|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

OECD: Tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi châu Á giảm còn 6,3% trong giai đoạn 2018 - 2022

14:58 | 14/11/2017
Chia sẻ
Theo OECD, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại trong giai đoạn 2018 - 2022, trong khi Ấn Độ và Đông Nam Á tăng lên. 
oecd tang truong cua cac nen kinh te moi noi chau a giam con 63 trong giai doan 2018 2022
Báo cáo từ OECD cho hay, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ chậm lại trong 5 năm tới. Ảnh: Reuters

Báo cáo từ Trung tâm Phát triển Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết, tăng trưởng kinh tế tại các nền kinh tế mới nổi sẽ duy trì ổn định trong năm nay trước khi giảm trong trung hạn, vì tăng trưởng của Trung Quốc sẽ thụt lùi trong 5 năm tới.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tại các quốc gia mới nổi châu Á, gồm cả Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ, được dự báo tăng trưởng ở mức 6,4% trong năm 2017 theo giá trị thực, không thay đổi so với năm ngoái, và đạt trung bình 6,3% trong giai đoạn 2018 – 2022.

Từ năm 2011 – 2015, tăng trưởng GDP của các nước mới nổi châu Á là 7,1%.

“Tăng trưởng của khu vực cũng được dự báo sẽ duy trì bền vững trong trung hạn. Trong khi tăng trưởng tại Trung Quốc sẽ chậm lại, và được dự đoán sẽ thụt lùi sau Ấn Độ. Những thách thức về cải cách cơ cấu ở Trung Quốc cho thấy tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại từ mức đạt được trong giai đoạn 2011 – 2015”, báo cáo của OECD chỉ ra.

Tiết chế công suất dư thừa và duy trì sự ổn định của thị trường tài chính là những nhân tố chính ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng của Trung Quốc. OECD dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ đạt 6,2% trong giai đoạn 2018 - 2022, giảm từ mức trung bình 7,9% trong năm 2011 – 2015.

“Thách thức lớn trong nước đối với Trung Quốc là theo đuổi việc cải cách một cách tập trung đối với thị trường tài chính và công suất công nghiệp, trong khi đảm bảo nền kinh tế không mất đi động lực đáng kể”, OECD cho biết.

Mặt khác, Ấn Độ sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình 7,3% trong trung hạn, tăng từ mức 6,8% trong giai đoạn 2011 – 2015, bất chấp những hạn chế từ việc cải cách kinh tế. Chi tiêu tiêu dùng và đầu tư sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2018 – 2022, sau khi những quy định về hạn chế quyền chủ sở hữu tại nước ngoài được nới lỏng tại một số quốc gia. Bên cạnh đó, OECD cũng nói rằng tăng chi tiêu chính phủ cũng có thể thúc đẩy tăng trưởng.

Tăng trưởng tại Hiệp hiệp Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng sẽ tăng trong trung hạn. Nhóm khu vực được dự báo tăng trưởng 5,2% so với mức 5,1% trong giai đoạn 2011 – 2015. Chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh và nhiều dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng của khu vực trong năm 2018 – 2022.

Campuchia, Lào và Myanmar được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, trong khi Philippines sẽ dẫn đầu về tăng trưởng trong số 5 nền kinh tế đang phát triển lớn nhất của khu vực.

Bất chấp những dự báo tăng trưởng tích cực cho các nền kinh tế mới nổi châu Á, OECD cảnh báo khu vực phải cẩn thận với những rủi ro tiềm tàng. Những rủi ro này gồm việc bình thường hóa chính sách tiền tệ nhanh hơn ước tính tại các nền kinh tế phát triển, nợ tư nhân tăng nhanh và chủ nghĩa bảo hộ.

Lyly Cao