Đã phá 1.400 các đường dây, tổ chức cho vay nặng lãi
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn - Ảnh: Quang Phúc
Trước đó, phiên chất vấn buổi sáng, đại biểu Nguyễn Thị Yến - Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, vấn nạn tín dụng đen, đòi nợ thuê, bảo kê, xã hội đen vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Đại biểu đề nghị Chính phủ cho biết trách nhiệm và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, tín dụng đen là vấn đề bức xúc của toàn xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn. Bộ Công an nhiều lần báo cáo, đề ra nhiều giải pháp khắc phục vấn đề này, trong đó có việc tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định 12 giải thích về vấn đề tội phạm liên quan tới tín dụng đen, hiện đang triển khai thực hiện.
Ông Lâm cho biết, Bộ Công an cũng có kế hoạch chuyên đề riêng để trấn áp tội phạm này. Kết quả, trong 6 tháng 2019, công an toàn quốc khởi tố 436 vụ với 766 bị can liên quan tội danh tín dụng đen, bảo kê, đòi nợ thuê.
Ngành công an cũng đã áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, làm tan rã nhiều băng nhóm tội phạm tín dụng đen trong toàn quốc.
"Theo thống kê của chúng tôi đã phá 1.400 các đường dây, tổ chức cho vay nặng lãi, có hoạt động liên quan tới tín dụng đen", Bộ trưởng trả lời đại biểu.
Tướng Tô Lâm đánh giá, do trấn áp mạnh nên tội phạm liên quan tới tín dụng đen đã được kiềm chế, giảm tính phức tạp so với trước đây, nhiều chỗ loại tội phạm này đã tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng thì tình hình bảo kê, tín dụng đen, đòi nợ thuê vẫn còn rất phức tạp, có nơi có lúc còn gây lo lắng trong nhân dân. Đáng lưu ý là loại hình cho vay ngang hàng qua mạng internet. Đây là tín dụng đen biến tướng sử dụng hoàn toàn qua không gian mạng đang có chiều hướng gia tăng và rất khó kiểm soát. Kể cả tiền ảo và tiền thật qua mạng internet để giao dịch tiền tệ, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Tướng Lâm, việc xử lý tội phạm tín dụng đen hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn do các đối tượng có nhiều thủ đoạn lách luật, và do cả vướng mắc cần sự phối hợp của các ngành tháo gỡ.
Giải pháp trong thời gian tới được Bộ trưởng nêu là tiếp tục duy trì khí thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan tới tín dụng đen trong chương trình kế hoạch đã đề ra, không chủ quan, chùng xuống khi kết quả đang rất tốt.
Bộ trưởng khẳng định, lực lượng công an cũng sẽ sử dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát danh sách, đấu tranh triệt phá các băng nhóm tội phạm tín dụng đen, bảo kê đòi nợ thuê ngay từ khi mới hình thành, không để hình thành các tổ chức, nhất là tổ chức tội phạm đồng thời điều tra xử lý nghiêm các tội phạm có liên quan tín dụng đen.
Giải pháp tiếp theo là ngành công an phối hợp với các bộ, ngành để ngăn ngừa tội phạm tín dụng đen, đặc biệt là với ngành ngân hàng.
Về băn khoăn của đại biểu là có hay không việc bảo kê của lực lượng chức năng cho đối tượng tín dụng đen này, Bộ trưởng "xin thưa qua điều tra cho tới nay chưa phát hiện trường hợp nào bao che, bảo kê các lực lượng tín dụng đen".
Bộ trưởng Công an cũng khẳng định quan điểm là xử lý nghiêm các trường hợp bảo kê hoặc có liên quan tới bảo kê, không có vùng cấm nào. "Nếu nhân dân và đại biểu Quốc hội chỉ ra được có những hoạt động vi phạm thì trao đổi thông tin, chúng tôi rất tích cực trong vấn đề này", Bộ trưởng nói.