|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cuộc chiến trên thị trường xuất khẩu gạo: Trung Quốc đang dần thế chân Ấn Độ tại châu Phi

18:42 | 07/01/2020
Chia sẻ
Khi người mua trở thành người bán, Ấn Độ - nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - có thêm một đối thủ mới trên thị trường quốc tế. Từ các nhà hoạch định chính sách tại Udyog Bhawan tới những nhà xuất khẩu gạo xay xát hàng đầu đều cẩn trọng dõi theo Trung Quốc, với những lô gạo đang được đưa vào thị trường châu Phi, vốn được Ấn Độ thống trị.

"Chúng tôi nhận thấy Trung Quốc, vẫn luôn là người mua gạo, đang tăng cường xuất khẩu gạo trắng với mức giá cạnh tranh. Tuy nhiên, cần phải xem tình hình như thế nào dựa trên tổng khối lượng xuất khẩu", một quan chức tại Cục Xuất khẩu (Nông nghiệp) của Liên minh Bộ Thương mại và Công nghiệp cho biết.

Trong 6 tháng qua, Trung Quốc đã giải phóng hơn 3 triệu tấn gạo trắng từ kho dự trữ quốc gia. Đồng thời, một khối lượng lớn hàng kí gửi đã được vận chuyển sang các quốc gia châu Phi.

"Chúng tôi (Ấn Độ) xuất khẩu gạo non-basmati với giá khoảng 400 USD/tấn, nhưng Trung Quốc đang đưa ra mức giá thấp hơn rất nhiều", ông Lakshya Agarwal, một nhà xuất khẩu gạo nổi tiếng tại Uttarakhand, chia sẻ.

Trong khi đó, Trung Quốc đang xuất khẩu gạo non-basmati với giá khoảng 300 - 320 USD/tấn.

"Sự chênh lệch giữa giá gạo Ấn Độ và Trung Quốc là rất lớn. Trong dài hạn, nó có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu của chúng tôi", ông Agarwal nói thêm.

Trong nhiều thập kỉ, Ấn Độ là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, theo sau là Thái Lan, Việt Nam và Pakistan.

Mặc dù Ấn Độ tiếp tục bảo vệ được "ngai vàng" của mình, xuất khẩu gạo non-basmati của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang giảm mạnh. Ví dụ, trong giai đoạn tháng 4 - tháng 11/2019, Ấn Độ đã xuất khẩu hơn 90 triệu repee giá trị gạo non-basmati, so với khoảng 140 triệu rupee trong cùng kì năm trước nữa.

Dữ liệu Bộ Thương mại Ấn Độ cho thấy xuất khẩu gạo non-basmati đã giảm còn 35,78% trong 8 tháng đầu tiên của năm tài chính hiện tại, so với cùng kì một năm trước.

Cuộc chiến trên thị trường xuất khẩu gạo: Trung Quốc đang dần thế chân Ấn Độ tại châu Phi - Ảnh 1.

Ảnh: mathrubhumi.com

Nguồn tin từ Cơ quan Phát triển Sản phẩm Lương thực chế biến và Nông nghiệp (APEDA) cho hay Trung Quốc có kế hoạch tỉ mỉ để vận chuyển lượng gạo tồn kho cũ sang thị trường châu Phi.

"Thực tế, người Trung Quốc tiêu thụ gạo nếp, loại gạo có hương vị ngọt khi còn tươi. Hương vị sẽ không được lưu giữ trong lô gạo tồn kho cũ. Đó là nguyên nhân luôn có nhu cầu gạo tươi tại Trung Quốc.

Thời điểm gạo tươi tràn ngập thị trường lớn nhất thế giới, chính phủ sẽ giải phóng lượng tồn kho cũ với mức giá thấp", trang Mathrubhumi trích nguồn thạo tin cho hay.

Chiến dịch của Trung Quốc cuối cùng đã làm gián đoạn thị trường gạo xuất khẩu trên toàn thế giới, khiến Ấn Độ cảm thấy "vị đắng" khi là nhà xuất khẩu lớn nhất.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Bộ Công Thương Ấn Độ chia sẻ để giải quyết sự cạnh tranh của Trung Quốc trên toàn cầu, một nhóm các nhà xuất khẩu gạo đã gợi ý chính phủ nên giải phóng kho gạo non-basmati dư thừa từ kho chứa của Food Corporation of India và thị trường mở.

Tuy nhiên, chính phủ dường như không sẵn sàng giải phóng kho dự trữ, vì số gạo này được dùng trong chiến lược phân bổ cộng đồng để phục vụ người nghèo.

Một giám đốc điều hành của công ty xuất khẩu gạo có trụ sợ trở Delhi (Ấn Độ) cho hay: "Nếu chính phủ không thể giải phóng kho dự trữ, thì có thể ít nhất cung cấp một số chính sách khuyến khích xuất khẩu gạo non-basmati nhằm đối phó với sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc và những người chơi khác trên thị trường quốc tế".

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong năm 2020, nhập khẩu gạo của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được dự báo giảm 100.000 tấn so với ước tính trước đó xuống 2,4 triệu tấn, vì nguồn cung nội địa dồi dào.

Trong khi USDA hạ dự báo xuất khẩu gạo của Ấn Độ xuống còn 11,5 triệu tấn trong năm nay vì vụ mùa thấp.

Lyly Cao