|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Dấu ấn người lãnh đạo Nguyễn Lê Quốc Anh tại Techcombank

08:55 | 27/02/2020
Chia sẻ
Với 5 năm làm việc tại Techcombank, ông Nguyễn Lê Quốc Anh đã để lại dấu ấn quan trọng, đưa ngân hàng đạt nhiều thành tựu nổi bật trên hành trình chuyển đổi 2016-2020.

Gia nhập Techcombank từ tháng 5/2015 với vai trò là Giám đốc khối Chiến lược và phát triển ngân hàng, sau đó chính thức được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Techcombank từ tháng 9/2016, ông Nguyễn Lê Quốc Anh đã chèo lái "con thuyền" Techcombank trong suốt 5 năm qua.

Dưới bàn tay dẫn dắt của ông, Techcombank đã ghi nhận những kết quả kinh doanh ấn tượng về lợi nhuận, hiệu quả hoạt động cũng như qui mô vốn điều lệ.

Techcombank dưới thời ông Nguyễn Lê Quốc Anh - Ảnh 1.

Tổng Giám đốc Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh (Nguồn: VnExpress).

Lợi nhuận gấp 7 lần sau 5 năm

Nếu như năm 2015, lợi nhuận sau thuế của Techcombank là hơn 1.500 tỉ đồng thì năm 2016 đã tăng lên hơn gấp đôi với mức 3.100 tỉ đồng. Lợi nhuận ngân hàng tiếp tục tăng gấp 4 lần so với 2015 lên gần 6.500 tỉ đồng ở năm 2017 và đạt mức cao kỉ lục ở năm 2019 với lợi nhuận sau thuế được công bố là 10.226 tỉ đồng, gấp 7 lần so với 2015.

Techcombank ghi nhận 17 quí liên tiếp tăng trưởng lợi nhuận hàng năm kể từ quí IV/2015.

Techcombank dưới thời ông Nguyễn Lê Quốc Anh - Ảnh 2.

Thu Hoài tổng hợp (Nguồn: BCTC Techcombank).

Cùng với tăng trưởng về lợi nhuận, qui mô tổng tài sản cũng có sự cải thiện, tính đến 31/12/2019, tổng tài sản của ngân hàng tăng 19,5% và đạt 383.699 tỉ đồng, thuộc Top 10 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất năm 2019.

Techcombank dưới thời ông Nguyễn Lê Quốc Anh - Ảnh 3.

Thu Hoài tổng hợp (Nguồn: BCTC Techcombank).

Tỉ lệ CASA cao trong top dẫn đầu

Với chiến lược tập trung tiền gửi, tăng nguồn tiền gửi không kì hạn đưa tỉ lệ CASA (Current Account Savings Account) hay tỉ lệ tiền gửi không kì hạn tăng từ 20,6% năm 2015 lên trên 30% vào cuối năm 2019. Theo báo cáo tài chính quí IV, tỉ lệ CASA của Techcombank vào cuối năm 2019 là 32,9%, vượt qua Vietcombank và chỉ đứng sau MB.

Tiền gửi không kì hạn đồng nghĩa với nguồn vốn giá rẻ, có chi phí rất thấp so với tiền gửi có kì hạn. Tỉ lệ CASA cao giúp giải quyết được đầu vào của bài toán vốn, chi phí vốn thấp giúp NIM của ngân hàng tăng cao trong kì.

Đây là một trong ba nguyên nhân tạo nên tỉ suất lợi nhuận cao của Techcombank trong năm 2019. Yếu tố thứ hai giúp Techcombank ghi nhận ROA cao là cơ cấu tài sản hỗn hợp giữa trái phiếu doanh nghiệp và cho vay tiêu dùng có lợi suất cao. Thứ ba là vị trí dẫn đầu trên thị trường vốn trong cả mảng phát hành và phân phối.

Techcombank dưới thời ông Nguyễn Lê Quốc Anh - Ảnh 4.

ROA của Techcombank tăng trưởng nhanh so với toàn ngành ngân hàng (Nguồn: JP Morgan).

Để có được lượng tiền gửi không kì hạn lớn, ngân hàng đã thực hiện các chương trình Zero fee và hoàn tiền (Cash back) cho thẻ tín dụng. Techcombank miễn phí mọi giao dịch chuyển khoản điện tử qua ngân hàng điện tử đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp qua chương trình E-Banking 0 đồng.

Một vị lãnh đạo của Techcombank cho biết ngân hàng đã chi khoảng 260 tỉ đồng cho chương trình cash back nhưng đã mang về 1.200 tỉ đồng cho giảm chi phí huy động, giúp bù đắp lại các chi phí đã bỏ ra. 

Có được kết quả ấn tượng như vậy, Techcombank không phải chỉ là nằm yếu tố "gặp thời", mà phải có sự đầu tư, dám thay đổi với chiến lược đặt khách hàng làm trọng tâm để tối đa hóa lợi nhuận, cải thiện hiệu quả hoạt động.

Chia sẻ với báo giới cách đây không lâu, ông Nguyễn Lê Quốc Anh cho biết Techcombank cũng gặp những vấn đề như: phải xử lí nợ xấu của nhiều năm trước và gắn với đó là trích lập, dự kiến nợ xấu trong năm nay để dự trữ trích lập, hạn mức tăng trưởng tín dụng bị thu hẹp. Thành thử, phải tăng nguồn thu từ phí thôi.

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh cho biết hiện tại, nguồn thu từ phi lãi/tổng doanh thu của Techcombank lên tới 40%, mức rất cao so với hệ thống trong nước, thậm chí so với các nước trên thế giới. Hết 2020, tỉ lệ phí/tổng doanh thu dự kiến lên tới 50% và cho dù chu kì kinh tế lên xuống như thế nào, nguồn thu này vẫn ổn định.

Về mảng doanh nghiệp, ông cho biết ngân hàng tập trung đưa trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường nhiều hơn, xu hướng này phù hợp với chủ trương của NHNN khi giảm tỉ trọng vốn ngắn hạn trên cho vay dài hạn trong khi hầu hết doanh nghiệp lớn đều có nhu cầu vay đầu tư dài hạn.

Giải pháp phát hành trái phiếu doanh nghiệp và bán ra thị trường giúp đưa tỉ trọng cho vay dài hạn ra khỏi bảng cân đối, tránh áp lực từ qui định của NHNN, đồng thời dòng tiền sẽ không bị đóng lại tại ngân hàng mà luân chuyển ở bên ngoài.

IPO thành công trong năm 2018

Không chỉ vậy, trong 5 năm điều hành, dấu ấn của Tổng Giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh Techcombank còn thể hiện ở việc IPO thành công vào tháng 4/2018, giúp ngân hàng thu về tới 21.000 tỉ đồng (khoảng 922 triệu USD), trở thành đợt IPO lớn nhất tại Việt Nam.

Sau đó ngày 4/6/2018, Techcombank chính thức niêm yết tại HOSE với giá khởi điểm 128.000 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị vốn hóa  lúc đó hơn 149,1 nghìn tỉ đồng (6,3 tỉ USD), cao nhất toàn ngành thời điểm đó.

Dấu ấn người lãnh đạo Nguyễn Lê Quốc Anh tại Techcombank - Ảnh 5.

Diên biến giá cổ phiếu TCB từ khi chào sàn đến nay (Nguồn: VnDirect).

Bên cạnh điều hành về hoạt động kinh doanh ngân hàng, nhân sự là yếu tố quan trọng được Tổng Giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh quan tâm nhiều năm qua.

Tính đến 31/12/2019, ngân hàng có 11.156 nhân viên, tăng hơn 48% so với cuối năm 2015. Thu nhập bình quân tháng nhân viên tăng từ 21 triệu đồng năm 2015 lên 34 triệu đồng năm 2019

Ông Quốc Anh cũng là người đề xuất lộ trình thực thi mô hình quản trị ngân hàng vào quí I/2019. Theo đó, Tổng Giám đốc phân quyền quyết định kinh doanh và vận hành nội bộ xuống các Giám đốc Khối để các khối có thể đưa ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Theo mô hình này, từ ngày 13/1/2020, ông Phùng Quang Hưng đã chính thức được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc Điều hành (Managing Director), Giám đốc Khối Tư vấn Tài chính và Dịch vụ Khách hàng và chịu trách nhiệm phần lớn cho hiệu quả vận hành nội bộ của Techcombank.

Cơ duyên đến với Techcombank

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh sinh năm 1966 và tốt nghiệp Tiến sĩ chuyên ngành Kĩ sư Hạt nhân tại Đại học Purdue (Mỹ) và Thạc sĩ chuyên ngành Kinh tế lượng tại Đại học bang California, East Bay (Mỹ).

Trước khi tham gia ngành tài chính, ông Quốc Anh là Kĩ sư hạt nhân tại công ty Pacific Gas and Electric Co từ năm 22 tuổi. Sau đó 5 năm, ông làm Kĩ sư nghiên cứu thuộc Phòng thí nghiệm Quốc gia ARGONNE tại Mỹ.

Vào tháng 9/2000, ông Quốc Anh chuyển hướng sang lĩnh vực kinh doanh khi làm Tư vấn cao cấp ở Phòng Công nghệ Kinh doanh tại Công ty McKinsey & Company tại Mỹ.

Đến tháng 11/2006, ông Nguyễn Lê Quốc Anh bước chân vào lĩnh vực ngân hàng khi làm việc cho Wells Fargo với vị trí cao nhất là Giám đốc Chiến lược và Phát triển Ngân hàng.

Ông gia nhập Techcombank từ tháng 5/2015 với vai trò là Giám đốc khối Chiến lược và phát triển ngân hàng. Sau đó ông chính thức được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Techcombank từ tháng 9/2016.

Sau hơn 5 năm gắn bó với Techcombank, mới đây, ông Nguyễn Lê Quốc Anh đã xin từ chức Tổng Giám đốc theo nguyện vọng cá nhân kể từ ngày 1/9/2020.

Thu Hoài