Cựu nhân viên tố ByteDance 'đi đêm' với Bắc Kinh
Theo New York Times, một cựu nhân sự ByteDance - công ty mẹ TikTok, đã bị sa thải vào năm 2018 sau khi anh này lên tiếng về hành vi vi phạm pháp luật Mỹ của tập đoàn đến từ Trung Quốc này.
Theo đơn khiếu nại gửi tòa án liên bang California ngày 12/5, Yintao “Roger” Yu cho biết anh đã bị cho thôi việc khi đang giữ vị trí trưởng bộ phận kỹ thuật chi nhánh ở Mỹ, sau khi Yu khiếu nại với người giám sát về “hành vi trái pháp luật” đang diễn ra tại công ty.
Yu tiết lộ Bắc Kinh có một văn phòng đặc biệt trong công ty - nơi họ được cấp quyền truy cập tối cao vào tất cả dữ liệu. Dựa trên kinh nghiệm làm việc tại ByteDance, Yu cho biết Trung Quốc đã duy trì kênh tiếp cận không chính thức này với các dữ liệu người dùng Mỹ.
Người này nói thêm rằng một ủy ban đặc biệt do chính phủ kiểm soát có một vai trò quan trọng mặc dù về hình thức uỷ ban này có vẻ như không có vai trò gì đối với ByteDance. “Ủy ban duy trì quyền truy cập tối cao vào tất cả dữ liệu của công ty, thậm chí cả dữ liệu được lưu trữ ở Mỹ", đơn kiện nêu.
“Sau khi nhận được chỉ trích về quyền riêng tư, các kỹ sư ở Trung Quốc đã bị hạn chế truy cập dữ liệu người dùng Mỹ, nhưng ủy ban vẫn duy trì quyền hạn này", Yu cáo buộc ByteDance hợp tác với Bắc Kinh.
Đồng thời, Yu cáo buộc công ty đã bác bỏ ý kiến của anh khi anh bày tỏ lo ngại ByteDance đang đánh cắp nội dung có bản quyền từ các nền tảng khác bao gồm Instagram và Snapchat, cũng như làm giả số người dùng để phóng đại các chỉ số của công ty.
Bên cạnh đó, người này "tố" ByteDance đã hỗ trợ Bắc Kinh truyền tải thông tin tới nhiều đối tượng hơn.
Ngay sau khi gia nhập công ty vào năm 2017, Yu đã biết rằng ByteDance đã thực hiện một “kế hoạch trên toàn thế giới (bao gồm cả ở California) trong nhiều năm để đánh cắp và thu lợi từ các tác phẩm có bản quyền của người khác”, theo đơn khiếu nại.
Ngoài ra, người này cũng phát hiện ra công ty đang lập trình những người dùng ảo để “thích” và “theo dõi” tài khoản người dùng thực nhằm tăng số liệu tương tác, giúp thu hút nhà đầu tư tiềm năng.
Phản hồi trước thông tin nói trên, ByteDance cho rằng các cáo buộc từ Yu là “vô căn cứ” và cho biết họ sẽ kiên quyết chống lại vụ kiện, nhât là trong bối cảnh TikTok đang nỗ lực hết sức để tránh bị cấm ở Mỹ.
“ByteDance cam kết tôn trọng tài sản trí tuệ của các công ty khác và chúng tôi thu thập dữ liệu theo thông lệ của ngành và chính sách toàn cầu của chúng tôi,” một phát ngôn viên cho biết trong một tuyên bố, lưu ý rằng Yu đã làm việc cho công ty chưa đầy một năm.
Cựu nhân sự tố cáo ByteDance là ai?
Trả lời Bloomberg, người phát ngôn ByteDance cho biết Yu từng có thời gian ngắn làm việc tại công ty.
Bộ phận mà người này làm việc là Flipagram - ứng dụng đã bị dừng phát triển từ năm trước vì lý do kinh doanh. ByteDance tuyên bố họ đã thông báo cho Yu rằng việc chấm dứt hợp đồng của anh nằm trong kế hoạch cắt giảm nhân sự, nhưng anh ấy lập luận rằng mình chưa bao giờ nhận được bất kỳ thông báo nào.
Vào tháng 11/2018, Yu đã bị chấm dứt hợp đồng mà không nhận được phần quyền chọn cổ phiếu. Theo đó, người này được thuê với lời hứa là quyền chọn cổ phiếu và khoản thanh toán đảm bảo trị giá 600.000 USD cho những cống hiến tại công ty với điều kiện phải ở lại ByteDance trong hai năm.
Vào năm 2019, anh này đã đệ đơn khiếu nại phân biệt đối xử lên Bộ Nhà ở và Việc làm Công bằng của California. Yu đang nỗ lực trong việc khiến thẩm phán Tòa án Tối cao San Francisco chỉ đạo ByteDance ngừng thu thập nội dung trên mạng xã hội thuộc về người khác.