|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dân số già đe dọa tăng trưởng của châu Á

21:00 | 10/04/2019
Chia sẻ
Từ Nhật Bản, Hàn Quốc cho đến Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á, vấn đề dân số già đang làm thay đổi xã hội, các chiến lược kinh doanh và các chính sách của chính phủ. Xu hướng này có thể làm thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu và khu vực khi tốc độ tăng trưởng ở một số nước ngày càng suy kiệt vì gánh nặng dân số già, trong khi đó một số nền kinh tế khác vẫn phát triển nhờ lực lượng lao động dồi dào.
Dân số già đe dọa tăng trưởng của châu Á - Ảnh 1.

Người già ăn trưa tại một cơ sở dưỡng lão ở TP Toyama, Nhật Bản. Ảnh: BBG News Kỷ nguyên dân số già ập đến châu Á

Kỷ nguyên dân số già ập đến châu Á

Mối lo dân số già đã được thảo luận trong nhiều năm trời nhưng các dấu hiệu mới nhất cho thấy mối lo đó đang trở thành hiện thực ở khu vực châu Á.

Tại Hàn Quốc, nhiều cặp vợ chồng đang trì hoãn sinh con vì chưa mua được nhà. Dân số nằm trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) ở Hàn Quốc giảm lần đầu tiên vào năm 2017. Hồi tháng 3, cơ quan thống kê Hàn Quốc cảnh báo tổng dân số Hàn Quốc sẽ suy giảm bắt đầu từ năm sau. Đến năm 2065, Hàn Quốc được dự báo trở thành nước phát triển có dân số già nhất thế giới.

Tại Trung Quốc, chính phủ đã xóa bỏ chính sách mỗi cặp vợ chồng chỉ có một con nhưng động thái này diễn ra quá trễ. Tỷ lệ sinh ở nước đông dân nhất thế giới tiếp tục suy giảm trong hai năm 2017 và 2018. Theo Liên Hợp Quốc, số người dân Trung Quốc ở độ tuổi lao động từ 16-59 tuổi bắt đầu giảm vào năm 2014. Năm ngoái, nhóm người dân nằm trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc lần đầu tiên giảm xuống dưới con số 900 triệu. Tính đến năm 2017, tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đã giảm bốn năm liên tục.

Tốc độ dân số già hóa ở Nhật Bản diễn ra nhanh hơn bất cứ nơi nào khác. Nhóm dân số trong độ tuổi 15-64 của Nhật Bản bắt đầu giảm vào năm 1995 lúc nước này bước vào “những thập kỷ mất mát” khi tình trạng kinh tế trì trệ và giảm phát kéo dài dai dẳng. Tổng dân số của Nhật Bản bắt đầu suy giảm kể từ năm 2008.

Song  viễn cảnh về cơ cấu dân số của ba nền kinh tế lớn ở châu Á này còn ảm đạm hơn. Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), từ năm 2020 đến năm 2060, lực lượng dân số ở độ tuổi lao động sẽ suy giảm 30% ở Nhật Bản, 26% ở Hàn Quốc và 19% ở Trung Quốc. Số người 65 tuổi trở lên được dự báo chiếm hơn 30% dân số của ba nước này vào năm 2060.

Cơ cấu dân số của Hồng Kông, Singapore và Thái Lan cũng sẽ đi theo quỹ đạo tương tự. Tuy nhiên, có những ngoại lệ, chẳng hạn lực lượng lao động của Ấn Độ và Indonesia được dự báo tiếp duy trì đà tăng cho đến năm 2060. Mỹ cũng nằm trong số các ngoại lệ đó và điều này tạo lợi thế cho nền kinh tế lớn nhất thế giới so với Trung Quốc, đối thủ đang tìm cách thay thế ngôi vị thống lĩnh kinh tế toàn cầu của Mỹ.

Tăng trưởng kinh tế suy yếu

Tốc độ già hóa dân số nhanh đang tạo ra mối nguy hiểm thực sự cho triển vọng tăng trưởng kinh tế ở nhiều nền kinh tế lớn của châu Á.

Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo chỉ đạt mức trung bình 1,5% mỗi năm trong giai đoạn 2040-2050, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 7,1%/năm trong giai đoạn 2010-2020. Trong lúc đó, GDP của Mỹ được dự báo ở mức trung bình 2%/năm trong giai đoạn 2040-2050.

Dân số già đe dọa tăng trưởng của châu Á - Ảnh 2.

Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc (đường màu đỏ) được dự báo chỉ đạt mức trung bình 1,5% mỗi năm trong giai đoạn 2040-2050 do dân số già và lực lượng lao động suy giảm. Ảnh: Nikkei Asian Review

Các dự báo này được đưa ra khi nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với với cuộc khủng hoảng cơ cấu dân số trầm trọng. Nếu Trung Quốc may mắn duy trì tỷ lệ sinh 1,2% mỗi năm thì tổng dân số của nước này cũng sẽ suy giảm về mức 1,08 tỉ người vào năm 2050. Lúc đó, tỷ lệ dân số từ 65 tuổi sẽ chiếm 33% tổng dân số Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ yếu dần vì một logic rất đơn giản: Ít người tiêu dùng hơn sẽ kìm hãm nền kinh tế, buộc các công ty cắt giảm đầu tư và tạo ra vòng xoắn ốc suy giảm tăng trưởng.

Tương tự, tăng trưởng GDP của Hàn Quốc được dự báo rơi về mức 2% vào năm 2030 và tiếp tục rơi về mức 1% vào năm 2050 do lực lượng lao động suy giảm khi dân số ngày càng già hóa.

Ngay tại Nhật Bản, lo ngại về triển vọng kinh tế, lớp trẻ đang gia tăng tiết kiệm. Theo Phó Giáo sư Ikuko Samikawa ở Đại học Hitotsubashi ở Tokyo, trong 30 năm qua, tỷ lệ nhóm dân số ở độ tuổi 25-29 gửi tiền tiết kiệm đã tăng lên 38% và tỷ lệ này ở nhóm dân số 30-34 tuổi là 44%.

Cựu Phó Thống đốc ngân hàng trung ương Nhật Bản Hiroshi Nakaso, hiện là Chủ tịch Viện Nghiên cứu Daiwa, cho biết: “Lớp trẻ có xu hướng tiết kiệm vì họ lo lắng về tương lai. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng hạn chế đầu tư vì không chắc chắn về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong tương lai”.

Gánh nặng chi phí an sinh xã hội ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc gia tăng không ngừng khi lực lượng lao động suy giảm. Nhật Bản đang quản lý gánh nặng này bằng cách vay nợ, trong khi đó, Hàn Quốc sử dụng chính sách thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt. Tại Trung Quốc, thách thức về an sinh xã hội thậm chí còn phức tạp hơn.

Gánh nặng an sinh xã hội

Tại Nhật Bản, ngân sách dành cho hệ thống an sinh xã hội đã phình lên nhanh trong hai thập kỷ qua, buộc chính phủ phải vay nợ để duy trì hệ thống này. Nợ công của Nhật Bản giờ đây đã cao gấp đôi GDP của nước này, khiến Nhật Bản trở thành nền kinh tế phát triển vay nợ nhiều nhất.

Khi dân số giảm, tăng trưởng kinh tế trì trệ, đầu tư suy yếu và tiết kiệm “lên ngôi”, lãi suất sẽ giảm sâu. Và khi tốc độ tăng trưởng kẹt ở mức trên dưới 1% trên năm và lãi suất dài hạn bị kìm hãm ở mức thấp, Ngân hàng trung ương Nhật Bản khó có thể cắt giảm lãi suất thêm để kích thích nền kinh tế.

Tỷ lệ nợ công trên GDP của Hàn Quốc thấp hơn so với Nhật Bản nhưng một phần lo do nước này hạn chế ngân sách an sinh xã hội cho người về hưu. Tỷ lệ nghèo khổ ở nhóm dân số Hàn Quốc trong độ tuổi 66-75% chạm mức 39% vào năm 2015, so với mức 17% ở Nhật Bản và 18% ở Mỹ.

Ngân sách dành cho các chương trình an sinh xã hội của Hàn Quốc chỉ chiếm 7,7% GDP của nước này vào năm 2015 so với mức 18,7% ở Nhật Bản. Song tỷ lệ này ở Hàn Quốc được dự báo tăng lên 17,9% vào năm 2050. Do vậy, năm ngoái, chính phủ Hàn Quốc cảnh báo quỹ lương hưu quốc gia sẽ vỡ vào năm 2057 trừ phi phải đưa ra các biện pháp hành động.

Ở Trung Quốc, chi phí an sinh xã hội chỉ chiếm 6,3% GDP của nước này trong năm 2015 và được dự báo tăng lên 16,5% vào năm 2050. Trung Quốc đã triển khai hệ thống thế chấp đảo ngược (reverse mortgage), cho phép người già thế chấp căn nhà của họ để nhận tiền hưu hàng tháng. Tuy nhiên, rất ít người già sử dụng cách làm này.

Với một món thế chấp nhà cửa thông thường, chủ nhà hằng tháng trả một khoản tiền cho ngân hàng cho vay. Tuy nhiên, với một món thế chấp đảo ngược, ngân hàng cho vay hằng tháng sẽ trả tiền cho chủ nhà.  Trong trường hợp chủ nhà dọn đi nơi khác hoặc qua đời, căn nhà sẽ được bán để trả nợ cho ngân hàng.

Lê Linh