|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đằng sau việc nới lỏng các quy định trên App Store của Apple

02:33 | 04/09/2021
Chia sẻ
Chỉ trong một thời gian ngắn gần đây, Apple đã liên tục đưa ra những "nhượng bộ" mà các nhà phát triển ứng dụng đã yêu cầu từ nhiều năm qua.

Các chuyên gia nhận định rằng việc hãng công nghệ Apple của Mỹ nới lỏng các chính sách liên quan đến cửa hàng ứng dụng App Store sau nhiều năm bị chỉ trích về hành vi độc quyền, là nhằm tránh phải chịu những áp lực lớn hơn khi các quốc gia đang đẩy mạnh biện pháp kiểm soát các "người khổng lồ" công nghệ (hay còn gọi là Big Tech).

Những nhượng bộ của Apple...

Chỉ trong một thời gian ngắn gần đây, công ty đã liên tục đưa ra những "nhượng bộ" mà các nhà phát triển ứng dụng đã yêu cầu từ nhiều năm qua. Hiện hãng công nghệ này của Mỹ đang phải đối mặt với các cuộc điều tra về hành vi độc quyền, lạm dụng sự thống trị toàn cầu của mình, bên cạnh các thách thức ngày càng gia tăng về mặt giám sát và pháp lý khác.

Apple gần đây đã nhất trí nới lỏng các hạn chế về thanh toán trên App Store, cho phép một số nhà phát triển có thể chia sẻ các tùy chọn thanh toán với người dùng bên ngoài hệ điều hành iOS, mở rộng mức giá mà nhà phát triển có thể cung cấp đối với việc đăng ký sử dụng, mua hàng trong ứng dụng và ứng dụng phải trả phí.

Cụ thể, trong động thái mới nhất, Apple đã cho phép các ứng dụng truyền thông giải trí có thể dẫn đường link tới website riêng của họ để người dùng có thể thanh toán trên đó mà không cần thông qua hệ thống thanh toán trên App Store của Apple. Điều này sẽ cho phép các ứng dụng giải trí, cung cấp dịch vụ nghe nhạc, xem phim, đọc sách... thu phí thuê bao của khách hàng dễ dàng hơn mà không phải trả tiền hoa hồng cho Apple.

Đây là một thỏa thuận mà Apple đạt được với giới chức Nhật Bản, và chính sách này sẽ có hiệu lực trên toàn cầu vào năm 2022.

Nhà phân tích Lawrence McDonald chuyên bình luận cho nhiều tờ báo của Mỹ, nhận định động thái của Apple là nhằm "đón đầu" những biện pháp kiểm soát mạnh mẽ hơn mà Chính phủ Mỹ có thể đưa ra trong thời gian tới.

Các chuyên gia coi những thay đổi của Apple là bằng chứng cho thấy các Big Tech đã không chịu nổi những áp lực và quyết định nhượng bộ để tránh xung đột với các quy định của chính phủ.

Joshua Davis, Giáo sư luật tại Đại học San Francisco, nói với AFP rằng chiến lược của Apple tại thời điểm này là cố gắng tìm ra một giải pháp thỏa hiệp để họ có thể duy trì hầu hết mô hình hoạt động cũng như lợi nhuận mà họ kiếm được, và "nhượng bộ" ít nhất có thể.

Theo Sensor Tower, một công ty phân tích dữ liệu, những thay đổi trên sẽ không đe dọa mô hình kinh doanh của Apple. Riêng doanh thu từ App Store đem lại cho "Táo khuyết" 72 tỷ USD trong năm 2020.

... để tránh áp lực pháp lý lớn hơn

Các Big Tech như Apple và Google đang đối mặt với những chỉ trích trên toàn thế giới do tính phí tới 30% hoa hồng đối với các dịch vụ mua bán trong ứng dụng và yêu cầu phải sử dụng hệ thống thanh toán riêng của các tập đoàn công nghệ này nhằm thu thêm phí giao dịch. Hệ điều hành của Apple và Google chiếm trên 99% điện thoại thông minh toàn thế giới. Một số quốc gia như Mỹ và Hàn Quốc đã yêu cầu các hãng công nghệ này cho phép người dùng lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trong ứng dụng.

Tại Mỹ, ba thượng nghị sĩ trong tháng Tám này đã đệ trình một dự luật yêu cầu Apple và Google nới lỏng kiểm soát trên các kho ứng dụng, trong khi các nghị sĩ châu Âu đang tranh luận về một dự luật có thể buộc Apple phải đưa ra những lựa chọn thanh toán thay thế khác cho kho ứng dụng App Store.

Hàn Quốc mới đây đã thông qua dự luật cấm Apple và Google ép buộc các nhà phát triển ứng dụng phải sử dụng các hệ thống thanh toán riêng của những tập đoàn công nghệ này, qua đó khẳng định việc độc quyền thanh toán của những kho ứng dụng Apple Store và Play Store là bất hợp pháp.

Theo các chuyên gia, đạo luật của Hàn Quốc chắc chắn sẽ tạo ra tiền lệ cho các nước khác, cũng như các nhà phát triển ứng dụng và sáng tạo nội dung trên toàn thế giới.

Mai Ly

Nhóm ngành hút mạnh dòng tiền thời gian tới qua lăng kính các nhà quản lý quỹ
Theo các chuyên gia, một số nhóm ngành được kỳ vọng thu hút dòng tiền đầu tư thời gian tới kể đến tiêu dùng, bán lẻ, ngân hàng, công nghệ thông tin, đầu tư công…