Dấu ấn vốn ngoại trên thị trường địa ốc 2019
Thị trường bất động sản Việt Nam vẫn hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh: Dũng Minh
Thỏi nam châm bất động sản
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, 10 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 29,11 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn giải ngân đạt 16,21 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, Hồng Kông (Trung Quốc) đứng đầu với gần 6,45 tỷ USD đăng ký trong 9 tháng, Hàn Quốc gây ấn tượng khi vươn lên đứng thứ hai với 4,62 tỷ USD đăng ký, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản là những nhà đầu tư đứng ở các vị trí tiếp theo.
Trong 19 lĩnh vực thu hút vốn ngoại, ngoại trừ lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động kinh doanh bất động sản tiếp tục là thỏi nam châm thu hút vốn ngoại khi đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,98 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Trên thực tế, ngay từ đầu năm 2019, thị trường đã chứng khiến nhiều thương vụ mua, bán, chuyển nhượng (M&A) các dự án bất động sản có yếu tố ngoại. Bên cạnh đó, cũng có những thương vụ hợp tác rót vốn của nhà đầu tư nước ngoài cho doanh nghiệp địa ốc trong nước.
Chẳng hạn, tháng 1/2019, Keppel Land (Singapore) thông báo thoái 70% cổ phần tại dự án Waterfront City (Đồng Nai) cho Tập đoàn Nam Long với tổng số tiền 2.323 tỷ đồng (100 triệu USD). Ngay sau đó, ông lớn đến từ Singapore này đã mua lại 60% cổ phần một khu đất 6,2 ha tại huyện Nhà Bè (TP.HCM) thông qua một hợp đồng mua bán có điều kiện với Tập đoàn Bất động sản Phú Long. Tổng số tiền đầu tư của thương vụ này là 1.304 tỷ đồng, tương đương 56 triệu USD.
Hai bên dự kiến sẽ xây dựng tổng cộng 2.400 căn hộ cao cấp và khối nhà phố thương mại phụ trợ với tổng diện tích sàn xây dựng 250.000 m2, diện tích sàn thương mại khoảng 14.650 m2. Dự án sẽ được phát triển thành 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 sẽ khởi động vào quý I/2020 với kế hoạch xây dựng 910 căn hộ và một số căn nhà phố thương mại sau khi được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Cũng vào đầu năm, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư với với Samty Asia Investments Pte. Ltd (công ty con trực thuộc Samty Corporation) thông qua Quỹ Vietnam New Urban Center LP. Số tiền đầu tư mà Phát Đạt nhận được từ Samty Asia Investments khoảng 22,5 triệu USD, được dùng để phát triển một số dự án hiện tại của Công ty, đặc biệt là các dự án tại TP.HCM.
Giữa tháng 7/2019, GS E&C - một trong những nhà đầu tư đa lĩnh vực lớn nhất ở Hàn Quốc đã quyết định thành lập thương hiệu con VGSI (Vietnam GS Industry) đầu tư dự án Zeitgeist tại Nhà Bè, TP.HCM với tổng diện tích 349 ha.
Trước đó, tập đoàn này đã tham gia vào nhiều dự án hạ tầng trọng điểm tại Việt Nam, như xây dựng tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng số 6, 7, cầu Vĩnh Thịnh và Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Còn tại TP.HCM, GS E&C tham gia xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và cầu Vàm Cống, triển khai một số dự án lớn tại Thủ Thiêm, quận 9 và Nhà Bè.
Gần đây nhất, Alpha King, một tập đoàn có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc) đã mua lại dự án 87 Cống Quỳnh, quận 1 (TP.HCM) từ Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Ngân Bình. Dự án được xây dựng trên khu đất 8.320 m2 gồm 4 tầng hầm và 49 tầng cao với 2 khu.
Trong đó, khu Alpha Mall gồm 8 tầng thương mại, tầng 9 được bố trí gồm hồ bơi, phòng gym... Khu Alpha Hill gồm 1.076 căn hộ cao cấp từ 1 - 3 phòng ngủ có diện tích 50 - 200 m2. Hiện dự án đang thi công phần móng.
Hàng trăm triệu USD đang chờ thời cơ
Nói về sự hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam, ông Masakazu Yamaguchi, Trưởng đại diện Quỹ Creed (Nhật Bản) tại Việt Nam cho biết, không chỉ có quy mô dân số lớn với gần 100 triệu người, Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định trong thời gian dài, đã tạo ra một tầng lớp trung lưu đông đảo. Đây chính là nhóm đối tượng có nhu cầu về nhà ở rất cao và có khả năng chi trả để mua nhà.
Cùng với xu hướng phát triển kinh tế, tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới và nhu cầu về căn hộ và bất động sản nói chung còn tăng lên. Việt Nam cũng là một trong những thị trường sinh lợi cao nhất so với các nước trong khu vực.
Bất động sản là lĩnh vực có hoạt động M&A sôi động nhất kể từ đầu năm - Ảnh: Shutterstock
Cụ thể, giá nhà mới tại khu trung tâm TP.HCM hiện trung bình khoảng 5.500 - 6.500 USD/m2, chỉ bằng một phần nhỏ giá nhà tại Hồng Kông. Trong khi đó, lợi nhuận cho thuê hơn 5%, cho thấy đây là một khoản đầu tư hấp dẫn so với những thị trường khác trong khu vực.
Đồng quan điểm, theo ông Yoshinori Nakata, Giám đốc Công ty Global Link Cooperative (Nhật Bản) khẳng định, thị trường bất động sản Việt Nam hấp dẫn nhất Đông Nam Á.
“10 năm trước, tôi đã bắt đầu hợp tác kinh doanh tại Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang phát triển mạnh với nhiều tòa nhà cao tầng được xây dựng. Lĩnh vực bất động sản ở đây đang ngày càng sôi động, trở thành kênh đầu tư hấp dẫn. Những dự án trước đây thiếu nhiều về tiện ích, không gian sống, chất lượng sống chưa cao, nay đã được cải thiện. Hơn nữa, vấn đề chất lượng công trình, điều kiện bàn giao, hạ tầng kỹ thuật cũng tốt hơn nhiều”, ông Yoshinori Nakata cho biết.
Trong khi đó, theo ông Don Lam, đồng sáng lập và CEO Tập đoàn VinaCapital, khi kinh tế tăng trưởng, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, học tập đòi hỏi chất lượng dịch vụ ngày càng cao. Bên cạnh đó, dân số tăng nhanh ở những đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội sẽ kéo theo tiềm năng phát triển bất động sản. Quỹ này đang xem xét 21 cơ hội đầu tư với danh mục ước tính khoảng 300 - 400 triệu USD, tập trung vào tiêu dùng, y tế, giáo dục, bất động sản, vật liệu xây dựng.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Vietnam cho biết, thời gian qua, hoạt động M&A diễn ra rất sôi động, trong đó lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ lệ lớn nhất. Dòng vốn ngoại vào bất động sản Việt Nam đem lại nhiều lợi ích, như mang lại cho thị trường dòng vốn lớn để phát triển, bên cạnh dòng vốn nội địa.
Đồng thời, sự hiện diện của các nhà đầu tư ngoại sẽ giúp thị trường đa dạng sản phẩm với những thiết kế, kiến trúc khác nhau, cũng như đem tới thị trường những kinh nghiệm chuyên môn trong đầu tư, kinh doanh, quản lý…, giúp đưa thị trường bất động sản Việt Nam tiệm cận chuẩn mực quốc tế.
Dẫu vậy, bên cạnh những mặt tích cực, theo các chuyên gia, dòng vốn ngoại chảy vào bất động sản vẫn cần sự kiểm soát, quản lý chặt chẽ. Bởi trong những năm qua, thị trường xuất hiện nhiều dự án có vốn ngoại khủng với quy mô diện tích lớn, nhưng bị treo nhiều năm, gây lãng phí tài nguyên đất đai, làm xấu bộ mặt đô thị, mất cơ hội đầu tư của những nhà đầu tư chân chính…
Mặt khác, nhiều nhà đầu tư triển khai dự án hiệu quả không cao, nhất là tình trạng chỉ tập trung đầu tư vào phân khúc cao cấp, dẫn đến chênh lệch cung - cầu lớn, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển chung của thị trường bất động sản Việt Nam.