Đại diện doanh nghiệp nước ngoài nói gì về việc thu thuế trên YouTube, Facebook, Amazon?
Hiện nay, hoạt động giao dịch trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) diễn ra rất sôi động, đặc biệt sau dịch COVID-19 và Chính phủ thúc đẩy phong trào kinh tế số. Kéo theo đó, những vấn đề trong việc thu thuế trong môi trường số càng hiện hữu thêm, đặc biệt đối với các nhà cung cấp ở nước ngoài, không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam như YouTube hay Amazon.
Để giải quyết vấn đề này, ngày 22/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) phối hợp tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn một số quy định về quản lý thuế.
Trong đó tại Điều 84, Chương IX của dự thảo Thông tư có đề cập đến việc: "Nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam được coi là có cơ sở thường trú tại Việt Nam" là chủ đề rất đáng quan tâm.
Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam đã dẫn góp ý của Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho nội dung trên của dự thảo Thông tư, cho rằng khái niệm về "cơ sở thường trú" là chưa có trong một số luật về thuế của Việt Nam, trong đó có Luật Quản lý thuế.
Đơn vị này mong muốn các quy định trong Thông tư không đi ngược lại so với các chuẩn mực quốc tế, điều khoản của các hiệp định về thuế mà Việt Nam đã tham gia ký kết cũng như các luật trong nước về thuế đã ban hành về cách xác định, định nghĩa cụm từ "cơ sở thường trú".
Trong lĩnh vực này trên quy mô toàn cầu đã có một số diễn đàn, trong đó có khung khổ toàn diện của OECD, G20 về thuế và dịch chuyển lợi nhuận mà Việt Nam là thành viên của khung khổ toàn diện này. Do đó, AmCham mong muốn Việt Nam có kế hoạch đạt giải pháp chung về áp thuế cho các dịch vụ kỹ thuật số trong khuôn khổ OECD.
AmCham cũng cho biết các hội viên trong Hiệp hội hoạt động ở nhiều quốc gia khác nhau. Do đó, họ cần tính liên tục và đơn giản trong các quy định về thuế để tuân thủ.
Trong tài liệu đính kèm của VCCI về góp ý của các đại diện, phía Công ty kiểm toán Ernst & Young Việt Nam cho rằng đối với trường hợp nhà cung cấp nước ngoài có thu nhập phát sinh ở Việt Nam nhưng không từ hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng số thì dự thảo chưa đề cập (ví dụ: chuyển nhượng vốn gián tiếp, nhà thầu nước ngoài bán hàng qua kho ngoại quan ở Việt Nam cho các doanh nghiệp nước ngoài khác...).
Trong khi đó theo tài liệu góp ý của Tập đoàn Viettel, thực tế thị trường có nhiều nhà cung cấp nước ngoài đang ký các thỏa thuận với các nhà cung cấp nền tảng số hoặc tổ chức trung gian nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người mua ở Việt Nam trên nền tảng số và có các điều khoản thỏa thuận về việc tổ chức trung gian hoặc bên cung cấp nền tảng đứng ra thu tiền hoặc thuê lại một bên khác tại Việt Nam thu tiền.
Các bên khác này có thể là ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng (thường có ngân hàng đại lý tại Việt Nam), tổ chức trung gian thanh toán.
Do vậy, Viettel đề nghị bổ sung vào hướng dẫn tại khoản 1 Điều 84 về trường hợp nếu nhà cung cấp cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên nên tảng số có các thỏa thuận cho một bên nước ngoài làm đại diện cho các giao dịch thì bên nước ngoài đó có trách nhiệm trong việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế.
Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng trong lĩnh vực TMĐT, dự thảo Thông tư cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các sàn giao dịch TMĐT đối với việc khai thuế của người tham gia sàn TMĐT Việt Nam.
Các ý kiến khác của chuyên gia Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam; bà Hà Thị Tường Vy, Chi hội kế toán ngành nghề Việt Nam, cho rằng cần làm rõ về quy định khai thuế, tính thuế, phân bổ và nộp thuế giá trị gia tăng đối với đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh của người nộp thuế, chi phí và tiêu chí phân bổ thuế thu nhập doanh nghiệp...