Thủ tục tránh rườm rà không cần thiết nhưng không buông lỏng” - ông Hiển kết luận.
Chính thức tăng thuế bảo vệ môi trường từ 1-1-2019Chiều cùng ngày, UBTVQH đã bế mạc phiên họp thứ 27 sau chín ngày làm việc. Trước khi bế mạc, UBTVQH thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Theo đó, từ 1-1-2019, thuế môi trường với xăng sẽ tăng lên kịch khung 4.000 đồng, tăng 1.000 đồng/lít so với hiện nay. Dầu hỏa sẽ chịu thuế môi trường 1.000 đồng/lít từ đầu năm sau, tăng 700 đồng so với hiện nay. Chọn thời điểm 1-1-2019, nghị quyết này tránh cho CPI2018 bị tác động, đảm bảo mục tiêu kềm giữ lạm phát dưới 4% năm 2018 của Chính phủ. Tuy vậy, không phải không có những ý kiến băn khoăn. Chủ nhiệm UB Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu vẫn cho rằng thuế môi trường với các mặt hàng đầu vào thiết yếu như xăng dầu sẽ tác động tới giá cả đồng loạt trên thị trường. Dù đồng ý thông qua nghị quyết, ông Giàu vẫn đề nghị Chính phủ có đánh giá tác động đầy đủ, bao quát hơn. Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề nghị dự toán ngân sách năm 2019, khoản thu từ thuế môi trường sẽ được dùng chi cho bảo vệ môi trường. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình và nói thằng: “Tiền thuế thu môi trường phải đưa vào ngân sách và phải chi lại cho bảo vệ môi trường. Như thế người dân mới thấy sòng phẳng chứ không phải thu chỗ này chi cho chỗ khác”. |