|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cuộc đấu trí đằng sau màn giải cứu startup ‘siêu kì lân’ WeWork của SoftBank

07:50 | 27/10/2019
Chia sẻ
Việc WeWork chấp nhận gói giải cứu và về tay SoftBank là kết quả của nhiều tuần đàm phán, cân nhắc sau khi kế hoạch IPO thất bại

Mới chỉ một vài tháng trước, Adam Neumann, người đồng sáng lập WeWork, vẫn lọt vào mắt xanh của các nhà đầu tư phố Wall với một trong những thương vụ IPO được chờ đón nhất trong năm.

Vào tháng 10, khi kế hoạch IPO bị huỷ bỏ và startup chia sẻ văn phòng đang cần tiền hơn bao giờ hết, Neumann đã gặp một trong những nhà băng lớn nhất của WeWork vào một buổi chiều chủ nhật để tìm kiếm một gói vay 5 tỉ USD, một người thân cận với vấn đề nói.

Thông điệp Neumann đưa ra rất rõ ràng, nếu không có thêm tiền, WeWork sẽ cạn vốn trong vài tuần tới.

softbank1

Masayoshi Son, CEO SoftBank và Adam Neumann, cựu CEO WeWork. (Ảnh: Getty)

"Các ông còn tin vào công ty không?" Neumann, lúc đó đã rời ghế CEO song vẫn là Chủ tịch WeWork, hỏi một nhóm nhân sự đến từ JPMorgan Chase tại tầng 42 trụ sở ở Manhattan hôm 6/10.

Nhóm nhân sự của JPMorgan, dẫn dắt bởi Mary Erdoes, CEO J.P. Morgan Asset & Wealth Management, và Jim Casey, người đứng đầu mảng thị trường vốn vay, nói với Neumann và hội đồng WeWork rằng họ tự tin có thể hỗ trợ công ty và có thể gọi vốn. Thế nhưng, họ sẽ không bảo lãnh thương vụ ngay lập tức, một thành viên hội đồng đề nghị.

Với nhiều nghi ngại liên quan đến khả năng tồn tại của WeWork sau IPO "hụt", JPMorgan Chase tin rằng họ cần thời gian để các nhà đầu tư bình tĩnh hơn và thuyết phục lại.

Một vài ngày sau đó, kế hoạch giải cứu khác dành cho WeWork được công bố và lần này đến từ cổ đông lớn nhất, SoftBank Group Corp.

Reuters mới đây đã đăng tải câu chuyện về gói cứu trợ khẩn cấp của SoftBank, dựa trên các bài phỏng vấn với 8 nhân vật có liên quan đến cuộc đàm phán, song họ đều yêu cầu giữ nặc danh. WeWork, SoftBank và JPMorgan từ chối đưa ra bình luận.

Vấn đề quản trị doanh nghiệp

SoftBank đưa ra gói cứu trợ 9,5 tỉ USD cho WeWork, bao gồm khoản vay mới và đầu tư cổ phần đã cam kết. SoftBank bên cạnh đó đề nghị mua lại cổ phần của Adam Neumann và các cổ đông khác.

Ngoài việc đưa ra khoản tài trợ lớn hơn so với JPMorgan, SoftBank còn giải quyết thêm một vấn đề nhức nhối – cấu trúc doanh nghiệp rối rắm và quyền kiểm soát của Adam Neumann.

Với khoản đầu tư mới, SoftBank đã tước quyền biểu quyết của Adam Neumann đồng thời "hất cẳng" anh ra khỏi hội đồng. Nhiều nhà đầu tư, bao gồm Benchmark Capital và Hony Capital, đã đổ lỗi cho Adam Neumann với sự đi xuống của công ty.

Phong cách quản trị thất thường cùng thực tế rằng WeWork không có đường hướng lợi nhuận rõ ràng đã làm nản lòng các nhà đầu tư tiềm năng cho IPO.

Vấn đề nằm ở việc ngay cả khi Adam Neumann rời ghế CEO vào ngày 24/9, anh vẫn có nguyên quyền lực bởi là người sáng  lập WeWork, mỗi cổ phần anh nắm giữ có 10 quyền biểu quyết. Các cổ phần còn lại chỉ có tỉ lệ biểu quyết 1:1.

Với SoftBank, cũng như một hội đồng đặc biệt được thành lập để cân nhắc các kế hoạch tài trợ, mọi thứ rất rõ ràng. Việc Adam Neumann chấp nhận từ bỏ quyền biểu quyết sẽ có cái giá của nó, ba người thân cận với vấn đề xác nhận.

Claure và Neumann đàm phán

Trong cuộc gặp tại New York giữa Adam Neumann và Marcelo Claure, giám đốc vận hành SoftBank, những hình dung ban đầu về một thương vụ đã định hình.

SoftBank sẽ đưa ra hạn mức tín dụng 500 triệu USD để tái tài trợ khoản vay cá nhân Neumann đã thực hiện bằng cổ phần WeWork, với điều kiện Neumann sẽ dùng khoản lợi nhuận từ việc này, lên tới 970 triệu USD, để trả nợ cho SoftBank trước.

Những khoản tài trợ mới mà SoftBank đưa ra có thể đưa định giá WeWork về lại mức 5,9 tỉ USD dựa trên các khoản đảm bảo, theo nghiên cứu của Bernstein, thấp hơn rất nhiều so với định giá 47 tỉ USD hồi tháng 1.

Song khoản tiền mà Adam Neumann có không chỉ dừng lại ở đây. Anh đàm phán với SoftBank một thoả thuận kéo dài bốn năm trị giá 185 triệu USD cho "phí tư vấn" đổi lại là việc anh sẽ rời hội đồng WeWork.

Bên cạnh đó, việc SoftBank mua lại 3 tỉ USD giá trị cổ phần từ nhân viên và các cổ đông hiện hữu khác đã đưa định giá WeWork về mốc 8 tỉ USD, cao hơn so với định giá dựa trên khoản đảm bảo nói trên.

Về phần mình, JPMorgan đã không có gắng gọi vốn từ các cổ đông, một phần bởi WeWork chỉ muốn vay 5 tỉ USD từ nhà băng này.

Không còn lựa chọn

Khi nhà băng đưa ra gói vay vào hôm thứ hai, chỉ có công ty quỹ Starwood Capital Group chấp thuận cùng tham gia đồng tài trợ.

JPMorgan đồng ý tài trợ phần còn lại và sẽ thực hiện chuyển tiền vào một ngày sau đó. Thế nhưng, thương vụ này cũng có một điều kiện đi kèm. Khoản vay sẽ bị xem là vô hiệu nếu như SoftBank không thực hiện rót thêm 1,5 tỉ USD đã cam kết đầu tư vào tháng 4 năm sau, theo nguồn tin.

JPMorgan muốn đảm bảo rằng SoftBank sẽ tôn trọng những cam kết về tài chính của mình, như một cách để giảm thiểu rủi ro.

Thế nhưng, về phần mình, SoftBank lại nói với WeWork rằng SoftBank sẽ không đầu tư 1,5 tỉ USD nếu như đề nghị tài trợ của họ bị từ chối. Vấn đề của SoftBank nằm ở việc cam kết đầu tư 1,5 tỉ USD thực hiện dựa trên định giá 47 tỉ USD của WeWork. Softbank muốn điều chỉnh số tiền này tương ứng với sự mất giá của startup.

Cuối cùng, rủi ro của việc SoftBank sẽ không thực hiện cam kết nếu như chọn gói tài trợ của JPMorgan đã khiến hội đồng đặc biệt của WeWork nghiêng về phương án cho SoftBank cứu.

SoftBank đã đưa ra một lựa chọn mà WeWork phải chấp nhận.

Vào hôm 22/10, SoftBank công bố thương vụ nâng sở hữu của họ trong WeWork lên 80% từ con số 30%. Dù vậy, để tránh phải đưa các khoản tài sản nợ của WeWork vào bảng cân đối tài chính, SoftBank sẽ chỉ giữ 5 trong tổng số 10 ghế hội đồng WeWork.

WeWork đã đốt 2,5 tỉ USD từ cuối tháng 6, Marcelo Claure, người lèo lái WeWork mới, sẽ phải đảm nhận nhiệm vụ cắt giảm chi phí nhanh chóng, bằng không khoản đầu tư mới sẽ không đủ để ổn định vận hành.

Marcelo Claure cũng phải đối mặt với sự giận dữ của nhân viên công ty với số tiền quá lớn bỏ ra cho Adam Neumann. Hôm thứ 4, ông nói với nhân sự rằng đó là cái giá phải trả, còn không, "Adam có thể làm bất kì điều gì anh ta muốn".

Thái Sơn