|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cảnh báo việc băng nhóm 'tín dụng đen' đội lốt các công ty hợp pháp

08:20 | 04/06/2019
Chia sẻ
Triệt phá các băng nhóm "tín dụng đen" là một trong những mục tiêu quan trọng của lực lượng công an. Tuy nhiên, hoạt động của các băng nhóm này ngày càng trở nên phức tạp dẫn đến khó khăn trong quá trình xử lí.

Triệt phá 933 băng, nhóm tội phạm "tín dụng đen" trong 5 tháng đầu năm

Theo báo cáo về các vấn đề chất vấn trước Quốc hội, Bộ Công an xác định công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức, nhất là các băng nhóm hoạt động theo kiểu "xã hội đen" và các băng nhóm hoạt động "tín dụng đen" là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay.

Bộ Công an cho biết trong thời gian qua, lực lượng Công an đã tiến hành rà soát toàn quốc về các tổ chức, cá nhân, cơ sở hoạt động kinh doanh tài chính, cầm đồ, huy động vốn với lãi suất cao bất thường, tham gia họ, hụi, biêu, phường có dấu hiệu lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Trong năm 2018, Bộ Công an đã chỉ đạo mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc, trong đó trọng tâm là triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức liên quan đến hoạt động "tín dụng đen".

Công an các đơn vị, địa phương đã xử lý hơn 2.500 vụ việc liên quan đến "tín dụng đen"; trong đó khởi tố 34 vụ, với 66 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và 2.353 vụ án khác có liên quan (84 vụ giết người, 855 vụ cố ý gây thương tích, 105 vụ cướp tài sản và 1.309 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến "tín dụng đen").

Riêng trong 5 tháng đầu năm 2019, lực lượng Công an đã triệt phá 933 băng, nhóm tội phạm. Trong đó, đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm từ 16/12/2018 đến  15/02/2019, đã triệt phá 436 cơ sở, khởi tố 12 vụ, 358 bị can liên quan "tín dụng đen".

Một số vụ điển hình về đường dây, băng nhóm cho vay lãi nặng, siết nợ, đòi nợ thuê, điển hình như: Vụ phá đường dây cho vay lãi nặng, tạm giữ hình sự 11 đối tượng, thu giữ 11 tỉ đồng, 3 xe ô tô tại Hà Nội; vụ triệt phá nhóm đối tượng hoạt động tín dụng đen núp dưới danh nghĩa Công ty Tài chính Nam Long, bắt giữ 18 đối tượng thuộc 32 chi nhánh ở nhiều địa phương tại Thanh Hóa...

Những kết quả này đã kiềm chế, làm cho hoạt động của tội phạm có tổ chức nói chung, các băng nhóm liên quan đến "tín dụng đen" nói riêng không còn manh động, công khai như trước.

Băng nhóm 'tín dụng đen' đội lốt các công ty hợp pháp

Mặc dù đã bị trấn áp quyết liệt, tuy nhiên tình hình hoạt động của các băng nhóm tội phạm hình sự theo kiểu "xã hội đen", các băng nhóm hoạt động "tín dụng đen" vẫn tiềm ẩn phức tạp trở lại.

Bộ Công an chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến tình hình này. 

Thứ nhất là do nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp ngày càng gia tăng trong khi các hình thức tín dụng của Nhà nước còn khó tiếp cận nên các cá nhân, tổ chức đến vay vốn tại các cơ sở tín dụng không chính thức, các điểm cho vay lãi nặng. 

Bên cạnh đó, một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ ham mê cờ bạc, cá độ, game online đã vay lãi nặng để sử dụng vào các mục đích không chính đáng của bản thân, khi cần thì lãi suất cao cũng chấp nhận vay.

Thứ hai, công tác đấu tranh với các băng nhóm tội phạm liên quan đến "tín dụng đen" còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các băng nhóm hoạt động "tín dụng đen" thường gắn với tội phạm có tổ chức và xu thế tạo vỏ bọc hợp pháp dưới hình thức các cơ sở kinh doanh tài chính, công ty, doanh nghiệp để hoạt động. Một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đang hoạt động còn nhiều vi phạm liên quan đến an ninh, trật tự như đòi nợ bằng hình thức "khủng bố tinh thần", cấu kết với băng nhóm tội phạm giữ người trái pháp luật để đòi nợ.

Các đối tượng này hoạt động với thủ đoạn rất tinh vi, khi cho vay không thể hiện lãi suất công khai trên giấy tờ. Khi các "con nợ" vay tiền, chúng dùng các hợp đồng giả như hợp đồng, uỷ quyền mua bán, thuê xe ôtô, xe máy, mua bán nhà đất… để "đảm bảo" khoản vay, khi "con nợ" mất khả năng thanh toán sẽ tổ chức siết nợ, hoặc gửi đơn lên cơ quan bảo vệ pháp luật yêu cầu khởi tố, xử lý theo thỏa thuận của hợp đồng... gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi chứng minh hành vi cho vay lãi nặng. 

Bên cạnh đó, việc vay - cho vay tiền, tài sản, huy động vốn là quan hệ dân sự tự nguyện có sự thoả thuận của hai bên, thường diễn ra "âm thầm", đến khi người vay tiền không trả được nợ, bị các băng nhóm tội phạm đe dọa, bắt giữ, đánh đập, khủng bố tinh thần... thì vụ việc mới được trình báo.

Mặt khác, tội "cho vay nặng lãi" trong giao dịch dân sự là tội phạm ít nghiêm trọng, trong nhiều vụ án khi khởi tố điều tra, Viện kiểm sát không phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam nên khó khăn trong công tác điều tra, mở rộng băng nhóm tội phạm. Hiện nay, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của các ngành Tư pháp Trung ương về xử lí vi phạm hành chính đối với hành vi cho vay nặng lãi.

Trúc Minh