Cuộc đua lãi suất chứng chỉ tiền gửi ngày càng 'nóng'
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Lãi suất chứng chỉ tiền gửi được đẩy lên gần 9%/năm
Phát hành chứng chỉ tiền gửi để huy động không phải là hình thức huy động vốn mới tại các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, trong vài tuần trở lại đây, nhiều ngân hàng đã đẩy lãi suất huy động đối với các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi kì hạn dài lên mức khá cao.
Gần đây nhất, SHB cho biết ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi đợt 1 dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp với tổng mệnh giá đợt phát hành là 10.000 tỉ đồng với lãi suất lên tới 8,9%/năm. Trong đó, cá nhân tham gia mua chứng chỉ mệnh giá dưới 2 tỉ đồng, lãi suất các kì hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng lần lượt 8,6%/năm, 8,7%/năm và 8,8%/năm. Với chứng chỉ mệnh giá từ 2 tỉ đồng trở lên, lãi suất các kì hạn trên lần lượt là 8,7%/năm; 8,8%/năm và 8,9%/năm.
Đầu tháng 3, "ông lớn" BIDV đã triển khai chương trình chứng chỉ tiền gửi trung dài hạn 2019 dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức với ba mức kì hạn gửi lần lượt là 18, 24 và 36 tháng.
Đáng chú ý, đối với đợt phát hành chứng chỉ này, BIDV triển khai cả hai hình thức trả lãi theo lãi suất cố định và lãi suất thả nổi. Chương trình sẽ áp dụng mức lãi suất 7,6% mỗi năm dành cho hình thức lãi suất cố định (cao hơn 0,7 điểm % so với tiền gửi tiết kiệm cùng kì hạn).
Với hình thức lãi suất thả nổi, lãi suất kì đầu là 7,5% mỗi năm và sẽ được điều chỉnh bằng trung bình cộng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân cùng kì hạn bằng VND, trả sau được công bố trên trang thông tin điện tử chính thức của 4 ngân hàng thương mại nhà nước (trước ngày xác định lãi suất 5 ngày) cộng 0,6% mỗi năm và không thấp hơn mức 7,5% mỗi năm.
Trước đó, nhiều ngân hàng cũng đã phát hành chứng chỉ tiền gửi trung và dài hạn với mức lãi suất rất cao. Đơn cử như tại SeaBank, các khách hàng tham gia với mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng, thời hạn 24 tháng, 36 tháng sẽ được hưởng mức lãi suất tương ứng là 8,4%/năm và 8,6%/năm (cao hơn từ 1,5 – 1,7 điểm % so với tiền gửi tiết kiệm cùng kì hạn).
Hay như tại LienVietPostBank, nhà băng này cũng tung ra chương trình huy động vốn bằng chứng chỉ tiền gửi cho các kì hạn 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng với lãi suất lên đến 8,1%/năm (cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm cùng kì hạn từ 0,7 – 1%/năm).
Đằng sau cuộc đua lãi suất chứng chỉ tiền gửi...
Việc đẩy mạnh huy động vốn thông qua kênh chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng trong khi thanh khoản hệ thống đang diễn biến rất tích cực cho thấy nguyên nhân khiến các nhà băng "đổ xô" phát hành chứng chỉ tiền gửi trong những tháng đầu năm 2019 không xuất phát từ áp lực thanh khoản trong ngắn hạn mà chủ yếu nhằm gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn.
Theo đó, trong 5 tuần liên tiếp kể từ Tết Nguyên Đán, NHNN đã hút ròng tổng cộng hơn 162.000 tỉ đồng. Thậm chí trong tuần (11/3 – 15/3), nhà điều hành đã phải phát hành thêm cả 17.000 tỉ đồng tín phiếu, để hút tiền về.
Bên cạnh đó, lượng chứng chỉ tiền gửi mà các ngân hàng phát hành trong thời gian qua phần lớn đều là các loại kì hạn trung và dài hạn. Xu hướng phát hành chứng chỉ tiền gửi trung và dài hạn của các ngân hàng được cho là dễ hiểu trong bối cảnh quy định về tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giảm từ 45% về mức 40% sẽ chính thức có hiệu lực trong năm nay.
Theo các chuyên gia, với việc huy động bằng chứng chỉ tiền gửi mặc dù ngân hàng phải trả một chi phí vốn cao hơn nhưng đổi lại sẽ thu hút một nguồn vốn dài hạn hơn để vừa đảm bảo thanh khoản vừa cơ cấu lại dòng vốn của mình. Điều này là cần thiết trong bối cảnh một bộ phận của vốn dài hạn của các ngân hàng là vốn tự có đang tăng chậm hơn nhiều so với tốc độ tăng của tín dụng, đặc biệt tại các ngân hàng TMCP Nhà nước.
Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 31/12/2018, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt xấp xỉ 14%; tăng trưởng vốn tự có của hệ thống ngân hàng đạt 12,89%. Trong đó, tăng trưởng vốn tự có của các NHTM Nhà nước chỉ đạt 5,48%.
Hơn nữa, tăng trưởng tiền gửi khách hàng và tăng trưởng huy động của các ngân hàng hiện đang duy trì ở mức thấp hơn so với tăng trưởng cho vay khách hàng và tăng trưởng tín dụng cũng là một yếu tố gây áp lực lên thanh khoản hệ thống trong trung và dài hạn.
Cụ thể, theo số liệu của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tăng trưởng tiền gửi của 10 ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2018 đạt mức 13,2%, thấp hơn so với tăng trưởng cho vay 13,7% và tăng trưởng huy động đạt 10,6% thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng 12,7%.