|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đã đến lúc kết thúc chính sách đặt trọng tâm vào xuất khẩu lúa gạo?

09:40 | 29/09/2016
Chia sẻ
Điều mà ngành nông nghiệp Việt Nam cần làm hiện tại là hoạch định một hướng phát triển mới, thay vì chính sách đặt trọng tâm vào xuất khẩu lúa gạo như những năm qua – một chính sách không những kém hiệu quả, mà còn đang ngày càng lâm vào ngõ cụt và không có tương lai.

Nông nghiệp hiện đang là một trong những lĩnh vực được đánh giá là có mức độ thúc bách tiến hành cải cách cao nhất ở thời điểm hiện tại trong nền kinh tế Việt Nam, vì đây đang là lĩnh vực mà Việt Nam tụt hậu nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới so với các ngành chủ lực khác như công nghiệp hay dịch vụ. Phải đến một cuộc hội thảo gần đây vấn đề cho phép tích tụ ruộng đất mới bắt đầu hé mở, trong khi đây là điều căn bản nhất cho một nền nông nghiệp hiện đại và phát triển, vốn đã được diễn ra từ rất lâu tại các nước trong khu vực.

Và trong khi chờ đợi Nhà nước chính thức cho phép doanh nghiệp tích tụ ruộng đất, thì điều mà ngành nông nghiệp Việt Nam cần làm hiện tại là hoạch định một hướng phát triển mới, thay vì chính sách đặt trọng tâm vào xuất khẩu lúa gạo như những năm qua – một chính sách không những kém hiệu quả, mà còn đang ngày càng lâm vào ngõ cụt và không có tương lai.

Những dấu hiệu cho thấy sự tụt dốc không phanh của chính sách đặt trọng tâm vào xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam đang xuất hiện với một mật độ khá dày đặc trong thời gian vừa qua. Đầu tiên là việc giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam 7 tháng đầu năm nay đã chính thức vượt qua xuất khẩu lúa gạo (trong đó xuất khẩu rau quả đạt 1,35 tỉ USD so với 1,32 tỉ USD của xuất khẩu lúa gạo). Việc một ngành sản xuất nông nghiệp chủ lực chiếm tới 80-90% diện tích canh tác nông nghiệp của cả nước lại có giá trị xuất khẩu thua kém so với một ngành khá non trẻ, ít được đầu tư hơn như rau quả là một điều khó có thể chấp nhận.

Trên thực tế, với các chuyên gia trong ngành, thì đây là kết quả đã được dự báo trước từ lâu, trong khoảng 3-4 năm trở lại đây tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu của mặt hàng rau quả luôn lên tới 30-40%/năm, thì tăng trưởng xuất khẩu của lúa gạo lại có xu hướng sụt giảm chứ không tăng. Về lâu dài, tiềm năng của xuất khẩu rau quả cũng lớn hơn xuất khẩu lúa gạo rất nhiều, khi theo số liệu báo cáo từ tổ chức Lương thực thế giới (FAO) năm 2010 thì độ lớn của thị trường nhập khẩu gạo thế giới chỉ là khoảng 17 tỉ USD, trong khi của thị trường nhập khẩu rau quả thì lên tới 97 tỉ USD (theo The Saigon Times).

Những con số thống kê về tình hình xuất khẩu lúa gạo 8-9 tháng đầu năm nay cũng đang chỉ ra một thực tế khá cay đắng đối với Việt Nam. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vào ngày 26.9 vừa qua, thì xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt 3,76 triệu tấn, giá trị đạt 1,69 tỉ USD, tức giảm 16,4% về lượng và giảm 12,5% về giá trị so với cùng kỳ 2015 (theo CafeF). Đây là một trong những tỷ lệ sụt giảm mạnh nhất đối với ngành xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây.

Có khá nhiều lý do cho sự sụt giảm nghiêm trọng cả về lượng lẫn giá trị của xuất khẩu gạo Việt Nam 9 tháng đầu năm 2016. Trước hết là ở việc chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng không đáp ứng được yêu cầu và tiêu chuẩn của các thị trường trên thế giới, kể cả các thị trường chủ lực và truyền thống như Trung Quốc. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, thì hiện tại dù Trung Quốc vẫn xếp số một về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với thị phần khoảng 35%, nhưng trong 8 tháng đầu năm nay xuất khẩu gạo sang Trung Quốc chỉ đạt 1,18 triệu tấn và đạt giá trị 538 triệu USD, giảm 21,4% về lượng và 12,3% về giá trị so với cùng kỳ 2015 (theo The Saigon Times).

Lý do chủ yếu là vì phía Trung Quốc xiết chặt việc nhập khẩu gạo qua biên giới theo đường tiểu ngạch, chỉ cho phép theo đường chính ngạch. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là do Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với gạo xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Yêu cầu này của phía Trung Quốc cho thấy những quy định và tiêu chuẩn về chất lượng đối với gạo nhập khẩu của thị trường này đang ngày càng tăng lên, và lúa gạo của Việt Nam lại không được đánh giá cao về mặt này, khi hiện nay chưa có một công ty khử trùng và giám định nào của chúng ta được Trung Quốc công nhận để khử trùng gạo xuất khẩu sang nước này.

Điều tương tự cũng diễn ra trước đó tại các thị trường xuất khẩu gạo lớn khác của Việt Nam, khi gạo của chúng ta ngày càng bị từ chối do vấn đề về chất lượng trong khi các yêu cầu và rào cản kỹ thuật tại những thị trường này rất cao. Điển hình là tại Mỹ, nếu như năm 2014 Việt Nam vẫn xuất khẩu được 70.000 tấn vào thị trường này thì đến năm 2015 chỉ còn khoảng 44.000 tấn; thị trường EU cũng vậy, nếu như năm 2013 Việt Nam xuất khẩu được 24.000 tấn thì đến năm 2014 chỉ còn 20.000 tấn, và sang năm 2015 giảm xuống 18.000 tấn. Tại thị trường Nhật Bản, từ thời điểm cuối năm 2013 chúng ta đã không còn xuất khẩu được gạo sang nước này (theo The Saigon Times).

Ngoài nguyên nhân về chất lượng thấp và không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của hầu hết các thị trường trên thế giới, thì một lý do quan trọng khác khiến cho xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam sa sút mạnh, là vì số đối thủ cạnh tranh ngày càng nhiều. Số các quốc gia xuất khẩu gạo có thể cạnh tranh với Việt Nam đang ngày càng nhiều hơn, ngoài Thái Lan còn có Ấn Độ, Campuchia. So với các nước này, lúa gạo của Việt Nam có chất lượng thấp hơn, mà giá cả và chi phí vận chuyển lại có phần cao hơn, nên bị mất dần thị phần. Ngoài ra, độ lớn thị trường nhập khẩu gạo thế giới chỉ có hạn, trong khi nguồn cung thì ngày càng nhiều là lý do khiến giá gạo sụt giảm mạnh là điều dễ hiểu.

Những nguyên nhân trên cho thấy, xuất khẩu lúa gạo đang ngày càng khó khăn hơn, bị cạnh tranh quyết liệt hơn, trong khi giá cả lại có xu hướng ngày càng thấp hơn còn độ lớn thị trường thì lại giảm đi. Rõ ràng, việc tiếp tục theo đuổi chính sách đặt trọng tâm vào xuất khẩu lúa gạo mà Việt Nam đã làm như những năm qua đã không còn phù hợp nữa. Dù chúng ta có cải cách nền nông nghiệp, đưa vào sản xuất lớn để tăng chất lượng và giảm giá thành để cạnh tranh tốt hơn thì cũng không nên lựa chọn lúa gạo làm mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực nữa.

Sản xuất lúa gạo ở Việt Nam hiện tại và trong tương lai chỉ nên đáp ứng nhu cầu đảm bảo nguồn cung lương thực trong nước mà thôi, và nên dành nguồn lực đầu tư vào những ngành sản xuất nông sản có chất lượng và giá trị xuất khẩu cao hơn. Thị trường nhập khẩu gạo thế giới hiện đã bão hòa, còn thị trường nhập khẩu các loại nông sản giá trị cao hơn như rau quả thì vẫn còn rất nhiều khoảng trống và cơ hội; và Việt Nam cần phải là người đi trước trong xu hướng mới này thì mới có hy vọng thành công.

Theo Nhàn Đàm

Báo Một thế giới