Thế giới nghĩ gì về bầu cử tổng thống Mỹ?
Bầu cử tổng thống Mỹ không đơn thuần là sự kiện quốc gia mà còn tác động lớn tới toàn cầu. Tổng thống Mỹ rõ ràng là nguyên thủ quyền lực nhất thế giới. Ngay bây giờ mọi quốc gia đều hướng về Mỹ với sự lo lắng và kì vọng lớn lao.
Hầu hết các quốc gia đều sốt ruột và mong mỏi ông Trump rời khỏi Nhà Trắng. Khảo sát gần đây của Pew Research tại 13 nước thuộc khối OECD phát hiện rằng ông Trump là lãnh đạo quốc gia ít được ít nhiệm nhất.
Chỉ 16% người trả lời nói rằng họ tin ông Trump "sẽ làm điều đúng đắn về các vấn đề thế giới". Điểm số của Chủ tịch Tập Cận Bình (19%) và Tổng thống Vladimir Putin (23%) còn cao hơn ông Trump. Cách ông Trump xử lí COVID-19 đã kéo danh tiếng của cả ông lẫn Mỹ tụt dốc hơn nữa.
Đặc biệt tại Tây Âu, số người muốn ông Trump thua vào tuần sau chiếm áp đảo. Khảo sát gần đây của YouGov tại 7 nước Anh, Đan Mạch, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và Thụy Điển cho thấy chỉ 15% người trả lời muốn ông Trump thắng cử.
Tuy nhiên, khoảng 2/3 người tham gia cuộc thăm dò cho biết họ không quá kì vọng vào ông Biden.
Giống như ở Mỹ, phần lớn sự ủng hộ của châu Âu dành cho ông Biden đến từ mong muốn có ai đó hạ bệ ông Trump. Tuy chỉ 20% người trả lời tin ông Biden sẽ thành tổng thống "tốt hoặc tuyệt vời", hơn 2/3 nhận xét ông Trump là tổng thống "tồi tệ hoặc kinh khủng".
Mặc dù chỉ một số ít người nước ngoài thích ông Trump, họ đã trở nên gắn bó và cởi mở hơn về việc ủng hộ ông. 4 năm trước, hầu hết các đảng và chính trị gia cực hữu cùng lắm chỉ "rụt rè" yêu thích ông Trump. Hầu hết bọn họ chỉ trích bà Hillary Clinton và Đảng Dân chủ, nhưng khá thận trọng và không gắn bó với ông Trump.
Nhiều lãnh đạo cực hữu chỉ ra rằng ông Trump là người theo chủ nghĩa bảo thủ chính thống nhưng không theo chủ nghĩa dân tộc, cũng giống như họ.
Dù những chính trị gia này hi vọng ông Trump thắng cử, họ lo ông rốt cuộc cũng không khác gì những tổng thống khác của Đảng Cộng hòa.
Nhưng có vẻ các lãnh đạo cực hữu thích những gì ông Trump làm trong Nhà Trắng. Năm 2016, người châu Âu lớn tiếng ủng hộ ông Trump nhất là Thủ tướng Hungary Viktor Orbán. 4 năm sau, ông một lần nữa là người đầu tiên công khai và dứt khoát tán thành ông Trump.
Tuy nhiên, ngay cả sự ủng hộ của ông Orbán dành cho ông Trump cũng gần như bắt nguồn từ sự phản đối với ông Biden hoặc lòng căm ghét sâu sắc với bà Clinton.
Thủ tướng Orbán viết trên một tờ báo Hungary vào tháng trước: "Chúng tôi ủng hộ chiến thắng của Donald Trump, vì chúng tôi biết quá rõ chính sách ngoại giao của các chính phủ Đảng Dân chủ Mỹ. Chúng tôi đã bị bắt phải trải nghiệm chúng. Chúng tôi không thích và không muốn phải nếm trải nó lần nào nữa".
Theo tờ The Guardian, nhiều chính trị gia cực hữu đã nhanh chóng bày tỏ sự ủng hộ công khai khi ông Trump nhập viện vì COVID-19. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro còn đi xa hơn và tuyên bố: "Tôi cầu mong Tổng thống Donald Trump và đệ nhất phu nhân Melania chóng hồi phục".
"Với niềm tin vào Chúa, họ sẽ sớm bình phục. Các công việc điều hành đất nước cũng như chiến dịch tái tranh cử của ông ấy sẽ không bị ảnh hưởng".
Tương tự, Đảng Nhân dân Bảo thủ Estonia tuyên bố: "Người dân Estonia cầu nguyện cho Donald Trump, Biden không mang lại điều gì tốt cho chúng tôi".
Gió đổi chiều
Trong vài tuần qua, một số nhà lãnh đạo cực hữu đã tỏ ra rụt rè hơn trong việc ủng hộ ông Trump. Sau khi tổ chức các sự kiện cấp cao với chủ nhân hiện tại của Nhà Trắng, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã bớt thẳng thắn hơn khi ủng hộ ông Trump.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng tỏ ra thận trọng khác thường, kể cả trong chuyến thăm Nhà Trắng gần đây. Không nghi ngờ gì nữa, các cuộc thăm dò đóng vai trò quan trọng trong sự thay đổi thái độ này. Hầu hết các cuộc khảo sát toàn quốc đều cho thấy ông Biden đang dẫn trước ông Trump với cách biệt đáng kể.
Một nguyên nhân khác cũng có thể đến từ sự ủng hộ ít ỏi của người Mỹ gốc Ấn và người Mỹ gốc Do Thái dành cho ông Trump, lần lượt là 22% và 30%.