Cựu CEO Wirecard bị bắt giữa bê bối kế toán tỉ đô chấn động nước Đức
Bloomberg dẫn lời các công tố viên Đức cho biết ông Markus Braun – người từ chức CEO của Wirecard tuần trước – đã ra đầu thú tại thành phố Munich trong quá trình điều tra nhắm vào hoạt động kế toán của công ty thanh toán này.
Một thẩm phán sẽ xem xét và quyết định ông Markus Braun có thể tiếp tục bị giam giữ hay không.
Wirecard hiện đang chật vật tìm đường sống sót sau khi thừa nhận không biết số tiền trị giá 1,9 tỉ USD của mình hiện đang ở đâu và có thể là chưa từng tồn tại. Công ty thanh toán này cho biết hãng đang trong quá trình đàm phán với các chủ nợ và đang xem xét tái cấu trúc toàn diện sau khi công bố báo cáo tài chính cho năm 2019 và quí I/2020.
Trước khi cựu CEO Braun ra đầu thú, ông Oliver Kipper – một luật sư bào chữa không có liên quan đến vụ án này nhận định: "Đây gần như là kịch bản xấu nhất có thể xảy ra. Lãnh đạo phải biết chuyện gì đã xảy ra với 1,9 tỉ euro được liệt kê trong sổ sách công ty chứ".
Trước đó vào sáng ngày 18/6, Wirecard phát đi thông báo cho biết hãng kiểm toán Ernst & Young không thể tìm thấy bằng chứng cho sự tồn tại của số dư tiền mặt 1,9 tỉ euro trong bảng cân đối kế toán của công ty. Giá cổ phiếu Wirecard lập tức lao dốc hơn 60% sau thông tin này. Đến nay Wirecard vẫn chưa thể công bố báo cáo tài chính năm 2019.
Trong chưa đầy một tuần, Wirecard từ chỗ được ca tụng là hình mẫu cho tương lai của ngành tài chính Đức đã trở thành một bê bối kế toán chấn động và đánh mất hầu hết giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán.
Năm 2019, có lúc vốn hóa thị trường của Wirecard đã vượt quá 24 tỉ euro (26,9 tỉ USD) và thậm chí còn thay thế ngân hàng nổi tiếng Commerzbank trong chỉ số bluechip của Đức. Hiện nay, vốn hóa của Wirecard chỉ còn lại vỏn vẹn 2,42 tỉ euro, tức 1/10 đỉnh cũ.
Ông Felix Hufeld – Chủ tịch Cơ quan Giám sát Tài chính Liên bang Đức (BaFin) nói: "Đây là một thảm họa toàn tập. Thật đáng xấu hổ khi một vụ bê bối kiểu này xảy ra".
Các công tố viên tại thành phố Munich cáo buộc cựu CEO Markus Braun đã thổi phồng doanh thu và bảng cân đối kế toán của Wirecard bằng cách làm giả thu nhập từ các giao dịch với bên thứ ba, có thể là nhờ sự hợp tác của các đồng phạm.
Hành vi gian lận nói trên khiến cho Wirecard tỏ ra vững mạnh hơn về tài chính và hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư và khách hàng.
Vụ việc tại Wirecard đã gây sự chú ý trong nhiều tháng qua. Ban đầu, các cơ quan quản lí Đức chỉ xem xét các phản ánh của báo chí khiến cho giá cổ phiếu Wirecard lao dốc và công ty tài chính này được cho là nạn nhân của hành vi thao túng chứng khoán.
Tuy nhiên đến đầu tháng 6 này, cơ quan chức năng của Đức bắt đầu điều tra ban lãnh đạo của Wirecard về cách một báo cáo thanh tra nội bộ do KPMG thực hiện được công bố cho thị trường chứng khoán.
Việc cựu CEO Markus Braun bị bắt giữ cho thấy cuộc điều tra đã đi theo một vòng tròn, Wirecard từ chỗ bị cho là nạn nhân lại trở thành nghi phạm.
Bà Katie Schroeder, một luật sư bào chữa hình sự tại Frankfurt nói: "Nhìn vào số tiền thì đây chắc chắn là bê bối kế toán lớn nhất nước Đức. Khó mà tìm được một vụ nào có qui mô tương tự".