|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đại gia bán lẻ Pháp loại bỏ các sản phẩm tăng giá cao

22:15 | 05/01/2024
Chia sẻ
Các cửa hàng của Carrefour ở Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Bỉ sẽ không còn bán đồ uống có ga, khoai tây chiên giòn Lay's và Doritos cũng như ngũ cốc Quaker của PepsiCo từ tuần này do tăng giá "không thể chấp nhận được".

Theo tờ The Guardian, chuỗi siêu thị Carrefour của Pháp cho biết họ sẽ ngừng bán sản phẩm PepsiCo ở 4 nước châu Âu vì công ty này đã tăng giá quá cao.

Các kệ hàng tại Carrefours ở Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Bỉ ngày 4/1 sẽ treo biển thông báo không tiếp tục bán các sản phẩm của PepsiCo như đồ uống có ga, khoai tây chiên giòn Lay's và Doritos cũng như ngũ cốc Quaker "do mức giá tăng không thể chấp nhận được".

Một số thương hiệu của tập đoàn như Cheetos và 7Up đã không có mặt tại siêu thị Carrefour ở ngoại ô Auteuil của Paris vào hôm 4/1, trong khi những thương hiệu khác như Pepsi vẫn còn trên kệ.

Một tấm biển trên kệ của sản phẩm PepsiCo Lay's tại siêu thị Carrefour viết: "Chúng tôi không còn bán nhãn hiệu này nữa do mức giá tăng không thể chấp nhận được". (Ảnh: Reuters).

Tại một siêu thị Carrefour ở Paris, khách hàng đã rất hoan nghênh động thái này. “Tôi không ngạc nhiên chút nào.Tôi nghĩ sẽ có rất nhiều sản phẩm còn sót lại trên kệ vì chúng đã trở nên quá đắt", một khách hàng cho biết.

PepsiCo đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Hồi tháng 10, công ty Mỹ thông báo sẽ tăng giá “khiêm tốn” trong năm nay do nhu cầu vẫn cao bất chấp việc giá đã tăng, dẫn đến việc PepsiCo phải nâng dự báo lợi nhuận năm 2023 lần thứ ba liên tiếp.

Trong suốt năm qua, các nhà bán lẻ thực phẩm ở một số quốc gia, trong đó có Đức và Bỉ, đã thông báo họ đã ngừng đặt hàng từ các công ty hàng tiêu dùng do giá tăng. Điều này được xem là một chiến thuật trong các cuộc đàm phán khi lạm phát đang có những ảnh hưởng nhất định.

Carrefour là một trong những nhà bán lẻ tích cực nhất trong việc đối đầu với các công ty sản phẩm tiêu dùng và thực phẩm lớn về giá cả. Năm ngoái, tập đoàn đa quốc gia của Pháp đã bắt đầu chiến dịch “giảm phát” bằng cách dán cảnh báo tại kệ hàng có những sản phẩm tăng giá và thu nhỏ kích thước.

Trong nỗ lực giảm lạm phát, chính phủ Pháp yêu cầu các nhà bán lẻ và nhà cung cấp hoàn tất các cuộc đàm phán giá hàng năm vào tháng 1, sớm hơn hai tháng so với thông thường.

Pháp là một trường hợp đặc biệt ở châu Âu vì họ áp dụng các quy định chặt chẽ đối với ngành bán lẻ, buộc các siêu thị chỉ được đàm phán giá một lần mỗi năm với các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống. Mục đích chính là bảo vệ ngành nông nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, đợt đàm phán cuối cùng diễn ra vào đầu năm ngoái - đúng thời điểm khủng hoảng lạm phát lên đến đỉnh điểm, đã dẫn đến mức tăng giá chung rất cao. Điều này khiến doanh thu của các siêu thị bị ảnh hưởng và họ đang rất mong muốn đàm phán giảm giá trong đợt sắp tới.

Ông James Walton, Nhà kinh tế trưởng tại Viện Phân phối Thực phẩm, cho biết: "Các siêu thị Pháp sẵn sàng loại bỏ các sản phẩm nếu họ không hài lòng với thỏa thuận đạt được. Tất nhiên, đó là lựa chọn cuối cùng, bởi vì không bên nào có lợi nếu những mặt hàng người tiêu dùng cần lại không có sẵn trên kệ".

Thuỳ Trang

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.