|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cuộc đua giao hàng nhanh từ 2 ngày ở Mỹ tới 2 giờ ở Việt Nam

16:27 | 02/01/2020
Chia sẻ
Trong khi ở Mỹ, các nhà bán lẻ rốt ráo bám đuổi theo Amazon với dịch vụ giao hàng trong 2 ngày, thị trường ở Việt Nam cũng rất sôi động với những cam kết giao hàng trong vài giờ.

Vào giữa năm 2018, xấp xỉ 60% khách hàng (khoảng 95 triệu người) của Amazon ở Mỹ là thành viên của dịch vụ giao hàng nhanh Prime, theo tổ chức tư vấn kinh doanh McKinsey.

Đó là nhóm khách hàng có giá trị rất lớn đối với tập đoàn của tỉ phú Jeff Bezos. Họ chi trung bình 1.400 USD mỗi năm cho Amazon, lớn hơn gấp đôi so với những khách hàng không phải thành viên (chỉ 600 USD/năm).

Cuộc đua ở Mỹ, với Amazon là kẻ tiên phong

Vì mức chi tiêu cao, thành viên của dịch vụ giao hàng Prime đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao hơn. Lợi ích chủ yếu của thành viên Prime là họ sẽ nhận hàng trong vòng hai ngày từ thời điểm đặt hàng mà không phải trả thêm chi phí.

Để đáp ứng cam kết, Amazon đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng giao vận. Tính tới tháng 7/2018, tập đoàn đã vận hành 122 trung tâm hoàn thiện đơn hàng ở Mỹ, trong khi tiếp tục lên kế hoạch mở thêm 44 điểm nữa.

Hồi đó, tổng diện tích các nhà kho, trung tâm hoàn thiện đơn hàng của Amazon ở Mỹ đã lên tới 9,29 triệu km2. Mạng lưới phân phối của Amazon không chỉ siêu lớn, mà còn hoạt động với nhịp độ và hiệu quả cực cao.

Cuộc đua giao hàng nhanh từ 2 ngày ở Mỹ tới 2 giờ ở Việt Nam - Ảnh 1.

Nhân viên kho của Amazon sẽ chọn, đóng gói sản phẩm rồi đưa lên xe tải trong vòng hai giờ sau khi người mua đặt hàng. Để tăng tốc độ xử lí, Amazon ứng dụng robot và hệ thống tự động hóa qui mô lớn trong hoạt động ở nhà kho.

Nỗ lực của Amazon tạo ra xu hướng mới trong ngành bán lẻ, buộc các đối thủ phải bám đuổi. Tập đoàn Walmart xây dựng mạng lưới điểm phân phối rộng khắp để thực hiện dịch vụ giao hàng đúng một hôm sau khi người mua đặt hàng. Và độ phủ của dịch vụ lên tới 90% dân số Mỹ. 

Robot chọn sản phẩm trong một trung tâm hoàn thiện đơn hàng của tập đoàn Amazon. Video: Tech Insider

Hàng loạt nhà bán lẻ khác đầu tư những khoản tiền lớn để bảo đảm một vị thế chắc chắn trong trận địa thương mại điện tử. Để tiết kiệm thời gian, một số tập đoàn bán lẻ mua các công ty thương mại điện tử hoặc nhà cung cấp dịch vụ giao hàng trong ngày, đồng thời xây dựng các trung tâm hoàn thiện đơn hàng.

Thị trường Việt Nam cũng theo xu hướng của thế giới

2019 là năm mà thị trường giao hàng ở Việt Nam tăng trưởng nhanh, với sự tham gia của nhiều nhóm doanh nghiệp. Nhóm truyền thống trong nước bao gồm Viettel Post, VNPost, còn nhóm nước ngoài bao gồm FedEx, UPS, DHL.

Bên cạnh đó, các nhóm doanh nghiệp công nghệ nước ngoài (như Ninja Van, Lalamove), nhóm doanh nghiệp công nghệ trong nước (như GHN, Giaohangtietkiem), nhóm siêu ứng dụng (như Grab, Go-Viet), nhóm tự vận chuyển (như Tiki Express Delivery, Lazada Express) cũng tham gia cuộc đua.

Vốn đang có tiềm năng phát triển, ngành logistics nhận thêm cú hích từ thị trường thương mại điện tử. Việt Nam là một trong 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, theo trang thống kê Statista.

Cuộc đua giao hàng nhanh từ 2 ngày ở Mỹ tới 2 giờ ở Việt Nam - Ảnh 3.

Một nhân viên giao hàng của Tiki. Ảnh: Tiki

Số liệu của Google và Temasek cho thấy, doanh thu từ thị trường thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam năm 2018 đạt khoảng 2,8 tỉ USD, với mức tăng trưởng hơn 30% mỗi năm.

Nếu tính theo báo cáo của ngân hàng Thế giới, chi phí logistics của Việt Nam chiếm hơn 20% GDP, thị trường logistics dành cho thương mại điện tử Việt Nam có quy mô khoảng 560 triệu USD.

Bên cạnh chất lượng dịch vụ, tốc độ giao nhận là "vũ khí" cạnh tranh hàng đầu giữa các đối thủ và cũng là yếu tố quyết định sự tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử hiện nay.

Các chợ điện tử, nhà bán lẻ lớn đều cam kết sẽ giao hàng trong thời gian ngắn dần. Thế Giới Di Động cam kết giao hàng trong vòng 30 phút, FPT Shop giao hàng trong vòng 60 phút, Tiki giao hàng trong 2 giờ, Lotte.vn triển khai dịch vụ "Giao nhanh chớp mắt" trong 1 giờ, 3 giờ và 24 giờ.

Đầu tư, hợp tác để tăng tốc độ giao hàng

Trong tháng 11, Giao Hàng Nhanh chính thức vận hành kho phân loại hàng hóa tự động với diện tích mặt bằng lên tới 6.000 m2 ở TP HCM với hệ thống phân loại hàng có giá trị tới 2 triệu USD. Cùng với kho phân loại tự động 4.000 m2 ở Hà Nội, Giao Hàng Nhanh kì vọng nâng tỉ lệ giao hàng trong ngày lên 85-90%, so với tỉ lệ 60% trước đây.

Lazada đang phát triển dịch vụ chuyển phát P2P (Point-to-Point) trong 2 giờ với các đối tác do công ty chọn lọc tại TP HCM và Hà Nội. Công ty cũng sẽ triển khai dịch vụ giao hàng trong 4 giờ, với các sản phẩm dưới 15 kg (bao gồm sản phẩm cồng kềnh).

Thay vì tự lực như Giao Hàng Nhanh hay Lazada, nhiều doanh nghiệp khác chọn giải pháp hợp tác để rút ngắn thời gian giao hàng. Ngay từ năm ngoái, Sen Đỏ hợp tác với GrabExpress triển khai gói dịch vụ "Giao hàng siêu tốc 3 giờ".

Ông Trần Hải Linh - Tổng giám đốc Công ty CP Sen Đỏ - nhận định điểm hơn nhau của các dịch vụ giao nhận nằm ở tốc độ giao hàng nên các doanh nghiệp phải biết hợp tác, tận dụng thế mạnh của nhau".

Cuộc đua giao hàng nhanh từ 2 ngày ở Mỹ tới 2 giờ ở Việt Nam - Ảnh 4.

Kho phân loại hàng hóa tự động của Giao Hàng Nhanh có hệ thống phân loại trị giá tới 2 triệu USD. Ảnh: GHN

Các doanh nghiệp giao nhận truyền thống đã bắt đầu liên kết với doanh nghiệp công nghệ non trẻ để tăng thời gian giao hàng. Hồi tháng 10, EMS Việt Nam đã chính thức hợp tác với Lalamove, triển khai dịch vụ Giao hàng nội thành siêu tốc trong 2 giờ.

Thỏa thuận cho phép EMS và Lalamove tận dụng thế mạnh đặc trưng của mỗi bên - như hệ thống kho vận, nền tảng ứng dụng, đội ngũ tài xế và lượng khách hàng tiềm năng.

Đầu tháng 11, sàn thương mại điện tử Shopee hợp tác với Grab để triển khai dịch vụ giao hàng một giờ trong nội thành. Từ ngày 04/11, khi đặt hàng trên Shopee tại Hà Nội và TP HCM, người mua có thể chọn Grab là phương thức vận chuyển.

Theo cam kết của Shopee, dịch vụ giao hàng của Grab sẽ giao hàng trong 1-2 giờ, hoạt động mọi ngày trong tuần, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ.

Mới đây, Grab còn bắt tay với Vietjet triển khai dịch vụ giao nhận hàng hóa từ điểm đầu tới điểm cuối với thời gian cực nhanh: chuyển hàng giữa TP.HCM - Hà Nội chỉ mất 5 giờ. 

Nhạc Phong