|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đại biểu Quốc hội: Cần giải pháp hữu hiệu đối với xử lý nợ xấu

16:05 | 03/11/2016
Chia sẻ
Ngày 3/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017. Liên quan đến vấn đề nợ xấu, nhiều đại biểu cho rằng, do đó Quốc hội, Chính phủ cần phải có giải pháp hữu hiệu đối với xử lý nợ xấu.

Nhìn lại việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn vừa qua, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) ghi nhận, chúng ta đã tập trung xử lý các ngân hàng yếu kém và xử lý nợ xấu. Đi đôi với đó là chất lượng tín dụng được nâng cao và hệ thống bảo đảm an toàn.

Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Thị Hoa Ry, trong bối cảnh hiện thị trường mua bán nợ vẫn chưa hình thành, trong khi đó nợ xấu mới được phân vùng và chưa xử lý dứt điểm là điều đáng quan ngại. “Đề nghị Chính phủ có giải pháp hữu hiệu hơn để xử lý thực chất nợ xấu khi bán cho Công ty quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC) và đồng thời có kế hoạch kiểm tra, giám sát chặt chẽ để hạn chế phát sinh nợ xấu mới” – bà Ry nhấn mạnh.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cũng đánh giá cao nỗ lực của ngành Ngân hàng trong thời gian qua. Theo đó những tháng đầu năm, kinh tế gặp nhiều khó khăn do tăng trưởng chậm dẫn đến những thách thức cho ngành Ngân hàng trong điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, với nỗ lực của mình, ngành Ngân hàng đã điều hành chính sách tiền tệ đạt được kết quả khả quan trên mọi lĩnh vực như điều hành cung tiền, lãi suất, tỷ giá... Đặc biệt là việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu đã đạt kết quả bước đầu.

Tuy nhiên, đại biểu Trịnh Ngọc Phương nhận định, thực tế khả năng huy động các nguồn lực xã hội cho tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các TCTD còn hạn chế, từ đó dẫn đến tình hình nợ xấu đang là một nguy cơ cho phát triển kinh tế giai đoạn tiếp theo.

Thống nhất cao với những giải pháp mà Chính phủ đặt ra, tuy nhiên vị đại biểu của Tây Ninh đề nghị cần nhanh chóng xử lý một số vấn đề: Một là rà soát, đánh giá lại chất lượng và khả năng thu hồi các khoản nợ để có biện pháp thích hợp, đồng thời bổ sung hoàn thiện hồ sơ pháp lý tài sản bảo đảm. Hai là sửa đổi, bổ sung một số văn bản luật, dưới luật liên quan đến xử lý nợ xấu như Bộ luật dân sự về tiêu chí xác định thành viên hộ gia đình, về quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Ba là tăng cường tiềm lực tài chính để VAMC có thể xử lý tận gốc nợ xấu và triển khai thị trường thứ cấp trong mua bán nợ xấu. Bốn là cần có biện pháp mạnh đối với những khách hàng có khả năng trả nợ nhưng cố tình chây ỳ không trả.

Đức Nghiêm