Dân số 96,2 triệu người, thị trường chứng khoán Việt Nam có gần 2,3 triệu tài khoản
Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: UBCKNN
Ngày 15/7/2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 và chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2019.
Theo Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Văn Hoàng, trong nửa đầu năm 2019, mặc dù thị trường chứng khoán thế giới có nhiều biến động nhưng với sự hỗ trợ từ thông tin kinh tế vĩ mô trong nước tích cực, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đạt được một số kết quả nhất định.
Trên thị trường cổ phiếu, TTCK Việt Nam tăng trưởng cao hơn so với một số nước trong khu vực với mức tăng 6,4% của VN-Index. Quy mô vốn hóa của thị trường đạt 4,34 triệu tỷ đồng, tăng 9,7% so với năm 2018, tương ứng với 78,5% GDP của năm 2018, vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra đến năm 2020.
Số lượng tài khoản của nhà đầu tư cũng tiếp tục gia tăng, đạt hơn 2,28 triệu tài khoản, tăng 4,7% so với cuối năm 2018, trong đó số lượng tài khoản của NĐTNN tăng 7%.
Trên thị trường trái phiếu, tính đến ngày 28/06/2019, thị trường này có 534 mã trái phiếu niêm yết với tổng giá trị đạt 1.124 nghìn tỷ đồng, tăng 0,2% so với cuối năm 2018 (tương đương 20,3% GDP).
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán phái sinh duy trì tốc độ tăng trưởng với số lượng tài khoản đầu tư. Tính đến cuối tháng 6/2019, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đạt 75.352 tài khoản, tăng 31% so với cuối năm 2018.
Về công tác huy động vốn và hoạt động đấu giá, trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị huy động vốn qua TTCK đạt hơn 150.000 tỉ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng về hoạt động đấu giá, từ đầu năm đến nay, 2 Sở GDCK đã tổ chức 26 phiên đấu giá cổ phần hóa và thoái vốn, tổng giá trị bán được là 4.146 tỉ đồng, tỉ lệ thành công đạt 84%.
Nhờ sự đánh giá lạc quan của cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài với thị trường chứng khoán Việt Nam, dòng vốn của NĐTNN vẫn tiếp tục chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị ước đạt 1,2 tỉ USD.
Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng trao đổi với các đơn vị tại Hội nghị
Trong 6 tháng cuối năm, UBCKNN tập trung hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực quản lý, giám sát: tập trung hoàn thiện dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019); chủ động nghiên cứu, dự thảo các Nghị định và văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán (sửa đổi)..
Đồng thời, UBCK phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, điều hành TTCK, hoạt động giám sát và cưỡng chế thực thi nhằm bảo đảm an toàn cho TTCK.
Ngoài ra, UBCK sẽ triển khai các giải pháp phát triển và tái cấu trúc TTCK trong đó tập trung vào 6 nhóm giải pháp: tăng cung hàng hóa và cải thiện chất lượng nguồn cung; phát triển, nâng cao năng lực cho hệ thống các tổ chức trung gian thị trường; tái cấu trúc tổ chức thị trường, cơ sở hạ tầng, công nghệ; tái cấu trúc tổ chức thị trường, cơ sở hạ tầng, công nghệ; Nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; Cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán; Triển khai các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam từ hạng frontier market lên hạng emerging market trên bảng xếp hạng MSCI và FTSE.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho rằng, trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới chịu tác động chung của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chịu những ảnh hưởng nhất định nhưng nhìn chung vẫn duy trì được sự ổn định và phát triển.
Cho rằng nhiệm vụ của UBCKNN trong thời gian tới còn khá nặng nề, Thứ trưởng đề nghị UBCKNN tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là, hoàn thiện Luật Chứng khoán (sửa đổi) đảm bảo đạt được kết quả như kỳ vọng, tạo ra sự phát triển của "thế hệ hai" đối với thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thiện các Nghị định và văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán (sửa đổi) để đảm bảo đồng bộ trong thực hiện khi Luật có hiệu lực.
Hai là, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thuộc Bộ để trình Thủ tướng về việc thành lập Sở GDCK Việt Nam trên cơ sở sắp xếp lại Sở GDCK Hà Nội và Sở GDCK TP HCM để thống nhất thị trường giao dịch chứng khoán.
Ba là, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, gắn cổ phần hóa với niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán; kiểm tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp không tuân thủ quy định về niêm yết/đăng ký giao dịch sau cổ phần hóa.
Bốn là, tiếp tục phát triển các sản phẩm mới trên cơ sở Đề án Chính phủ về tái cơ cấu cũng như lộ trình phát triển các sản phẩm mới phù hợp thông lệ quốc tế.
Năm là, triển khai hệ thống công nghệ thông tin với các tính năng nghiệp vụ mới, chỉ đạo các Sở đảm bảo hệ thống đi vào vận hành đúng thời điểm đã định.
Sáu là, tập trung nâng cao công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bảy là, thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình, báo cáo Bộ, Chính phủ các giải pháp cần thiết để giữ vững sự phát triển của thị trường chứng khoán.
Tám là, đẩy nhanh quá trình thực hiện đề án nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ hạng thị trường cận biên lên hạng thị trường mới nổi trên bảng xếp hạng MSCI và FTSE.
Chín là, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các cơ chế, chính sách, các sản phẩm mới cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/