Đạo đức hay mức lương: Câu hỏi ám ảnh người lao động trẻ
Bạn có sẵn sàng bỏ việc vì cảm thấy đang làm trái với nguyên tắc đạo đức? Mùa hè năm 2015, một tá nhân viên Google đã thôi việc vì lí do ấy.
Theo một số nguồn tin, nhóm nhân viên Google đồng loạt nghỉ việc để phản đối sự tham gia của tập đoàn vào một dự án có tên Maven liên quan đến việc xử lí dữ liệu cho máy bay không người lái của quân đội Mỹ.
Ngoài ra, sự bất đồng lớn hơn về lối hành xử vô đạo đức của các cấp lãnh đạo cao trong tập đoàn cũng khiến nhiều người bất mãn, BBC đưa tin.
Đôi khi chúng ta phải đối mặt với tình huống khó xử về đạo đức trong công việc. Bạn có sẵn sàng từ chối một mức lương hấp dẫn bởi công ty đang gây ô nhiễm môi trường, thử nghiệm trên động vật hay đơn giản là cách họ đối xử với khách hàng?
Nếu nói "Sẵn sàng", khả năng cao là bạn thuộc nhóm nửa cuối thế hệ 9x. Các nghiên cứu cho thấy thế hệ này coi trọng tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp nhiều hơn các thế hệ trước. Thậm chí họ đánh giá nguyên tắc đạo đức hoặc văn hóa doanh nghiệp cao hơn mức lương hậu hĩnh.
Nhưng điều này có luôn đúng? Trong thực tế, ai có đủ khả năng để đưa ra lựa chọn cao cả đó?
Chi phí của quyết định nghỉ việc
Mọi người hay gọi những người sinh từ năm 1995 tới 1999 là "thế hệ nhảy việc". Một số nghiên cứu cho thấy hứng thú giảm rõ rệt của họ với những công việc ổn định hoặc quá trình thăng tiến có thể dự đoán.
Một số ngành truyền thống đang gặp khó khăn trong việc giữ chân người trẻ. Nghiên cứu năm 2017 của Viện Tuyển dụng Sinh viên cho thấy 46% sinh viên tốt nghiệp ở Anh bỏ công việc chính thức đầu tiên chỉ sau năm năm.
Lí do chính cho sự thay đổi là họ cần những trải nghiệm mới, theo đuổi giấc mơ hoặc du lịch. Tuy nhiên, từ bỏ con đường sự nghiệp ổn định để du lịch bụi hoặc khởi nghiệp kinh doanh là quyết định khá khó khăn và tốn kém. Chỉ một số ít người thực sự đủ khả năng để làm như vậy.
Nguyên tắc đạo đức chung còn quan trọng khi bạn đang làm việc để được trả lương? Ảnh: BBC
Nghiên cứu cũng khẳng định: "Gián đoạn sự nghiệp trong một khoảng thời gian có thể khiến một người mất khoản thu nhập hàng ngàn USD mỗi năm và làm giảm chất lượng công việc cũng như hứng thú làm việc trong tương lai".
Christian Byfield, cựu chuyên gia tư vấn và ngân hàng đầu tư Colombia, đã từ chối hàng loạt các công việc lương cao trong ngành ngân hàng và bảo hiểm để du lịch khắp thế giới.
"Rất nhiều điều đã xảy ra khi tôi bắt đầu làm theo trái tim", anh nói. Sau vài năm khủng hoảng tài chính, anh cuối cùng đã trở thành hot blogger du lịch với lượng theo dõi khổng lồ.
Dù vậy, Byfield là một trường hợp đặc biệt hiếm hoi và hầu hết chúng ta vẫn phải suy nghĩ về ví tiền mỗi khi đưa ra quyết định liên quan đến công việc. Trong tất cả các yếu tố tạo ra sự khác biệt của một công việc, bằng chứng cho thấy yếu tố then chốt vẫn là phiếu lương.
Cuộc khảo sát của Deloitte về thế hệ 9x nhấn mạnh rằng 63% thế hệ này coi ưu đãi tài chính là yếu tố rất quan trọng để cân nhắc một lời mời làm việc.
Nghiên cứu của Triplebyte, công ty khởi nghiệp tuyển dụng nhân lực công nghệ, cho thấy 70% những người nhận hai lời mời làm việc cùng thời điểm sẽ chọn mức lương cao nhất.
Mặc dù vậy, những nhược điểm tài chính của nhảy việc không khiến nhiều người trẻ bận tâm.
Lee Caraher, tác giả của cuốn sách Millennials & Management, nhận định: "Không phải thế hệ 9x không muốn sự ổn định. Trên thực tế, họ thậm chí cần sự ổn định tài chính nhiều hơn cha mẹ họ. Hậu quả từ khủng hoảng kinh tế càng làm trì hoãn sự nghiệp và các quyết định tài chính lớn của thế hệ này".
Ở Mỹ, số liệu thống kê của Pew Research cho thấy thế hệ 9x vẫn có khả năng duy trì công việc so với thế hệ trước và một nghiên cứu trong số nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy họ coi mức lương cao là tiêu chí hiển nhiên.
Maria Reyes, quản lí danh mục hàng hóa cho chuỗi bán lẻ ở Colombia, cảm thấy văn hóa công ty quá khác biệt với kì vọng và niềm tin của bản thân. Công ty không quan tâm đến mọi người nhưng cô không thể làm gì do đã kí hợp đồng độc quyền hai năm để nhận khóa đào tạo đắt tiền ở nước ngoài.
Cuối cùng, cô đã được thăng chức lên vị trí cao hơn nhưng mâu thuẫn tâm lí ngày càng sâu sắc. Công việc của cô là liên lạc với các nhà cung cấp và cố gắng kiếm tiền bằng mọi giá mà không quan tâm đến lợi ích thực sự của khách hàng.
Vấn đề là mức lương hiện giờ của Reyes rất cao đối với một người 26 tuổi. Nếu cô xin việc tương tự ở nơi khác, đãi ngộ không thể tốt như vậy. Cô thậm chí nghi ngờ khả năng họ sẽ nhận cô nên quyết định duy trì công việc hiện tại.
Khi thế hệ 9x bắt đầu lập gia đình, có con và vay nợ, mọi thứ tồi tệ hơn rất nhiều. Marcela Cardona bắt đầu sự nghiệp trong ngành dược phẩm với hi vọng giúp mọi người vượt qua bệnh tật nhưng sớm cảm thấy choáng ngợp bởi nhiều tình huống khó xử giữa đạo đức và lợi nhuận. Cô muốn tìm công việc khác sớm.
Nhưng khi cô mang thai, mọi thứ đã thay đổi. Với một cô con gái mới sinh, cô không còn đủ khả năng tìm nơi làm việc lí tưởng. Công việc tiếp theo cũng có những vấn đề tương tự khiến cô không hài lòng nhưng buộc phải chấp nhận thực tế.
Một số ngành nghề không dễ dàng thay đổi
Không phải tất cả các thị trường việc làm đều bình đẳng bởi một số lĩnh vực có tính linh hoạt cao hơn và một số kĩ năng có nhu cầu lớn hơn. Ammon Bartram, một người đồng sáng lập của Triplebyte cho biết các kĩ sư ở Thung lũng Silicon được đánh giá cao và không bao giờ lo thất nghiệp.
Ông cũng nói rằng những người trong các lĩnh vực phi kĩ thuật như quan hệ công chúng hoặc các dịch vụ pháp lí không có nhiều lựa chọn như các lập trình viên.
Và ngay cả chế độ đãi ngộ về nghỉ phép hoặc làm thêm giờ của các kĩ sư tài năng cũng tốt hơn. Nếu họ có chuyên môn kĩ thuật tốt, khoản đầu tư họ bỏ ra cho giáo dục và sự nghiệp sẽ mang lại lợi nhuận xứng đáng.
Tuy nhiên, trong các lĩnh vực khác như khoa học xã hội hoặc truyền thông, nơi mức lương thấp hơn và công việc khan hiếm hơn, việc đưa ra quyết định bỏ việc chỉ vì nguyên tắc đạo đức khó khăn hơn rất nhiều.
Nhìn chung, nền tảng tài chính và kĩ năng cá nhân như sổ tiết kiệm, tài sản hoặc trình độ chuyên môn là yếu tố quyết định khiến một người chọn mức tiền lương trung bình.
Điều tạo nên sự khác biệt
Đối với nhiều người trẻ, một giải pháp khả thi hơn là lên kế hoạch công việc chặt chẽ hơn ngay từ ban đầu.
Cả nghiên cứu học thuật và công nghiệp đều cho thấy thế hệ 9x muốn làm việc trong môi trường đạo đức, linh hoạt và đóng góp vào việc cải thiện thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn.
Theo Caraher, các thế hệ cũ không bao giờ hỏi tại sao và chỉ làm theo yêu cầu của cấp trên.
Tuy nhiên, những người lao động trẻ ngày nay muốn đảm bảo rằng họ nắm bắt các giá trị xã hội của doanh nghiệp và vai trò của họ trong tổ chức. Họ muốn trở nên quan trọng trong công việc để tạo ra sự khác biệt thực sự.
Các nhà tâm lí học đã thấy được tỉ lệ thuận giữa mức độ gắn bó của nhân viên và chủ doanh nghiệp với lợi nhuận của công ty.
"Một số công ty, đặc biệt là những công ty lớn, luôn nỗ lực truyền bá giá trị của họ bởi một thương hiệu mạnh giúp thu hút những người phù hợp với công ty dễ dàng hơn", Bartram nói.
Trong khi đó, các công ty nhỏ hơn phải làm những việc nổi bật và một trong những chiến lược hiệu quả nhất là nhấn mạnh đến tác động xã hội tích cực từ dịch vụ hay sản phẩm của doanh nghiệp.
Hiệu quả tích cực là nhiều nhà tuyển dụng lớn đang cố gắng đạt những tiêu chuẩn đạo đức thông qua hoạt động từ thiện và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Caraher nói: "Thể hiện đường lối đạo đức ngày càng quan trọng trong việc thu hút tài năng trẻ".
Những vụ bê bối và phản ứng của nhóm nhân viên Google mang lại kết quả tích cực. Tập đoàn thay đổi những chiến lược hoặc quyết định rút khỏi các dự án gây tranh cãi dưới sức ép của nhân viên. Và chúng ta sẽ còn thấy xu hướng đó trong tương lai.