Cựu Phó Chủ tịch Fed: NHTW Mỹ có thể phải tiếp tục tăng lãi suất do nền kinh tế quá mạnh
Trao đổi với Bloomberg hôm 26/10, ông Richard Clarida, cố vấn kinh tế của PIMCO, nhận định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể phải tăng lãi suất hơn nữa.
Chia sẻ về lý do Fed có thể phải tiếp tục thắt chặt chính sách, ông Clarida nói: “Cuộc chiến chống lạm phát đã không cho thấy tiến triển mới kể từ mùa hè và chúng ta không thấy thị trường lao động hạ nhiệt”.
“Tin tốt cho Fed là kỳ vọng lạm phát của công chúng đang được giữ ở mức thấp hơn”, vị cố vấn của PIMCO nói thêm. Ông Clarida là Phó Chủ tịch Fed trong giai đoạn 2018 - 2022.
GDP của nền kinh tế số một thế giới đã tăng 4,9% trong quý III (tốc độ đã chuẩn hoá theo năm). Trước đó, các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát dự đoán nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 4,7% trong quý III.
Hai quý đầu năm nay, Mỹ tăng trưởng lần lượt 2,2% và 2,1%, đều cao hơn ước tính của các nhà kinh tế.
Trong khi đó, báo cáo do Bộ Lao động công bố hồi đầu tháng 10 cho thấy, Mỹ đã tạo thêm 336.000 việc làm trong tháng 9, cao hơn hẳn ước tính của Dow Jones là 170.000.
Lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đạt 3,7% vào tháng 9, giảm đáng kể so với mức 9,1% ghi nhận vào tháng 6 năm ngoái nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu của Fed.
Trong vài tuần gần đây, lợi suất trái phiếu kho bạc đã tăng vọt, khiến nhiều nhà đầu tư tin rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ không nâng chi phí đi vay trong những tháng tới.
Ông Clarida cho biết đợt bán tháo trên thị trường trái phiếu kho bạc vào đầu tuần này đã kéo lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm lên trên mức 5% lần đầu tiên kể từ năm 2007.
Diễn biến trên thị trường trái phiếu là kết quả của nhiều yếu tố, bao gồm nguồn cung trái phiếu, sự kết thúc của chu kỳ nới lỏng định lượng và thông điệp “giữ lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn” của Chủ tịch Fed Jerome Powell.
Ông Powell “đang nhấn mạnh việc duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài và rõ ràng ủy ban chính sách của Fed ủng hộ ý tưởng này”, cố vấn Clarida của PIMCO lưu ý.
“Lợi suất trái phiếu neo ở mức cao càng lâu, chúng ta sẽ càng thấy rõ những tác động của lợi suất lên nền kinh tế”, ông cảnh báo.
Ở đoạn sau của cuộc trao đổi, vị cố vấn cho biết thách thức lớn hơn đối với ngân hàng trung ương Mỹ có thể là thời điểm bắt đầu cắt giảm lãi suất.
“Câu chuyện chính sách trở nên thú vị khi Fed bắt đầu hạ lãi suất và lạm phát không quay trở lại mức mục tiêu 2%.
Ông Powell sẽ muốn lạm phát về mức 2,1% nhưng thực tế áp lực giá có thể sẽ loanh quanh mức 2,6% hoặc 2,7%”, ông Clarida cho hay.
Liên quan đến sức mạnh của đồng USD trong những năm gần đây, ông lưu ý rằng đồng bạc xanh “có xu hướng đi theo những đợt sóng dài này cứ 10 năm một lần. Khi Fed điều chỉnh lãi suất xuống thấp hơn, đồng USD sẽ trở lại mức bình thường”.