Đã có 22 tổ chức tín dụng ứng dụng VNeID cho xác thực giao dịch thanh toán
Đã có 26,3 triệu hồ sơ khách hàng được thu thập, đối chiếu thông tin sinh trắc học với căn cước công dân (CCCD) gắn chip. Có 22 tổ chức tín dụng và 13 trung gian thanh toán đang triển khai ứng dụng VNeID cho 3 luồng quy trình nghiệp vụ chính, gồm: mở tài khoản thanh toán; xác thực giao dịch thanh toán; đối chiếu, xác thực thông tin khách hàng. Trong đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là ngân hàng đầu tiên triển khai thành công với hơn 600.000 hồ sơ tài khoản.
Đây là thông tin mới nhất được cập nhật tại Hội nghị sơ kết triển khai Đề án số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNN giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam diễn ra ngày 23/7 ở Hà Nội.
Tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định Đề án 06 luôn được coi là một “điểm sáng” mang tính đột phá, là nhiệm vụ then chốt, quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Ngành ngân hàng đã phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an thực hiện rà soát, đối chiếu làm sạch với dữ liệu tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đồng thời đã kết nối kỹ thuật và hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ việc quản lý Nhà nước về phòng chống rửa tiền.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn; trong đó bao gồm nhiều quy định về xác minh, nhận biết thông tin khách hàng thông qua tài khoản VneID, CCCD gắn chip, dữ liệu dân cư…; triển khai Luật các Tổ chức tín dụng 2024, Nghị định 52/2024/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần tăng cường an ninh, an toàn trong cung ứng dịch vụ cho khách hàng và thúc đẩy chuyển đổi số của ngành.
"Ngân hàng là ngành đầu tiên thực hiện kết nối tới hệ thống định danh và xác thực điện tử để ứng dụng tài khoản VneID ngay khi các quy định tại Luật Căn cước và Nghị định 69/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2024", Thống đốc nhấn mạnh.
Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm của Thống đốc và Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và của toàn thể ngành ngân hàng.
Theo Thượng tướng, một số kết quả đáng ghi nhận trong thực tiễn triển khai Đề án 06 và Kế hoạch 01 phối hợp giữa hai đơn vị là việc ban hành các quy định, văn bản hướng dẫn để hoàn thiện hành lang, cơ sở pháp lý, nổi bật như Luật Căn cước số 26/2023/QH15, Nghị định số 69/2024/NĐ-CP về định danh và xác thực điện tử, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân của Bộ Công an; Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024...
Bên cạnh đó, các đơn vị đầu mối được giao nhiệm vụ đã chủ động phối hợp làm sạch, tạo lập kho dữ liệu sạch để giảm thiểu rủi ro tài chính, giao dịch, phòng chống tội phạm, tạo dựng niềm tin với người dân khi sử dụng dịch vụ tài chính số trên môi trường điện tử. Đồng thời ứng dụng công nghệ tiên tiến, áp dụng các giải pháp xác thực thẻ CCCD gắn chip, cập nhật xác thực sinh trắc học trong các giao dịch ngân hàng…
Ngân hàng Nhà nước cho biết đã hoàn thành kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính thức từ tháng 12/2022 cho dịch vụ công của Ngân hàng Nhà nước; nâng cấp Cổng dịch vụ công và một cửa điện tử Ngân hàng Nhà nước đáp ứng quy định mới của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và quy định khác liên quan. Song song đó, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các đơn vị liên quan và các cơ quan báo chí, truyền hình đẩy mạnh truyền thông liên quan Đề án 06 với nhiều hình thức và nội dung phong phú, tập trung về vai trò, tầm quan trọng của Đề án 06 đối với xã hội, người dân, doanh nghiệp.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, đến nay đã thực hiện được 6 đợt rà soát, đối chiếu dữ liệu theo phương thức trực tiếp (offline) khoảng 57 triệu hồ sơ khách hàng vay và đang trao đổi với C06 để hoàn thiện các thủ tục kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và ký Phụ lục bổ sung hợp đồng quy định chi tiết về khai thác sản phẩm online.
Hiện nay có 6 tổ chức tín dụng đã hoàn thành kết nối luồng liên kết tài khoản an sinh xã hội với tài khoản ngân hàng phục vụ cho chi trả an sinh xã hội; trong đó đã liên kết được 173.716 tài khoản an sinh xã hội, bao gồm: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank), Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB). Có 3 tổ chức tín dụng đang thử nghiệm tài khoản an sinh xã hội, gồm: Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Coopbank), Ngân hàng TMCP Tiên phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank)…
Việc tích hợp tài khoản an sinh xã hội trên ứng dụng VNeID giúp người dân có thể nhận trợ cấp từ Chính phủ một cách nhanh chóng, phục vụ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quyên góp ủng hộ người dân.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, triển khai các giải pháp ứng dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong hoạt động cho vay, thực hiện có hiệu quả Công điện 766/CĐ-TTg ngày 24/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen” gắn với Đề án 06.
Tuy nhiên, đứng trước một số thách thức, đặc biệt liên quan đến bảo đảm an ninh mạng, an toàn, bảo mật hệ thống, bảo vệ dữ liệu khách hàng, người dân, doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước bày tỏ mong muốn các đơn vị chức năng, nghiệp vụ của Bộ Công an tiếp tục có những hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới để đề xuất những giải pháp, định hướng phù hợp thực tiễn để ngành ngân hàng tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án 06, góp phần hạn chế, ngăn ngừa tội phạm và hỗ trợ triển khai các sản phẩm, dịch vụ, thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số của ngành.