Cựu giám đốc gốc Việt mắc hội chứng rối loạn căng thẳng hậu sang chấn tâm lí sau khi rời Uber
Ông Thuận Phạm, cựu giám đốc công nghệ Uber đã có lần đầu tiên chia sẻ sau khi rời ghế lãnh đạo hãng gọi xe công nghệ vào cuối tháng 5/2019. Trong lần trả lời phỏng vấn Bloomberg, ông Thuận tiết lộ ông từng trải qua tình trạng rối loạn căng thẳng hậu sang chấn tâm lí (PTSD) sau khi nghỉ việc.
Ở thời điểm nghỉ việc, ông Thuận là lãnh đạo cấp giám đốc có thâm niên lâu nhất tại Uber sau khi gắn bó với công ty từ 2013. Ông đã trải qua những khó khăn khi Uber vướng vào bê bối khiến nhà sáng lập Travis Kalanick phải từ chức vào năm 2017. Travis Kalanick cũng chính là người thuyết phục Thuận Phạm về với Uber 4 năm trước đó.
"Công ty không phải là Travis Kalanick. Đó là máu và mồ hôi của hàng nghìn người và tôi không muốn nó sụp đổ như vụ bê bối Enron", ông nói.
Enron là một công ty năng lượng của Mỹ có trụ sở tại Houston, Texas. Một bộ phận lãnh đạo công ty từng sử dụng lỗ hổng kế toán để làm giả báo cáo tài chính, để che giấu khoản lỗ hàng tỉ USD từ các dự án thất bại. Sau khi bê bối vỡ lở vào tháng 10/2001, Enron đã buộc phải nộp đơn phá sản chỉ 2 tháng sau đó.
Rất nhiều thay đổi xuất hiện kể từ khi Dara Khosrowshahi lên thay thế. Với một số người, Uber đã minh bạch hơn và doanh thu hàng quí cũng tăng gấp đôi. Tuy nhiên, số lỗ cũng tăng gấp đôi.
Từ khi Uber IPO vào tháng 5/2019, giá cổ phiếu Uber đã giảm sâu và cựu CEO Travis Kalanick liên tục bán ra số cổ phiếu mà ông nắm. Theo báo cáo tài chính quí I/2020, Uber đã lỗ kỉ lục 2,9 tỉ USD và COVID-19 khiến công ty sa thải hàng loạt nhân viên. Và mặc dù đã rời Uber, ông Thuận Phạm khuyên công ty nên hợp tác với các đối thủ khác trên thị trường.
Về tình hình cá nhân, chuyên gia công nghệ sinh năm 1966 cho biết ông đang gặp đôi chút vấn đề kể từ khi nghỉ việc.
"Hiện tại tôi đang mắc hội chứng rối loạn căng thẳng hậu sang chấn tâm lí nhẹ", ông Thuận chia sẻ về việc COVID-19 khiến công ty suy giảm doanh thu buộc phải dẫn đến việc sa thải hàng nghìn nhân viên trên toàn cầu.