|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cuộc đối đầu về lãi suất giữa Tổng thống Donald Trump và Fed

15:41 | 15/09/2019
Chia sẻ
Đối mặt với triển vọng kinh tế bất ổn đến đáng ngại và liên tục bị Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích kèm yêu cầu đưa ra các biện pháp kích thích, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự đoán sẽ hạ lãi suất trong tuần tới.
Cuộc đối đầu về lãi suất giữa Tổng thống Donald Trump và Fed - Ảnh 1.

Trụ sở FED ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Kể từ khi công bố đợt hạ lãi suất đầu tiên trong hơn 10 năm vào mùa hè vừa rồi, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã phát đi tín hiệu rằng ngân hàng này sẽ còn tiếp tục cắt giảm lãi suất hơn nữa. 

Trong các bài phát biểu và những lần xuất hiện trước công chúng, ông Powell đã từng hứa hẹn Fed sẽ "hành động phù hợp" để duy trì đà tăng trưởng hiện tại của kinh tế Mỹ.

Dù nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trong "thể trạng tốt", song ông Powell vẫn cảnh báo những “nguy cơ lớn” đối với triển vọng tăng trưởng đang ngày càng suy yếu. 

Đó là tình trạng lạm phát ở mức thấp dai dẳng và cuộc chiến thương mại với Trung Quốc chưa có dấu hiệu sớm kết thúc.

Phần lớn các thị trường đang dự đoán rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào ngày 18/9 tới sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, và có khả năng sẽ tiếp tục đưa ra thêm một đợt hạ lãi suất nữa trước cuối năm nay.

Thậm chí, bà Kathy Bostjancic, chuyên gia cấp cao của Oxford Economics, dự đoán sẽ có 3 đợt hạ lãi suất nữa trong năm nay, có nghĩa là Fed sẽ giảm lãi suất tại mỗi cuộc họp chính sách còn lại trong năm 2019.

Tuy nhiên, "bầu trời" chưa hẳn đang sụp đổ với kinh tế Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp đã ở hoặc gần mức thấp lịch sử trong suốt cả một năm rưỡi qua. 

Chi tiêu tiêu dùng và lạm phát vẫn ổn định. Tiền lương đang tăng lên. Tăng trưởng việc làm vẫn đều đặn. GDP dường như vẫn đang tăng trưởng, niềm tin kinh doanh và tiêu dùng có yếu đi nhưng vẫn ở mức cao.

Vậy điều gì đang khiến nhiều người lo lắng đến vậy? Đầu tiên, điều duy nhất đang duy trì đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ tại thời điểm hiện tại là hoạt động chi tiêu tiêu dùng, vốn chiếm 2/3 GDP của nước này. 

Nhưng nếu chờ đến lúc nó bắt đầu yếu đi thì sẽ là quá muộn, vì lúc đó nền kinh tế đã bắt đầu suy thoái.

Dù vẫn đang diễn ra mạnh mẽ, nhưng hoạt động tuyển dụng đã chậm lại. Hoạt động đầu tư kinh doanh yếu, trong khi xuất khẩu đang suy giảm. Và hoạt động chế tạo cũng không khá hơn khi kinh tế toàn cầu đang giảm tốc.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Trump thậm chí còn “đổ thêm dầu vào lửa” với cuộc chiến thương mại mà ông khơi mào 18 tháng trước với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc. 

Thuế quan tăng và tình trạng bất ổn xung quanh cuộc chiến này không còn là một mối nguy mà đã thực sự gây tổn thương cho nền kinh tế. Trong đó, theo một ước tính, kinh tế Mỹ đã mất đi khoảng 11.000 việc làm chỉ trong tháng 8.

Khánh Ly

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.