|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đại biểu Triệu Tài Vinh: Nông sản Việt bị thương lái Trung Quốc chèn ép

06:57 | 04/11/2016
Chia sẻ
“Việt Nam có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc – một thị trường rất rộng lớn. Song vì chưa có những ký kết cụ thể với Trung Quốc do đó nông sản của Việt Nam thường xuyên bị ép giá, lũng đoạn thị trường, tăng giá đột biến, dừng hợp đồng đột ngột...”, đại biểu Triệu Tài Vinh nói.
dai bieu trieu tai vinh nong san viet bi thuong lai trung quoc chen ep
Đại biểu Triệu Tài Vinh – Bí thư tỉnh ủy Hà Giang.

Thảo luận về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 tại Quốc hội ngày 3/11, đại biểu Triệu Tài Vinh – Bí thư tỉnh ủy Hà Giang đánh giá cao kết quả Chính phủ đạt được trong thời gian qua.

Đại biểu Vinh cho biết Hà Giang là tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn nghèo. Trong cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, ông Vinh cho hay, cử tri Hà giang luôn mong mỏi Đảng và Nhà nước quan tâm đến rà phá bom mìn, vấn đề đường biên giới…

Đặc biệt, cử tri Hà Giang mong muốn được đầu tư hơn nữa về cơ sở hạ tầng giao thông nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Riêng về vấn đề tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 -2020, đại biểu Triệu Tài Vinh cho biết ông muốn góp ý về tổ chức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.

“Việt Nam có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc – một thị trường rất rộng lớn. Song vì chưa có những ký kết cụ thể nào với Trung Quốc do đó nông sản của Việt Nam thường xuyên bị ép giá, lũng đoạn thị trường, tăng giá đột biến, dừng hợp đồng đột ngột...”, đại biểu Triệu Tài Vinh nói.

Do vậy theo đại biểu đoàn Hà Giang, ông đề xuất đẩy mạnh chương trình hợp tác biên giới, có các ký kết hai bên để hoạt động thương mại lành mạnh hơn.

Ngoài ra, kiến nghị về giải pháp triển khai phát triển kinh tế xã hội năm 2017, đại biểu Triệu Tài Vinh đề nghị tiếp tục đẩy mạnh tinh giảm biên chế, nâng cao năng suất lao động…

Cùng quan tâm đến vấn đề nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) phản ánh về tình trạng còn nhiều chính sách chưa phù hợp, trong đó có chính sách về đất đai, bất cập trong việc thực hiện việc dồn điền, đổi thửa chỉ giới hạn trong lý do về kinh tế mà quên đi những tác động về mặt xã hội.

Đại biểu này cho biết, khi thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế thế giới Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán nhiều hợp đồng thương mại tự do.

“Đây là cơ hội để doanh nghiệp tìm kiếm mở rộng thị trường, đặc biệt khi gia nhập thị trường toàn cầu yêu cầu của thị trường đối với nông dân, ngư dân đòi hỏi rất cao, nếu sản phẩm sản xuất ra không đáp ứng được chất lượng sẽ không bán được sản phẩm.

Tuy nhiên, những năm qua một lượng hàng lớn nông sản Việt Nam chủ yếu xuất sang thị trường dễ tính mà chưa thực hiện hiệu quả việc bứt phá để thâm nhập vào thị trường chất lượng cao nên việc xuất khẩu này luôn phải đối mặt với những rủi ro, bất trắc”, đại biểu Hải cho biết.

Để khắc phục được tình trạng này, đại biểu Hải đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành có liên quan chủ trì cùng các địa phương sớm có giải pháp hữu hiệu trong việc thực hiện nghiên cứu thị trường, thực hiện quy hoạch, có kế hoạch tổ chức lại sản xuất, quan tâm đúng mức vị trí của thị trường nội địa, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản, khắc phục tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào thị trường dễ tính để việc sản xuất, tiêu thụ nông sản trong thời gian tới diễn ra thuận lợi và đạt hiệu quả cao hơn...

N.Mạnh