Đang nợ đầm đìa, Sri Lanka muốn vay thêm 1 tỉ USD từ Trung Quốc
Mối lo mắc 'bẫy nợ' Trung Quốc ở các nước Thái Bình Dương |
Hôm thứ 7 vừa qua, M.R. Hasan - Người phát ngôn Bộ Tài chính Sri Lanka cho biết ông đang đợi thông tin để xem các điều kiện của khoản vay 1 tỉ USD của Trung Quốc cho dự án đường cao tốc đã được thông qua hay chưa.
Trung Quốc là một trong những chủ nợ nước ngoài lớn của Sri Lanka và coi Sri Lanka là một mắt xích quan trọng trong sáng kiên cơ sở hạ tầng Vành Đai và Con Đường.
Chính phủ của Tổng thống Maithripala Sirisena từng chỉ trích chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa vì đã đưa Sri Lanka rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc. Thế nhưng chính ông Maithripala Sirisena lại tìm đến Trung Quốc để nhờ hỗ trợ thoát khỏi khó khăn kinh tế.
Đường phố Thủ đô Colombo. Ảnh: Getty Image. |
Sri Lanka đang ngập trong nợ nần
Giá trị các khoản nợ đến hạn của Sri Lanka năm 2019 là gần 6 tỉ USD – mức cao nhất từ trước đến nay. Và khoảng 2,6 tỉ USD – tức gần một nửa số tổng - phải được hoàn trả trong quí I. Đây là hệ quả của những đợt vay nợ tràn lan để phát triển cơ sở hạ tầng, tuy nhiên khả năng trả nợ của quốc gia này ngày càng đi xuống.
Nền kinh tế thì đang tăng trưởng chậm lại, chi phí vay nợ thì tăng vọt do bất ổn chính trị.
Cuối năm ngoái, một cuộc chiến nổ ra trên chính trường Sri Lanka giữa thủ tướng và tổng thống của nước này. Có lúc, hai người cùng tự xưng là thủ tướng sau khi một người bị tổng thống cách chức thủ tướng nhưng không chịu nhường ghế.
Người kia thì là một cựu tổng thống, có quan hệ thân thiết với Trung Quốc trong thời gian tại vị của mình. Ông cuối cùng đã phải từ bỏ danh xưng thủ tướng sau khi tòa án bác bỏ việc bổ nhiệm ông, qua đó giải quyết được cuộc khủng hoảng trước mắt. Tuy nhiên, những căng thẳng chính trị sâu xa thì vẫn còn tồn tại.
Đồng rupee của Sri Lankan mất giá mạnh so với đồng USD, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã hạ bậc an toàn các khoản nợ của nước này và ngành du lịch chịu thiệt hại nặng nề trong mùa lễ hội cao điểm cuối năm.
Tăng trưởng GDP của Sri Lanka trong ba quí đầu năm 2018 đạt mức trung bình 3,36%. Sang quí thứ tư, tăng trưởng tụt xuống âm 3,1% - mức thấp nhất trong hơn 15 năm qua.
Nước này đang phải chạy đôn chạy đáo để gom đủ tiền trả nợ, và trong cơn túng quẫn, Sri Lanka đã tìm đến Trung Quốc để vay thêm tiền.
Đầu tháng 1/2019, ông Indrajit Coomaraswamy – thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka cho biết chính phủ dự định vay khoảng 1,5 tỉ USD từ các ngân hàng Trung Quốc với lãi suất “hấp dẫn” và huy động thêm khoảng 1,4 tỉ USD thông qua các thỏa thuận hoán đổi khẩn cấp ngắn hạn với Ngân hàng trung ương Ấn Độ.
Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải). Ảnh: Financial Times. |
Trao đổi với phóng viên, ông cho biết: “Chúng tôi muốn cố gắng và hoàn thành các giao dịch này trong quí I năm nay. Chúng tôi không biết cơn sóng thần chính trị nào sẽ đến tiếp theo nên chúng tôi phải lên kế hoạch và lấy tiền về càng sớm càng tốt”.
Năm ngoái, Sri Lanka từng đàm phán để vay thêm từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhưng sau đó cuộc đàm phán đã bị hoãn lại do bất ổn chính trị.
Trung Quốc hiện chiếm khoảng 15% nợ song phương với Sri Lanka, tăng lên từ mức 5% của 10 năm trước đây và nhiều khả năng con số này sẽ còn tăng thêm. Bà Subhashini Abeysinghe, giám đốc nghiên cứu tại Verite Research nhận định: “Cuối cùng, mọi con đường đều dẫn tới Trung Quốc. Trung Quốc tỏ ra là một lựa chọn tương đối hợp lí, giá rẻ so với việc phải ra thị trường vốn quốc tế”.
Sri Lanka là một quốc đảo nằm giữa tuyến đường biển quan trọng phía nam Ấn Độ. Quốc gia này đã hưởng lợi lớn từ sáng kiến Vành Đai và Con Đường với các hoạt động xây dựng bến cảng, đường sắt và đường ống trên khắp Châu Á.
Các quan chức Mỹ lại nhiều lần chỉ trích Trung Quốc sử dụng sáng kiến này để đưa các quốc gia khác vào bẫy nợ nhằm gia tăng tầm ảnh hưởng và thực hiện các mục tiêu quân sự của mình.
Ví dụ được nhắc tới nhiều nhất là việc chính phủ Sri Lanka không thể hoàn trả khoản nợ mà Trung Quốc cấp để xây một bến cảng ở phía nam nước này. Để dàn xếp, Sri Lanka đã cho một công ty nhà nước Trung Quốc thuê bến cảng này trong vòng 99 năm. Tiền thu được từ việc cho thuê đã được dùng để trả nợ trong tháng 1 vừa qua.
Chính quyền Bắc Kinh phủ nhận mọi động cơ mờ ám và cho rằng các dự án này thúc đẩy phát triển kinh tế và có lợi cho tất cả các bên.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/