Cuộc họp của OPEC có thể kết thúc cuộc chiến giá dầu giữa Nga - Arab Saudi?
Theo giới chuyên gia, cuộc họp có thể bình ổn giá dầu, vốn đã lao dốc mạnh trong bối cảnh virus corona lây lan khiến nhu cầu dầu tại nhiều nơi, đặc biệt là Trung Quốc, giảm.
Ông Bjornar Tonhaugen từ công ty Rystad Energy cũng nhận định buổi gặp mặt sắp tới là niềm hi vọng duy nhất hiện nay của thị trường dầu mỏ, theo Reuters.
Thể hiện quan điểm của mình, trong buổi trò chuyện trên truyền hình, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak nhận định cuộc khủng hoảng virus corona là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm chưa từng thấy của giá dầu thế giới.
Ông một lần nữa khẳng định điều này ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của các quốc gia lớn trên thế giới, gồm cả Nga.
Trong một cuộc thảo luận bàn tròn được phát trên truyền hình Nga, Tổng thống Vladimir Putin cho hay mục tiêu của ông trong cuộc chiến kéo dài hiện nay với Arab Saudi và các nhà sản xuất lớn khác, gồm cả Mỹ, là cắt sản xuất khoảng 10 triệu thùng dầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cố gắng làm bên thứ ba với việc đưa ra một giải pháp cho Nga và Arab Saudi. Dù một số nguồn từ OPEC cho hay thoả thuận giảm sản xuất sẽ có sự tham gia của Mỹ, nhưng không có nhiều người tin tưởng điều này.
Trao đổi với VOA, ông Khattar Abou Diab giảng dạy môn khoa học chính trị tại Đại học Paris cho hay cả Nga và Arab Saudi đều bế tắc trong trò chơi "được ăn cả ngã về 0" và mỗi bên đều trở thành kẻ thua cuộc. Ngoài ra, Nga và Saudis đều không muốn mất thị trường dầu mỏ quan trọng ở châu Á.
Arab Saudi bỏ qua lời đề nghị mở rộng OPEC+ của Nga
Tuy nhiên, trước đó, hôm 27/3, Arab Saudi tuyên bố sẽ không đàm phán với Nga về vấn đề cân bằng thị trường dầu mỏ mặc cho áp lực phải chấm dứt chiến tranh giá dầu từ phía Washington và nỗ lực hàn gắn OPEC từ phía Moscow.
Hiệp ước 3 năm giữa OPEC và các nước sản xuất dầu mỏ khác, gồm cả Nga, đã sụp đổ vào tháng trước sau khi Nga từ chối kế hoạch giảm sản lượng từ phía Arab Saudi. Quốc gia Trung Đông này đáp trả với tuyên bố sẽ tăng sản lượng dầu lên mức kỉ lục.
Một quan chức tại cơ quan năng lượng của Arab Saudi, cho biết cả phía Nga và Arab Saudi đều chưa có bất kì thảo luận nào hướng đến vấn đề mở rộng OPEC+ và cân bằng thị trường dầu mỏ. Bình luận này đến sau khi một quan chức cấp cao của Nga nói rằng một số nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới có thể hợp tác cùng OPEC và Nga, trong đó có Mỹ - nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, theo Channel News Asia.
Ông Kirill Dmitriev – người đứng đầu Quỹ lợi ích quốc gia của Nga - cho rằng các quốc gia cần chung tay hành động để khôi phục nền kinh tế toàn cầu và thỏa thuận OPEC+ sẽ là công cụ hữu hiệu để hỗ trợ cho hành động chung đó.
Ông Dmitriev và Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga, Alexander Novak, là các nhà đàm phán hàng đầu của Nga về thoả thuận với OPEC trước đó, vốn hết liệu lực vào ngày 31/3.
Các quan chức và ban điều hành ngành dầu mỏ Nga đã bị chia rẽ vì vấn đề này khi một bên ủng hộ chính sách giảm sản lượng của ông Dmitriev và ông Novak, bên còn lại thì không.
Cuối phiên giao dịch ngày 8/4, giá dầu ổn định gần mức 32 USD/thùng. Trong đó, giá dầu thô Brent tăng nhẹ 0,3% lên 31,98 USD/thùng sau khi giảm 3,6% trong phiên giao dịch trước. Còn giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ ghi nhận ở mức 24,18 USD.