Cuộc khủng hoảng của Big Tech
Tại Trung Quốc, vào tháng trước, Alibaba vừa phải nhận khoản tiền phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD vì lạm dụng vị trí độc quyền trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử. Đầu năm nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng đã đề xuất các quy định mới ngăn cản các nền tảng thanh toán kỹ thuật số trực tuyến do Ant Group (công ty con của Alibaba) và Tencent phát triển.
Cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc yêu cầu Ant và hàng chục công ty fintech khác tách bạch "mối quan hệ không phù hợp" giữa các ứng dụng thanh toán của họ và các dịch vụ tài chính khác.
Trung Quốc không hề đơn độc trong việc tìm cách chia tách các tập đoàn công nghệ khổng lồ của mình. Uỷ ban Thương mại Liên bang Mỹ và 48 bang đang kiện Facebook, hệ quả có thể khiến ông trùm mạng xã hội phải thoái vốn tại các công ty như Instagram và WhatsApp.
Uỷ ban châu Âu đang đề xuất Luật Dịch vụ Kỹ thuật số, có thể dẫn đến việc các công ty công nghệ phải chia tách nếu họ bị phát hiện nhiều lần vi phạm luật cạnh tranh.
Tuy nhiên, biện pháp khắc phục không nhất thiết buộc công ty công nghệ phải thoái vốn tại các đơn vị mà họ sở hữu. Đã qua cái thời các tập đoàn khổng lồ như AT&T, Standard Oil hay các công ty đường sắt thế kỷ XIX phải thoái vốn để giải quyết các vấn đề độc quyền.
Big Tech thuộc về một khái niệm hoàn toàn khác, phát triển trên mô hình kinh doanh công nghệ. Bằng cách khai thác các thuật toán phức tạp được cung cấp bởi khối lượng lớn dữ liệu, các công ty Big Tech đã trở nên cực kỳ linh hoạt trong việc thích ứng với các quy định của Chính phủ.
Át chủ bài của Big Tech trước các lệnh cấm
Theo nhiều cách, Big Tech giống như loài sao biển, những sinh vật có 5 cánh tay trở lên cho phép chúng bám chặt vào các bề mặt, chống lại sự xói của các dòng nước biển mạnh. Sự đa dạng của các dịch vụ do Big Tech cung cấp đã thâm nhập vào nhiều khía cạnh trong cuộc sống thường nhật, khiến nó có khả năng chống lại sự thay đổi từ các quy định.
Hơn nữa, tương tự như sao biển là loài ăn thịt vô hại thì Big Tech cũng săn lùng các đối thủ non trẻ. Trên hết, giống như sao biển có thể mọc lại các bộ phận trên cơ thể của chúng, Big Tech cũng có khả năng trẻ hoá nhanh chóng bằng cách mở rộng sang dải sản phẩm mới tương đối dễ dàng.
Năm 2018, cơ quan quản lý truyền thông của Trung Quốc đã ra lệnh cho ByteDance đóng cửa vĩnh viễn Neihan Duanzi - ứng dụng chia sẻ meme phổ biến với 17 triệu người dùng, với lý do vi phạm thuần phong mỹ tục. Jinri Toutiao - ứng dụng tin tức hàng đầu của ByteDance cũng tạm thời bị xoá khỏi các cửa hàng vì lý do tương tự.
Điều thú vị là sự can thiệp của Bắc Kinh diễn ra cùng thời điểm người sáng lập Facebook Mask Zuckerberg phải ra điều trần trước quốc hội Mỹ về những cáo buộc vi phạm quyền riêng tu sau vụ bê bối Cambridge Analytica.
Tuy nhiên, trái ngược với những nỗ lực của Zuckerberg để bảo vệ công ty, người sáng lập ByteDance đã không bào chữa và nhanh chóng xin lỗi vì công ty của mình đã đi ngược lại với những đạo đức xã hội.
Song, bất chấp những khó khăn gặp phải, ByteDance vẫn tiếp tục phát triển, với định giá công ty tăng gấp 3 lần so với 2018, khi các ứng dụng khác của nó bao gồm Toutiao, Douyin và TikTok chứng kiến sự bùng nổ của người dùng.
Thật vậy, việc ứng dụng Neihan Duanzi bị đóng cửa vĩnh viễn gần như không ảnh hưởng đến vũ khí mạnh nhất của công ty, đó là hệ thống đề xuất thông minh đẩy nội dung đến người dùng và cơ sở dữ liệu khổng lồ về hồ sơ người dùng cùng sở thích cá nhân. Sự can thiệp của chính phủ cũng không làm gián đoạn nguồn nhân lực cốt lõi của họ, đặc biệt là đội ngũ kỹ sư thuật toán tài năng.
Ant Group là một ví dụ khác. Yu'E Bao - một quỹ đầu tư được Alibaba ra mắt hồi đầu 2013, từng là quỹ thị trường tiền tệ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, đối mặt với hàng loạt biện pháp kìm hãm của cơ quan quản lý tài chính, kể từ năm 2017 tài sản của quỹ đã giảm mạnh.
Điều này không ngăn cản Ant trở thành công ty fintech lớn nhất thế giới. Bằng cách tận dụng dữ liệu thông qua Alipay, Ant tiếp tục mở rộng nhanh chóng sang các lĩnh vực kinh doanh tín dụng và bảo hiểm.
Vào thời điểm Ant nộp đơn chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào mùa thu năm ngoái, các hoạt động cho vay nhỏ của nó đã trở thành nguồn thu chính. Như Jack Ma từng tuyên bố, Alibaba không phải là một công ty thương mại điện tử, mà là một công ty dữ liệu.
Miễn là các công ty công nghệ có thể giữ vững năng lực cốt lõi của họ bằng cách thu hút sự chú ý của người dùng và phát triển các thuật toán tinh vi để tận dụng dữ liệu mà họ nắm giữ, họ có thể "hồi sinh" từ bất cứ sự thất bại nào do sự can thiệp từ bên ngoài.
Điều này giải thích cho mối quan tâm ngày càng tăng của Trung Quốc trong việc phá vỡ thế độc quyền dữ liệu. Các báo cáo gần đây cho thấy Bắc Kinh đang xem xét thành lập một công ty liên doanh với các gã khổng lồ công nghệ trong nước để giám sát lượng dữ liệu lớn mà họ thu thập từ người dùng.
Như triết gia người Đức Friedrich Nietzsche từng viết: "Những gì không thể giết bạn sẽ khiến bạn trở nên mạnh mẽ hơn". Điều này có vẻ đúng với các công ty Big Tech ngày nay.
*Bài viết đăng trên Nikkei Asia của Angela Huyue Zhang, Giám đốc Trung tâm Luật Quốc tế tại Đại học Hong Kong. Bà là tác giả của cuốn sách "Chủ nghĩa chống độc quyền của Trung Quốc: Sự trỗi dậy của Trung Quốc thách thức quy chế toàn cầu như thế nào."
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/