|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cuộc đua tư duy của các ngân hàng

11:11 | 02/10/2018
Chia sẻ
'Thời gian vừa qua mặc dù có những biến động nhưng mảng tín dụng tiêu dùng vẫn tăng 34% so với cùng kỳ và tám tháng đầu năm chúng tôi đã đạt được hai phần ba mục tiêu lợi nhuận cả năm' - ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), cho biết - 'Không giống một số ngân hàng khác đã hết hạn mức tín dụng, chúng tôi còn 7% tăng trưởng tín dụng trong số chỉ tiêu 15% mà Ngân hàng Nhà nước phân bổ cho năm nay. Tuy vậy phải nhìn nhận một thực tế khách quan là kinh doanh ngân hàng năm tới dự báo sẽ không nhiều thuận lợi như năm nay nữa'.
cuoc dua tu duy cua cac ngan hang Gam màu kinh doanh của các ngân hàng ngoại tại Việt Nam
cuoc dua tu duy cua cac ngan hang Các ngân hàng đang cho vay bất động sản ra sao?
cuoc dua tu duy cua cac ngan hang
Các tổ chức tín dụng nhỏ vẫn tập trung vào mảng tín dụng, còn các ngân hàng lớn đã chuẩn bị cho cuộc chơi công nghệ trong kinh doanh tiền tệ. Ảnh: THÀNH HOA.

VPBank vừa cho ra mắt ứng dụng trực tuyến Yolo nhắm vào giới trẻ, từ ngoài 20 đến trên 30 tuổi, với các tiện ích đa dạng trong thanh toán tiền tệ, mua hàng trên mạng, giải trí... Theo ông Ngô Chí Dũng, nền tảng trực tuyến này được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh doanh số giao dịch trực tuyến và khởi động một giai đoạn phát triển mới của VPBank. Hiện nay giao dịch trực tuyến đã chiếm 46% tổng giao dịch của ngân hàng này tính về số lượng. Tất nhiên giá trị trung bình của giao dịch trực tuyến chưa cao, nhưng nó đã giúp tiết kiệm chi phí nhân lực, quản lý. Với các giao dịch doanh số lớn hàng tỉ đồng, khách hàng vẫn chọn lựa ra tận quầy vì nhiều lý do trong đó có lý do bảo mật hay an toàn.

Sự phân hóa sẽ ngày một rộng ra khi các tổ chức tín dụng nhỏ vẫn tập trung vào mảng tín dụng, còn các ngân hàng lớn đã chuẩn bị kỹ càng cho cuộc chơi công nghệ trong kinh doanh tiền tệ.

Ứng dụng trực tuyến Yolo cho thấy cuộc cạnh tranh giữa các ngân hàng về công nghệ và dịch vụ đang chuyển sang một thời kỳ mới khi mà tới đây hoạt động tín dụng sẽ bị giới hạn bởi các chỉ tiêu của cơ quan quản lý nhằm kiểm soát lạm phát. Sự phân hóa sẽ ngày một rộng hơn khi các tổ chức tín dụng nhỏ vẫn tập trung vào mảng tín dụng, mà chưa nâng cấp đúng tầm mảng dịch vụ.

Trong khi đó, các ngân hàng lớn đã chuẩn bị kỹ càng cho cuộc chơi công nghệ trong kinh doanh tiền tệ. Một ngân hàng đang trong thời gian tái cơ cấu như Sài Gòn Thương tín (Sacombank) trong vòng vài tháng qua đã chi tới 600 tỉ đồng hoàn thiện, nâng cấp các phầm mềm cốt lõi liên quan đến giao dịch trực tuyến, trong đó chủ yếu là phần mềm quản lý rủi ro tín dụng. Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank, cho biết ngân hàng đang nỗ lực “chạy” bằng cả hai chân, vừa xử lý rốt ráo nợ xấu, vừa ứng dụng công nghệ trực tuyến mạnh mẽ cho hoạt động bán lẻ. Bán lẻ vốn là mảng có nhiều lợi thế của Sacombank từ trước đến nay, và giờ dịch vụ này đang được ưu tiên hàng đầu.

Nói đầu tư cho công nghệ thoạt nhìn nghe chừng đơn giản và dường như chỉ cần có tiền, song đầu tư và khách hàng có sử dụng không, mức độ ứng dụng vào thực tế của công nghệ đến đâu là chuyện khác. Cả bộ máy của một hệ thống phải chuyển động để tạo ra một môi trường phù hợp là điều không phải ngân hàng nào cũng làm được. Nói như ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, để có thành quả cho vay tiêu dùng như hiện tại, VPBank đã phải đi trước dò đường, chuẩn bị từ năm năm trước.

Ông Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu và hiện là một người quan sát thị trường tài chính, nhận xét các ngân hàng như Kỹ Thương (Techcombank) và VPBank đã sải những bước dài trong quản trị từ 4-5 năm trước khi họ bắt đầu thuê các nhân lực điều hành chủ chốt là người nước ngoài. Đội ngũ nhân lực nước ngoài phần lớn đã trải nghiệm khoảng thời gian tương đối ở các định chế tài chính tên tuổi khu vực châu Á cũng như thế giới. Họ có kinh nghiệm và sự quyết đoán trong công việc. Việc thuê nhân lực điều hành nước ngoài có thể thành công, có thể không trong một số trường hợp, nhưng đấy là minh chứng cho sự thay đổi tư duy để bắt kịp những chuyển động tài chính quốc tế của một số ông chủ ngân hàng thực sự gắn bó “sống chết” với ngành.

Vị thế của các ngân hàng cổ phần hiện phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn của các ông chủ. Trong khi các ngân hàng quốc doanh và nửa quốc doanh mất nửa thời gian chỉ để giải quyết vấn đề làm thế nào tăng được vốn điều lệ, đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn, nhất là các tiêu chí của Basel II đang đến gần, thì một số ngân hàng cổ phần tỏ ra ung dung với tỷ lệ an toàn vốn, và họ ngấm ngầm đào xới các thị trường ngách để cạnh tranh với bốn “ông lớn” phía trên. Việc xử lý nợ xấu của Sacombank đang khả quan. VPBank đã rút được bài học từ sự mở rộng “nóng” tín dụng tiêu dùng và có sự điều chỉnh kịp thời. Techcombank đưa mảng dịch vụ lên một tầm mới. Nhìn sang các “ông lớn”, BIDV, VietinBank, Agribank vẫn đang trong lộ trình trích lập dự phòng rủi ro cao. BIDV và Agribank còn phải dành không ít thời gian, công sức cho việc theo các vụ án kinh tế.

Vietcombank đã rảnh tay với nợ xấu nhưng Vietcombank “đau đầu” với việc phát hành riêng lẻ tăng vốn và bán cổ phần cho nước ngoài. Mấy tháng gần đây Vietcombank tăng mạnh nhiều loại phí dịch vụ, kể cả chuyển tiền tài khoản nội bộ. Một số loại phí dịch vụ của Vietcombank đang cao nhất hệ thống ngân hàng. Chưa kể Vietcombank cũng đã tăng lãi suất đầu ra gần như mọi kỳ hạn khi đã cạn hạn mức tín dụng. Khi tăng trưởng tín dụng đã bị khóa, lợi nhuận quí 3 và quí 4-2018 của Vietcombank trông cậy không ít vào việc thoái vốn ở Ngân hàng Quân đội và Eximbank.

Xem thêm

Hải Lý