'Cuộc chiến vì nước Mỹ' hay 'tấm gương đáng sợ': Thế giới nghĩ gì khi theo dõi bầu cử tổng thống 2020
Cả thế giới đang hồi hộp theo dõi cuộc đua vào Nhà Trắng 2020.
Hoạt động tranh cử của Tổng thống Trump và cựu phó tổng thống Joe Biden giữa cuộc khủng hoảng y tế thế kỉ đã mang đến cho thế giới cái nhìn rõ nét về các vấn đề quan trọng đối với cử tri Mỹ, từ nền kinh tế, việc làm cho đến chăm sóc sức khỏe và bình đẳng chủng tộc.
Cuộc bỏ phiếu cũng làm nổi bật sự phân cực chính trị chia rẽ các cử tri Mỹ.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ quan trọng vì chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng sẽ không chỉ định hình tương lai nước Mỹ mà còn cả bối cảnh chính trị quốc tế.
Một kết quả gây tranh cãi và tình trạng bất ổn dân sự tiềm tàng ở Mỹ đang là tâm điểm chú ý của toàn thế giới. CNBC tóm tắt những gì mà truyền thông thế giới nghĩ khi Ngày bầu cử đến.
Anh là quốc gia nên được nhắc đến đầu tiên vì có "mối quan hệ đặc biệt" với Mỹ. Báo chí Anh tập trung vào khả năng xảy ra kết quả bầu cử gây tranh cãi, xung đột lâu dài về việc kiểm phiếu và thậm chí là viễn cảnh xảy ra bạo động trên đường phố.
Tờ Guardian theo dõi cuộc bầu cử với tiêu đề nổi bật "Nước Mỹ chuẩn bị cho cuộc bầu cử lịch sử giữa những nỗi lo nền dân chủ đang gặp nguy". Tờ báo chỉ ra những lo ngại về dòng tweet của ông của Trump hôm 2/11 rằng có thể xảy ra "bạo lực trên đường phố" nếu việc kiểm phiếu ở Pennsylvania không được rút ngắn.
Tờ Telegraph cũng nêu bật khả năng xảy ra bất ổn với tiêu đề "Nước Mỹ đối mặt với bạo lực bầu cử với các cửa hàng bịt kín và Vệ binh Quốc gia trong tư thế sẵn sàng".
"Chiến đấu vì nước Mỹ"
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nhận được sự quan tâm cực kì lớn bởi truyền thông châu Âu. Báo chí đăng những bài giải thích về phương thức bầu cử và đánh giá về tác động của chính quyền ông Biden hoặc ông Trump tới mối quan hệ của Mỹ với quốc tế và châu Âu.
Tại Pháp, một bài xã luận trên tờ Le Figaro có tiêu đề "Bộ phim giật gân của người Mỹ" lưu ý rằng "ngoài chung kết World Cup, hiếm có sự hồi hộp nào trên hành tinh có thể sánh được với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ".
Nhật báo Italy La Repubblica đăng bài "thế giới đang chờ đợi" kết quả cuộc bỏ phiếu, nói về sự cần thiết của việc "tái thiết" nước Mỹ.
Trang tin tài chính Handelsblatt của Đức tập trung vào việc cuộc bầu cử sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thị trường tài chính. Trang chủ tờ Bild nhấn mạnh "Cuộc chiến vì nước Mỹ" giữa các ứng viên.
Phóng viên chính sách đối ngoại chủ chốt của tờ Die Welt nhận định rằng "đối với nhiều người Mỹ và người nước ngoài ở bên kia Đại Tây Dương, nhiệm kì của Tổng thống Trump là một cơn ác mộng dài mà họ hi vọng sẽ kết thúc vào ngày 4/11".
"Chúng ta không cần Mỹ"
Khi xét đến những cáo buộc của Mỹ rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử 2016 và 2020, truyền thông nước này đang nhấn mạnh quan điểm của người Nga về cuộc bỏ phiếu và tác động của vị tổng thống tiếp theo tới mối quan hệ với Nga.
Tờ Rossiyskaya Gazeta viết rằng chiến dịch tranh cử tổng thống "tai tiếng chưa từng có" năm 2020 "khiến thế giới phải nín thở" đã đi tới hồi kết.
Báo Izvestia tập trung vào cuộc bỏ phiếu sẽ ảnh hưởng thế nào đến cán cân quyền lực trong Quốc hội Mỹ và dẫn lời các chuyên gia cảnh báo rằng nguy cơ xảy ra hỗn loạn chính trị "rất cao".
Báo Kommersant thảo luận về tầm quan trọng của bang Pennsylvania đối với vận mệnh của hai ứng viên và đánh giá liệu ông Trump hay ông Biden sẽ tốt hơn đối với Nga.
Nhà báo Sergei Strokan lập luận rằng "ngày càng có nhiều lí do để đi đến kết luận rằng từ lâu Nga đã không cần Mỹ, mặc dù chúng ta không công khai thừa nhận điều này. Nước Mỹ của Trump hay Nước Mỹ của Biden đều không cần thiết đối với Nga".
"Vết nhơ"
Ở châu Á, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã (Xinhua) viết rằng "sự lo lắng và đại dịch đã mở đầu Ngày bầu cử Mỹ trong lúc các ứng viên thực hiện nỗ lực cuối cùng," nhưng các bài xã luận lại chỉ trích cuộc bỏ phiếu nhiều hơn.
Một bài báo của Thời báo Hoàn cầu (Global Times) cáo buộc bầu cử Mỹ trì hoãn "cuộc chiến chống COVID-19 toàn cầu".
"Bầu cử tổng thống Mỹ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc ngăn chặn COVID-19, dẫn đến tác động tiêu cực chưa từng có. Chính quyền Trump đã đánh giá sai dịch bệnh vào đầu năm nay, dẫn đến năng lực thiếu sót trong cuộc chiến chống virus. Cuộc bầu cử đã khiến chính quyền Trump gắn chặt với cách tiếp cận sai lầm của mình".
Bài báo kết luận "cuộc chiến chống đại dịch của Mỹ và cuộc bầu cử tổng thống là tấm gương khủng khiếp cho thế giới. Chúng là vết nhơ đối với sức mạnh của Mỹ".