Đà tăng của giá quặng sắt chưa khép lại, khó neo vững trên 200 USD/tấn nhưng vẫn rất cao
Đà tăng của quặng sắt chưa dừng lại
Ông Nicholas Snowdon, trưởng bộ phân phân tích kim loại cơ bản tại ngân hàng Goldman Sachs, cho biết: "Thật sai lầm khi cho rằng xu hướng tăng giá của quặng sắt đang trên đà khép lại".
Theo vị chuyên gia, đà tăng của quặng sắt bắt đầu với cú sốc nguồn cung sau thảm họa vỡ đập Brumadinho tại Brazil năm 2019. Vụ tai nạn gây ảnh hưởng lớn tới sản lượng của gã khổng lồ ngành khai khoáng Vale. Từ sau sự việc, giá quặng sắt thường xuyên nhảy vọt.
Hiện tại, giá của quặng sắt - nguyên liệu thô quan trọng dùng trong luyện thép, đang được hỗ trợ bởi nhu cầu rất mạnh mẽ. Song, các nhà cung ứng lại đang cố gắng không tăng sản lượng quá mức, khiến tồn kho rơi xuống mức thấp.
Giá quặng sắt giao sau tại Trung Quốc đã chạm mức cao kỷ lục trong năm nay. Theo ghi nhận của CNBC vào khoảng 15h ngày 16/7 (theo giờ Bắc Kinh), hợp đồng quặng sắt giao tháng 9 trên sàn Đại Liên đang duy trì quanh mức 1.241 nhân dân tệ (tương đương 192 USD)/tấn, tăng 1,88% so với đầu phiên.
Tại Diễn đàn Quặng sắt Singapore hồi đầu tuần, ông Snowdon dự đoán giá quặng sắt sẽ quay về "ngưỡng phù hợp" từ năm 2023 hoặc 2024.
Trung Quốc giảm nhu cầu thép cũng không hề hấn với quặng sắt
Theo chuyên gia phân tích Snowdon của Goldman Sachs, nhu cầu quặng sắt đang rất mạnh và xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm tới. Ông cho biết nhu cầu thép của Trung Quốc liên tục tăng trong ba năm qua, gây bất ngờ cho thị trường.
"Điều quan trọng là ngay cả khi Trung Quốc muốn giảm nhu cầu thép trong nửa cuối năm nay cũng như trong năm 2022, nhu cầu của các nước còn lại (đặc biệt là các thị trường phát triển) vẫn rất lớn", ông Snowdon nhấn mạnh.
Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của nhu cầu thép nhiều khả năng sẽ duy trì đến hết năm 2022, một phần vì thép là nguyên liệu thô quan trọng trong các kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng xanh, ông Snowdon nói thêm.
Tiếp tục, vị chuyên gia của Goldman Sachs cho biết nguồn cung hiện không nhích khi giá quặng sắt nhảy vọt lên các mức cao. Các nhà sản xuất đang e ngại tăng sản lượng vì phải hạn chế chi tiêu vốn.
"Trong hai đến ba năm tới, tốc độ tăng trưởng của nguồn cung thực chất sẽ chững lại so với hiện nay. Nguồn cung quặng sắt được dự đoán là sẽ không tăng mạnh, đây chính là chìa khóa chính cho triển vọng về giá", ông Snowdon giải thích.
Ông Rohan Kendall, trưởng bộ phận nghiên cứu quặng sắt tại Wood Mackenzie, cũng đưa ra nhận định tương tự.
"Các nhà sản xuất quặng sắt tại Australia đã khai thác gần như tối đa công suất sẵn có, vì vậy họ không thể mở rộng hoạt động trong tương lai gần", ông Kendall chia sẻ tại một cuộc họp thảo riêng.
Sản lượng quặng của Vale có thể vẫn còn bị hạn chế do tập đoàn này vẫn đang phải giải quyết các vấn đề liên quan tới thảm họa vỡ đập hai năm trước. Ông Kendall cho biết Vale vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn, dự kiến mất vài năm để xử lý.
Trong một tuyên bố đưa ra vào đầu tháng 2 năm nay, Vale đã đồng ý bồi thường 7 tỷ USD cho những thiệt hại trong vụ vỡ đập chất thải ở Brumadino năm 2019 khiến 270 người thiệt mạng.
Giá quặng sắt cao nhưng không vững
Trưởng bộ phận Rohan Kendall của Wood Mackenzie và chuyên gia phân tích Erik Hedborg của công ty dữ liệu hàng hóa CRU lưu ý rằng giá quặng sắt tuy cao nhưng không thể neo vững trên mốc 200 USD/tấn.
"Trong tương lai gần, khoảng 12 tháng tới chẳng hạn, tôi không nghĩ giá quặng sắt sẽ lao dốc. Song, mức giá trên 200 USD/tấn là không bền vững. Wood Mackenzie tin tưởng rằng giá quặng sắt sẽ duy trì đâu đó quanh mốc 150 USD/tấn", ông Kendall nói. Dù sao so với lịch sử của thị trường, mức giá như vậy là vẫn "rất cao", ông nhấn mạnh.
Ông Hedborg của CRU cũng đồng tin rằng giá quặng sắt vẫn sẽ duy trì ở mức khá cao. "Rõ ràng, 200 USD/tấn không phải là mức giá chúng tôi dự báo ngay bây giờ, nhưng CRU chắc chắn giá quặng sắt sẽ đạt trên 100 USD/tấn trong nửa cuối năm nay", ông Hedborg nói thêm.