|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đại gia hàng tiêu dùng Mỹ “khốn khổ” trong cuộc đua giảm giá sản phẩm

09:08 | 05/02/2018
Chia sẻ
Khi mà những nhà kinh doanh như Wal-Mart hay Amazon ngày một mạnh hơn, họ tạo ra sức ép khiến các công ty sản xuất không ngừng giảm giá sản phẩm nếu muốn tồn tại. 
dai gia hang tieu dung my khon kho trong cuoc dua giam gia san pham
Ảnh: USA Today

Một tuần sau khi Nelson Peltz tung ra 3,5 tỷ USD mua cổ phần tại Procter & Gamble và đánh dấu vụ hợp tác đầu tiên giữa nhà đầu tư tỷ phú và “đại gia” trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, P&G đã có những thay đổi đầu tiên, Financial Times đưa tin.

Sau nhiều năm để mất thị phần vào tay những đối thủ như Dollar Shave Club, P&G thông báo hãng sẽ giảm giá sản phẩm Gillette khoảng 20%. Các chuyên gia phân tích thị trường thuộc Barclays khẳng định P&G đã đưa ra một động thái đầy tuyệt vọng.

Theo tỷ phú Peltz, P&G cần làm như vậy bởi hãng cần giành lại khách hàng, và P&G cần phải làm điều đó kể cả khi hãng phải chấp nhận không còn được biết đến với toàn những sản phẩm cao cấp. Theo lý giải của Gillette trên website, việc giảm giá có nghĩa là: “Bạn kêu hàng của chúng tôi quá đắt, và chúng tôi đang lắng nghe đây.”

Và chẳng riêng P&G. Nhiều siêu thương hiệu đang thống trị ngành hàng kinh doanh rau tại các cửa hàng và trên mạng cũng đang cạnh tranh nhau quyết liệt về giá cả.

Ba tháng cuối cùng của năm 2017, lần đầu tiên trong 6 năm, người tiêu dùng chứng kiến giá cả các loại sản phẩm do P&G và Colgate-Palmolive giảm, đặc biệt giá dao cạo và tã trẻ em. Cạnh tranh trong hai dòng sản phẩm này tăng quá cao.

Tình hình kinh doanh của đối thủ cũng không khác nhiều. Hãng đối thủ Kimberly-Clark công bố sa thải 5.000 nhân viên, trước đó hãng cũng phải công bố giảm giá nhiều sản phẩm trong đó có tã trẻ em.

Hãng sản xuất bánh Oreo và bánh Ritz, Mondelez International cũng thông báo giá của hai loại mặt hàng này giảm trung bình 1,5% trong năm qua, tuy nhiên giá bán hàng tại hai thị trường lớn nhất bao gồm Bắc Mỹ và châu Âu giảm sâu nhất.

Tin này có thể khiến nhiều người tiêu dùng cảm thấy vui. Thế nhưng tại những doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới, cuộc chạy đua giảm giá sẽ khiến họ ngày một khó khăn, theo nhận định của chuyên gia thị trường thuộc Societe Generale.

Từ trước đó, hoạt động kinh doanh của các công ty sản xuất hàng tiêu dùng cũng đã không dễ dàng gì bởi chịu quá nhiều sức ép từ các công ty bán lẻ lớn bao gồm Amazon và Walmart.

Riêng Amazon và Walmart mỗi năm bán 600 tỷ USD hàng hóa. Walmart không ngừng gây áp lực buộc công ty sản xuất phải giảm giá hàng bán. Cùng lúc đó, sự trỗi dậy của Amazon cũng khiến cho các công ty sản xuất cảm thấy mệt mỏi hơn dù họ bán được hàng.

Cuộc chạy đua ép nhà sản xuất đã khiến môi trường kinh doanh của Mỹ ngày một khó khăn hơn, theo nhận xét của các chuyên gia thuộc Societe Generale.

Và khi mà Amazon mua lại Whole Foods vào tháng 6/2018, cuộc chiến giá cả ngày một căng thẳng hơn trong ngành kinh doanh rau quả, giá rơi xuống mức thấp kỷ lục khiến các nhà sản xuất ngày một khó khăn.

Và khi cuộc chiến giảm giá giữa các nhà kinh doanh ngày một căng thẳng hơn, người tiêu dùng cũng không còn trung thành như trước. Trong tay họ giờ đây có đầy đủ các công cụ để so sánh giá cả trực tuyến, khi có nhiều lựa chọn hơn, lập tức họ chuyển sang mua các sản phẩm giá rẻ hơn hoặc đang được hạ giá, đặc biệt với sản phẩm kiểu như xà phòng hay dầu gội đầu.

Để vẫn có thể tiếp tục bán hàng, các thương hiệu buộc phải chấp nhận bán hàng với giá thấp hơn.

Theo tiết lộ của một số cựu nhân viên Amazon, công ty này sử dụng thuật toán để tìm hiểu về giá cả mà các đối thủ đang bán theo thời gian thực, và từ đó điều chỉnh giá hàng bán của hãng xuống mức thấp nhất so với đối thủ.

Trong khi phần lớn các thương hiệu lớn đã ký hợp đồng bán buôn sản phẩm với Amazon, bên bán hàng thứ ba trong khi đó lại cạnh tranh nhau về giá nhiều hơn nữa, chính vì vậy, cuộc chiến giá cả càng khốc liệt hơn.

Amazon có quá nhiều ảnh hưởng lên thị trường, chính vì vậy, không một nhà bán lẻ nào dám để mất lòng hãng này, bởi đơn giản, theo lý giải của giám đốc một công ty: “Nếu bạn có 200 triệu khách hàng trên Amazon, nếu bạn không chịu được luật chơi của Amazon, đơn giản 200 triệu khách hàng đó sẽ về tay người khác.”

Giờ đây, nhà đầu tư vẫn đang chờ kết quả kinh doanh từ ba công ty châu Âu lớn có sự hiện diện mạnh mẽ tại thị trường Mỹ bao gồm Nestle, L’Oreal và Reckitt Benckiser. Tuy nhiên, theo khẳng định của Nestle, tập đoàn thực phẩm Thụy Sỹ nổi tiếng với sản phẩm Kitkat và cà phê Nestle, cuộc chiến giảm giá đang gây ra nhiều áp lực giảm phát lên kinh tế Mỹ.