Đàm phán Mỹ - Trung bước sang ngày thứ hai, Washington phát tín hiệu muốn nhượng bộ

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent bắt tay Phó Thủ tướng Trung Quốc He Lifeng tại London, ngày 9/6/2025. (Ảnh: AFP).
Các nhà đàm phán thương mại Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục làm việc sang ngày thứ hai khi hai bên tìm cách xoa dịu căng thẳng về xuất khẩu công nghệ và đất hiếm, theo một quan chức Mỹ.
Đại diện của cả hai quốc gia đã kết thúc ngày đàm phán đầu tiên tại London sau hơn 6 giờ làm việc tại Lancaster House, một dinh thự có từ thế kỷ 19 gần Cung điện Buckingham.
Các cuộc đàm phán kết thúc vào khoảng 20h theo giờ London. Các nhà đàm phán sẽ nhóm họp trở lại vào 10h sáng ngày 10/6 tại thủ đô nước Anh, vị quan chức chia sẻ với Bloomberg.
Ở diễn biến khác, phát biểu trước các phóng viên tại Nhà Trắng vào ngày 9/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay: “Chúng tôi đang làm việc thuận lợi với Trung Quốc. Trung Quốc không dễ đối phó. Tôi chỉ nhận được các báo cáo tốt”.
Phái đoàn Mỹ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Scott Bessent dẫn đầu, cùng Bộ trưởng Bộ Thương mại Howard Lutnick và Đại diện Thương mại Jamieson Greer.
Ông Bessent nói với các phóng viên tại London rằng hai bên vừa có một “cuộc họp tích cực” và ông Lutnick nhận định các cuộc thảo luận “mang đến kết quả”.
Phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng He Lifeng dẫn đầu. Ông He rời khỏi địa điểm đàm phán mà không bình luận gì với giới truyền thông. Đi cùng ông là Bộ trưởng Bộ Thương mại Wang Wentao và cấp phó Li Chenggang.
Theo Bloomberg, Mỹ đã ra hiệu sẵn sàng gỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu đối với một số mặt hàng công nghệ để đổi lấy sự đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ nới lỏng các hạn chế đối với đất hiếm.
Đất hiếm là nhóm vật liệu quan trọng đối với nhiều sản phẩm năng lượng, quốc phòng và công nghệ, bao gồm cả điện thoại thông minh, máy bay chiến đấu và lò phản ứng hạt nhân. Trung Quốc hiện chiếm gần 70% sản lượng đất hiếm toàn cầu.
Cụ thể, chính quyền ông Trump dự kiến sẽ dỡ bỏ một loạt biện pháp đối phó gần đây nhắm vào phần mềm thiết kế chip, bộ phận động cơ máy bay, hoá chất và vật liệu hạt nhân, nguồn tin của Bloomberg cho hay.
Nhiều trong số những động thái kể trên được triển khai trong vài tuần gần đây, khi căng thẳng giữa hai siêu cường kinh tế lớn nhất thế giới bùng nổ.
Tuy nhiên, ông Trump không cam kết về việc dỡ bỏ các lệnh hạn chế xuất khẩu. Vị tổng thống nói với các phóng viên rằng “chúng tôi sẽ xem xét” khi được hỏi về khả năng thực hiện một động thái như vậy.
“Trung Quốc đã bóc lột Mỹ trong nhiều năm”, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh, đồng thời nói thêm rằng “Mỹ muốn mở cửa Trung Quốc”.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC vào đầu tuần, ông Kevin Hassett - Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia - cho biết chính quyền ông Trump hy vọng “sau cái bắt tay” ở London, “các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ sẽ nới lỏng và Trung Quốc sẽ giải phóng đất hiếm với số lượng lớn”.
Bình luận của ông Hassett từ Washington là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy Mỹ sẵn sàng nhượng bộ, dù vị quan chức nói thêm rằng Mỹ sẽ không nới lỏng hạn chế xuất khẩu đối với những con chip AI tiên tiến nhất do Nvidia sản xuất.
Vòng đàm phán thương mại đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra cách đây một tháng tại Geneva, Thuỵ Sỹ. Sau các cuộc đàm phán đó, hai nước đã đồng ý giảm mạnh thuế quan lên hàng hoá của nhau trong 90 ngày.
Bất chấp thoả thuận đình chiến, hoạt động thương mại giữa hai bên vẫn không phục hồi vào tháng 5. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2020 vào tháng 5, trong khi nhập khẩu hàng hoá từ Mỹ lao dốc gần 20%.