Đất dọc kênh Nhiêu Lộc: Vị trí đẹp, nhiều nhà đầu tư muốn tham gia
Đất dọc kênh Nhiêu Lộc có vị trí rất đẹp ẢNH: ĐỘC LẬP
Theo một nguồn tin của Thanh Niên, hiện đồ án chỉnh trang đô thị gần 110 ha đất dọc kênh Nhiêu Lộc tại các phường 7, 9, 10, 11, 13 và 14 (Q.3, TP.HCM) đã thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm, gồm cả các nhà đầu tư đến từ nước ngoài.
Công ty CP Khang Thành Phú cũng đề xuất dự án chỉnh trang khu đô thị dân cư P.7 theo hình thức PPP. Dự án nằm dọc kênh Nhiêu Lộc, với diện tích hơn 97.000 m2. Tổng mức đầu tư của dự án này gần 19.000 tỉ đồng. Ông Bạch Thanh Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP Khang Thành Phú, cam kết nếu được duyệt, dự án sẽ triển khai trong vòng 10 năm. Khi hoàn thành, sẽ biến khu vực này từ những căn nhà cấp 4 lụp xụp thành một khu đô thị hiện đại với đầy đủ tiện ích, dịch vụ cao cấp, hệ thống hạ tầng được nâng cấp, có thêm nhiều mảng xanh, khu vực công cộng để phục vụ người dân trên địa bàn.
Lãnh đạo một công ty bất động sản nhận xét: Dự án có vị trí đẹp, với diện tích đất lớn và đa phần là đất sạch nên đang thu hút rất đông các nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện. Do vậy, để dự án triển khai nhanh, hiệu quả, TP cần đấu thầu công khai. “Không chỉ có được một bộ mặt đô thị hiện đại, khi hoàn thành, nhà nước còn có thể thu về được một nguồn tiền lớn cho ngân sách. Tuy nhiên, việc triển khai phải minh bạch, tránh vết xe đổ Thủ Thiêm”, vị này cho hay.
Theo ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM: Đồ án cải tạo, chỉnh trang đô thị, mà trọng tâm là khu đô thị phát triển tự phát, phần đuôi của mặt tiền đường Cách Mạng Tháng 8, khu vực này mới phát triển nên không có hệ thống hạ tầng đầy đủ. Chỉnh trang trước hết vì lợi ích của người dân. Như khu vực chợ Nguyễn Văn Trỗi nguyện vọng tiểu thương trong chợ và người dân xung quanh mong muốn được kinh doanh ở đó, được kinh doanh đúng mặt hàng mà họ đang bán buôn. Nên về nguyên tắc cố gắng giữ để nâng cấp chợ làm sao phải có hầm bố trí chỗ đậu xe, bố trí khu vui chơi giải trí, siêu thị, phần phía trên bố trí lại tiểu thương để họ kinh doanh, làm sao hạn chế đến mức thấp nhất tác động đến kinh doanh của tiểu thương.
“Như trước đây TP tiến hành nâng cấp Chợ Lớn hay chợ Tân Bình gần như đa số các tiểu thương đều mong muốn bố trí lại vị trí cũ để buôn bán, thậm chí nếu xây dựng lớn hơn, tăng số lượng tiểu thương cũng bị phản đối do họ phải cạnh tranh với nhau. Như vậy, khi tiến hành chỉnh trang, nâng cấp làm sao phải cho người dân thấy được cái lợi thì họ mới nghe theo”, ông Hoan nói và cũng đồng ý với đề xuất của đơn vị tư vấn “nâng cấp” ga Hòa Hưng, nhưng hạn chế phát triển nhà ở mà chủ yếu làm dịch vụ, trung tâm thương mại, triển lãm, khách sạn... Bởi Q.3 là quận trung tâm, nếu làm nhà ở lại dồn dân vào.