|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Công đoàn làm chủ đầu tư NOXH, khi có vấn đề về chất lượng, ai sẽ lên tiếng?

16:05 | 26/10/2023
Chia sẻ
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, nếu Tổng Liên đoàn Lao động làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, vô hình chung vừa cung cấp, lại vừa giám sát thì không đảm bảo khách quan.

Liên quan những ý kiến trái chiều về vấn đề tổ chức công đoàn là chủ đầu tư nhà ở xã hội tại phiên thảo luận ở hội trường chiều 26/10 về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đặt câu hỏi công đoàn là đại diện cho người lao động nhưng lại trở thành chủ đầu tư thì khi chất lượng nhà ở có vấn đề, ai sẽ đại diện cho người lao động.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, hiện có hai luồng ý kiến về việc Tổng liên đoàn tham gia vào xây dựng nhà ở xã hội. Điểm tích cực là có thể gia tăng thêm nguồn cung nhà ở cho người lao động. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng khi chủ đầu tư nhà ở và người lao động gặp vấn đề về chất lượng công trình ai sẽ là người đứng ra phản biện.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, công đoàn là đại diện cho tiếng nói của người lao động nên để xảy ra thiếu nhà ở cho công nhân, công đoàn cũng phải chịu trách nhiệm.

Vì vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường đồng tình tổ chức công đoàn có thể là chủ đầu tư nhà ở cho người lao động nhưng chỉ với là những dự án mẫu để làm điển hình và để công đoàn làm cơ sở có tiếng nói với các cơ quan khác. 

"Vừa cung cấp, lại vừa giám sát thì vô hình chung sẽ không đảm bảo khách quan. Trong khi nếu giao cho cơ quan độc lập, rõ ràng Tổng Liên đoàn có vai trò giám sát, đại diện cho người lao động nói lên tiếng nói của mình", ông Cường nói.

Ông cho rằng, nên tính toán, cân nhắc không nên vì các bên cung cấp không tốt, không đủ mà Tổng Liên đoàn đứng ra làm thay vai trò của các doanh nghiệp bất động sản.

Liên quan đến tạo quỹ đất để phát triển nhà xã hội, ông Cường cho rằng đã là nhà ở xã hội, chính sách phải là nhà nước, phải có nguồn vốn lớn của Nhà nước để huy động. Đương nhiên, Nhà nước có thể dùng các công cụ chính sách để huy động như đơn vị kinh doanh nhà ở.

"Ví dụ chúng ta có quy định, dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Chúng ta không cần thiết phải ra áp dụng khiên cưỡng mà nên thay thế bằng đóng góp tiền 20% này vào Quỹ phát triển nhà ở xã hội để khoản tiền đó, để xây dựng nhà ở xã hội độc lập", đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Góp ý về quy định Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho nên mở rộng đối tượng được phép thuê nhà ở xã hội do Tổng liên đoàn đầu tư.

Bởi khi dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, bước vào giai đoạn vận hành cho thuê mà chỉ cho phép công nhân, người lao động thuê sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng công nhân, người lao động chưa có nhu cầu thuê hết, thì nhà cho thuê vẫn thừa mà nhiều đối tượng khác thuộc điều 76 có nhu cầu nhưng không thể thuê do không thuộc đối tượng “công nhân, người lao động”.

Vì vậy, đại biểu cho rằng, chỉ nên quy định “các dự án nhà ở xã hội do Tổng liên đoàn Lao động đầu tư thì ưu tiên cho đối tượng là công nhân, người lao động thuê”.

Bên cạnh đó, quy định điều kiện các dự án nhà ở xã hội do Tổng liên đoàn Lao động đầu tư phải xuất phát từ nhu cầu thực tế và dự báo nhu cầu thực tế của công nhân, người lao động tại địa bàn đầu tư dự án.

Hạ An

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.