Cơn sốt nguyên liệu sản xuất thép chưa hạ nhiệt
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thép như phôi thép, than mỡ, coke, điện cực đang có xu hướng tăng.
Cụ thể, giá phôi thép ngày 7/6 ở mức 681 USD/tấn CFR Đông Á, tăng khoảng 50 USD/tấn so với mức giá phôi thép thời điểm đầu tháng 5.
Giá than mỡ luyện cốc, xuất khẩu tại cảng Australia (giá FOB) ngày 7/6 premium hard coking coal có giá khoảng 167 USD/tấn, tăng mạnh 58 USD/tấn so với đầu tháng 5, trong khi đó giá cốc tại thị trường nội địa Trung Quốc tăng cao.
Mặc dù vậy, giá quặng sắt ngày 7/6 giao dịch ở mức 202,6 - 203 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc có xu hướng giảm nhẹ, giảm 8 - 9 USD/tấn so với thời điểm 7/5.
Trả lời TTXVN, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết nguyên liệu như quặng sắt, phế thép, nhiên liệu và vật liệu tiêu hao thường xuyên như than mỡ, coke, điện cực, trục cán, vật liệu chịu lửa… phục vụ cho sản xuất thép hầu hết được nhập khẩu nên thị trường thép Việt Nam chịu sự chi phối lớn từ thị trường toàn cầu.
"Diễn biến tăng giá gần đây do giá nguyên vật liệu sản xuất thép toàn cầu tăng bất thường, giá thép thô và thép thành phẩm trên thế giới đều tăng và diễn biến phức tạp, khó lường. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất thép trong nước", ông Đa nói.
Theo VSA, trong tháng 5, giá thép cuộn cán nóng HRC ngày 7/6 ở mức 900 USD/tấn, CFR cảng Đông Á, giảm khoảng 25 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 5.
Trong khi, giá bán thép xây dựng trong nước ở mức bình quân khoảng 17 – 17,5 triệu đồng/tấn, tiếp tục tăng so với tháng 4 và tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020.
Trước những diễn biến phức tạp của thị trường thép thế giới gây ảnh hưởng đến giá sản phẩm thép trong nước, VSA đã có văn bản khuyến nghị các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp bình ổn giá thép trong nước. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất để bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu trong nước.