|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đằng sau sự phổ biến của các ứng dụng Trung Quốc tại Mỹ: Lấy trải nghiệm người dùng làm trọng tâm, ưu tiên khách hàng hơn lợi nhuận

17:50 | 27/06/2023
Chia sẻ
Không phải Facebook, YouTube hay Twitter, mà những ứng dụng có xuất xứ từ Trung Quốc như TikTok, Capcut, Shein và Temu mới là các ứng dụng được người dùng ở Mỹ tải về nhiều nhất trong quý I.

Một báo cáo phân tích dữ liệu của SensorTower mới đây đã tiết lộ thông tin có thể gây bất ngờ cho nhiều người: Trong số 5 ứng dụng được tải xuống nhiều nhất ở Mỹ, có tới 4 ứng dụng có xuất xứ từ Trung Quốc.

Ứng dụng truyền thông mạng xã hội TikTok, ứng dụng chỉnh sửa video CapCut và hai ứng dụng TMĐT Temu và Shein đã vượt qua các ứng dụng nổi tiếng khác như Facebook, YouTube và Amazon về số lượt tải xuống trong quý I tại Mỹ.

Có rất nhiều người đặt câu hỏi vì sao người dùng tại Mỹ lại quan tâm các ứng dụng của Trung Quốc, trong khi có phần “thờ ơ” trước những ứng dụng lâu đời của quốc gia này. Rõ ràng, các ứng dụng Trung Quốc đang nhận được nhiều sự chú ý của người dùng Mỹ.

Các ứng dụng có xuất xứ từ Trung Quốc đang trở nên phổ biến tại Mỹ. (Ảnh: Capital Radio).

Tại sao các ứng dụng Trung Quốc ngày càng phổ biến?

Sau khi đạt được thành tựu nhất định ở thị trường quê nhà Trung Quốc, các công ty công nghệ của quốc gia này đang đặt mục tiêu mở rộng sự hiện diện của họ sang các quốc gia khác.

Một trong số những mục tiêu lớn của các công ty công nghệ Trung Quốc là thâm nhập thị trường Mỹ. Sức hấp dẫn của thị trường Mỹ nằm ở mức thu nhập khả dụng cao hơn của người tiêu dùng và người tiêu dùng tại đây cũng có thói quen chi tiêu mạnh tay hơn.

Điều này giúp các công ty công nghệ Trung Quốc có thêm nhiều cơ hội để mở rộng các mảng kinh doanh ở thị trường mới.

Các ứng dụng di động của Trung Quốc nổi tiếng nhờ giao diện trực quan và thân thiện với người dùng. Ngay từ năm 2011, các công ty Trung Quốc đã nhận ra tầm quan trọng của trải nghiệm người dùng và coi đây là yếu tố có thể giúp họ cạnh tranh với các doanh nghiệp phương Tây.

Nhận thức này đã thôi thúc họ ưu tiên thiết kế ứng dụng với việc lấy người dùng làm trung tâm và tinh chỉnh giao diện để đáp ứng kỳ vọng ngày càng tăng của người dùng toàn cầu. Do đó, các ứng dụng dành cho thiết bị di động của Trung Quốc đã trở nên nổi tiếng với trải nghiệm người dùng hấp dẫn.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp chủ động để thúc đẩy sự đổi mới giữa các công ty.

Chẳng hạn, họ đã bắt đầu siết chặt quy định đối với các công ty công nghệ lớn vào năm 2020, bằng cách đưa ra các quy định chống độc quyền và tăng cường giám sát các hoạt động mua bán và sáp nhập của những công ty này.

Không giống như ngành công nghệ Mỹ, nơi chứng kiến sự thống trị của một số công ty lớn, cách tiếp cận của Trung Quốc nhấn mạnh đến sự đổi mới và cạnh tranh không ngừng. Do đó, các công ty công nghệ Trung Quốc được khuyến khích vượt qua các ranh giới và phấn đấu để đạt được những bước tiến lớn hơn.

Ngoài các yếu tố vĩ mô bên ngoài, các công ty Trung Quốc cũng có xu hướng thúc đẩy sự cạnh tranh ngay ở bên doanh nghiệp. Phóng viên Shen Lu từng tiết lộ trên một tập Podcast của tờ Wall Street Journal mức độ cạnh tranh ở các công ty công nghệ Trung Quốc “rất khủng khiếp”, đòi hỏi người lao động phải luôn nỗ lực và cải thiện bản thân, hoặc sẽ bị đào thải.  

Ở nhiều công ty, các bộ phận sẽ cạnh tranh trực tiếp với một số bộ phận khác để tạo ra các thiết kế hoặc tính năng tốt nhất. Cuối cùng, chỉ bộ phận được chọn mới nhận được các nguồn lực cần thiết để phát triển ý tưởng của họ. Tất nhiên, người dùng là những người hưởng lợi sau cùng.

Cuối cùng, các chiến dịch tiếp thị là một yếu tố quan trọng giúp các ứng dụng Trung Quốc được biết đến nhiều ở các thị trường khác. Các công ty Trung Quốc ưu tiên khách hàng hơn lợi nhuận trong ngắn hạn, thường dùng chiến lược thu hút sự chú ý của người dùng tiềm năng và mở rộng sự hiện diện của thương hiệu.

Đơn cử, một trong những yếu tố thúc đẩy thành công của Temu là quảng cáo “Shop Like A Billionaire Super Bowl”, khiến công ty tiêu tốn khoảng 14 triệu USD. Theo báo cáo của SensorTower, quảng cáo này đã giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về Temu ở Mỹ, nhờ đó số lượt tải về ứng dụng Temu cũng tăng nhanh.

Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục căng thẳng, tương lai của các ứng dụng Trung Quốc tại Mỹ vẫn chưa chắc chắn. Lệnh cấm TikTok ở Ấn Độ do những lo ngại về quyền riêng tư đã làm gia tăng các biện pháp giám sát chặt chẽ đối với các ứng dụng Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là bất chấp những lo ngại này, người dùng chủ yếu quan tâm đến việc các ứng dụng có đáp ứng nhu cầu của họ hay không, hơn là chúng có xuất xứ từ quốc gia nào.

Về vấn đề này, các nhà phát triển ứng dụng Trung Quốc dường như đã giải mã được, khi các ứng dụng của họ tiếp tục phát triển về cả mức độ phổ biến và tần suất sử dụng.

Anh Nguyễn

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).